Một gia đình dân tộc Mông, bản Thẳm Phẩng xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng (Điện Biên) thực hiện thủ tục cân nước ngày đầu năm mới
|
Ðồng bào Mông không tính giao thừa theo giờ, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng mồng một tết là thời khắc đầu tiên của năm mới. Vào thời khắc này, mỗi gia đình sẽ cử một chàng trai khỏe mạnh nhất, hoặc là lao động chính trong nhà mang theo 3 thẻ hương, một tập giấy dó và dụng cụ đi lấy nước. Thông thường, họ không lấy nước ngẫu nhiên mà chọn một mó nước - nơi cung cấp nguồn nước cho cả bản. Khi đến nơi, họ sẽ thắp hương cầu khấn, xin thần linh được lấy nước về nhà và gọi đó là nước lộc.
Nước lộc mang về sẽ được chủ nhà tiến hành cân, trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình. Nước lộc và nước lấy ngay tại trong nhà được rót đầy vào 2 bát, hoặc chén bằng nhau. Sau đó tiến hành cân từng bát một. Ðồng bào Mông quan niệm, nếu như bát nước lộc nặng hơn thì năm mới sẽ có nhiều mưa gió hơn năm cũ, nếu nhẹ hơn thì thời tiết sẽ khô hạn. Với dự báo như vậy, họ sẽ có những giải pháp chủ động về nguồn nước tưới, cũng như chuẩn bị để phòng chống lại với những thiên tai không mong muốn trong năm mới.
Hiện nay, mặc dù cuộc sống hiện đại hơn, việc dự báo thời tiết được cập nhật thường xuyên thông qua các phương tiện truyền thông, song với giá trị về mặt tâm linh, tục cân nước vẫn được các gia đình duy trì thực hiện như một cách để lưu giữ nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình, với ước mong một năm mới mưa thuận gió hòa, nguồn nước tưới dồi dào, mang về những mùa vàng bội thu, no ấm.
Theo baodienbienphu.info.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tuc-can-nuoc-de-du-bao-thoi-tiet-cua-nguoi-mong-20190701093044731.htm