(HNM) - Không chỉ thơm danh truyền thống khoa bảng, xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) còn là đất nghề tiện gỗ nổi tiếng. Ngày nay, người Nhị Khê linh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại trong nhiều công đoạn sản xuất, tạo hiệu quả cao.
Theo lời kể của ông Nguyễn Nghĩa, nguyên Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Nhị Khê, nghề tiện gỗ xuất hiện ở Nhị Khê hơn 300 năm trước. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây đã làm ra hàng loạt sản phẩm tinh xảo; rất nhiều người đã lập nghiệp thành công tại các phố “Hàng” của Hà Nội vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX. Tương truyền, thời Vua Lê - Chúa Trịnh, một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo - đã về Nhị Khê để truyền nghề.
Hiện tại, Nhà thờ tổ nghề vẫn đang được người làng nghề bảo tồn, trong đó có nhiều bức đại tự, hoành phi với nội dung giáo dục con cháu giữ gìn tổ nghiệp, đúng như câu ca dao ở đây ai cũng thuộc lòng: “Bao giờ Thường Tín hết cây/Sông Tô cạn nước Nhị Khê bỏ nghề”. Trải qua thăng trầm, gian nan, không ít lần làng nghề lao đao vì “đầu ra” gặp khó nhưng người dân Nhị Khê vẫn quyết tâm gìn giữ, phát huy tốt nghề truyền thống và nghề không phụ công người…
Về Nhị Khê hôm nay, nổi bật là thành quả xây dựng nông thôn mới: Đường bê tông thẳng tắp, khang trang; công viên xanh - sạch - đẹp… Song, điều đáng trân trọng ở Nhị Khê là vẫn lưu giữ được đình làng cổ kính cùng các nhà thờ họ theo kiến trúc cổ trong không gian rộn rã âm thanh đầy sức sống của làng nghề... Từ đây, rất nhiều đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ chất lượng cao như: Tràng hạt, bình, lọ, bát, đĩa, hộp đựng, gạt tàn thuốc, đế đèn, cây đèn… đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Nhị Khê có gần 600 hộ dân nhưng hơn 80% trong số đó theo nghề. Mỗi gia đình hoạt động như một xưởng sản xuất khép kín…
Gia đình ông Lưu Kim Quân - một trong những hộ làm nghề nổi tiếng ở Nhị Khê chia sẻ: “Để tạo ra sản phẩm, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo... Nếu không có sự đam mê thì khó có thể theo đuổi được nghề. Chúng tôi mong sản phẩm tinh xảo của Nhị Khê đến với nhiều quốc gia hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của các bậc tiền nhân”.
Ông Nguyễn Hữu Trụ năm nay hơn 70 tuổi. Qua tay ông, các sản phẩm tiện gỗ vẫn chính xác và rất đẹp. Hằng ngày, ông trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, uốn nắn con cháu các công đoạn quan trọng để tạo nên sản phẩm có hình thức, chất lượng đạt mức cao nhất. Nếu như trước kia, toàn bộ công đoạn làm nghề của địa phương đều phải làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian thì nay một số công đoạn được máy móc hỗ trợ để thêm nhiều sản phẩm mới. Không chỉ có đế đèn, lư hương, bình, bát, điếu... như xưa, giờ đây, làng nghề còn có hơn 200 sản phẩm khác nhau; theo từng năm, mẫu mã cũng tăng theo nhằm phục vụ thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao…
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lý, một người làm nghề cho hay, khi cầm những sản phẩm gỗ tiện xinh xắn, nhẵn bóng, đủ hình thù, kiểu dáng tinh xảo... ai cũng trầm trồ song ít người thấu được sự vất vả, tỉ mỉ của người thợ. Thường ngày, người làm nghề tất bật trong xưởng từ 10 đến 13 giờ đồng hồ, nếu say nghề thì quên cả thời gian, không gian. Điều lo ngại là thợ tiện Nhị Khê đang chịu sự ô nhiễm từ bụi gỗ, tiếng ồn, thậm chí là nguy cơ tai nạn lao động rất cao, nhẹ thì bầm dập, nặng thì đứt tay, chân… “Vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng không ai bỏ nghề vì nghề vừa là sinh kế, vừa là tài sản vô giá ông cha truyền lại” - chị Lý nói. Có lẽ điều đó đã thấm sâu vào từng con người nơi đây như ông Trụ, ông Quân, chị Lý… minh chứng cho sức sống bền bỉ của nghề tiện gỗ ở Nhị Khê.
Tự hào về quê hương, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Nguyễn Tiến cho biết thêm: Năm 2001, Nhị Khê vinh dự đón nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Đây là niềm vui chung, khích lệ các thế hệ người dân Nhị Khê tiếp tục phát triển nghề, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt giá trị cao hơn...
Ngày nay, tuy công nghệ phát triển, nhiều sản phẩm với mẫu mã lạ, vật liệu mới ra đời... nhưng chúng tôi tin, với lòng biết ơn Tổ nghề cùng nhận thức sâu sắc giá trị của nghề, chắc chắn làng nghề tiện gỗ ở Nhị Khê sẽ phát triển bền vững, hòa nhịp cùng sự lớn mạnh của Thủ đô và đất nước...