04/04/2019
Đoàn rước trong lễ hội làng Sủi.
(HNMCT) - Làng Sủi (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) là một ngôi làng cổ nổi danh đất Bắc, nơi sinh ra nhiều danh nhân và là một làng khoa bảng, có những tập tục văn hóa in đậm tiềm thức người Việt xưa. Trong số hàng nghìn lễ hội đầu năm diễn ra khắp dải đất hình chữ S, chỉ duy nhất có một lễ hội giải oan, đó là hội Bông Sòng ở làng Sủi.
Truyền thuyết về cái tên “Bông Sòng”
Làng Sủi, nay là thôn Phú Thụy thuộc xã Phú Thị, nằm trong địa bàn cư trú của người Việt cổ. Nơi đây sinh ra nhiều danh nhân của đất nước, nổi tiếng nhất là Nguyên phi Ỷ Lan đời Lý Thánh Tông, người phụ nữ có nhiều công lao trong cuộc "kháng Tống bình Chiêm". Trong hai lần làm nhiếp chính thay vua cai quản việc nước, bà đã có nhiều quyết sách chấn hưng đời sống, hội tụ sức mạnh toàn dân và được người đương thời suy tôn là "Quan Âm Nữ".
Theo thần phả cũng như sử xưa chép lại thì vua Lý Thánh Tông năm 40 tuổi vẫn chưa có con. Nguyên phi Ỷ Lan về cầu tự ở Đại Dương tự, ngôi chùa linh thiêng ở hương Thổ Lỗi. Nguyễn Bông, một quan nội thị theo hầu Nguyên phi đã nghe theo kế sách của pháp sư Đại Điên lọt vào nơi Ỷ Lan đang tắm để đầu thai làm con của bà. Sự việc diễn ra đúng như dự tính của pháp sư. Nguyễn Bông bị phát giác, bị xử tội chém đầu. Pháp sư Đại Điên lấy son vẽ vào hai vai thi hài Nguyễn Bông hình hai con rồng chầu, cắt khuyết một đầu ngón chân út và điểm 7 nốt ruồi vào đùi bên trái. Sau này thái tử Càn Đức cũng có dấu y như thế, nhờ vậy mới biết Nguyễn Bông bị oan. Triều đình cho sứ giả về làng Sủi báo tin, làm lễ giải oan cho Nguyễn Bông. Dân làng mở hội chào đón sứ giả, hô vang “Bông sòng” với hàm ý: “Bông” là Nguyễn Bông, “sòng” là sòng phẳng, ngay thẳng. Dân làng vui mừng nhảy múa, mang rượu mời sứ giả. Không chỉ mừng cho người được minh oan mà còn hoan hỉ khi triều đình đã nhận sai và chịu sửa sai.
Cũng từ đấy, làng Sủi mở lễ hội vào đầu tháng Ba (âm lịch), con cháu trong làng dù đang đi làm ăn xa, đến ngày hội đều về dự. Theo thần phả thì ngày mùng 1 tháng Ba là ngày "khánh hạ", mùng 7 tháng Ba là ngày sinh đức Thái hậu Ỷ Lan. Tháng Ba cũng là tháng hoàn thành việc xây dựng lại chùa Đại Dương Sùng Phúc tự ở hương Thổ Lỗi - quê hương Nguyên phi Ỷ Lan - nơi bà cầu tự linh nghiệm.
Còn đó lễ hội truyền thống
Làng Sủi xưa có 7 giáp. Mỗi khi làng mở hội, vào sáng mùng 1 tháng Ba âm lịch, sau lễ "mở mắt trống", giáp đăng cai và dân làng sẽ làm lễ tại đình. Giáp nào đăng cai thì giáp đó tổ chức hội Bông Sòng, còn lại 6 giáp kia sẽ làm sứ (thường thì có từ 10 đến 12 ông sứ được tuyển chọn từ các thiếu niên). Các ông sứ mặc áo dài đỏ, khăn vàng, quần trắng, đi giày. Ngày 3 tháng Ba là ngày đại lễ. Từ buổi sáng, dân làng tổ chức rước sắc phong, rước kiệu Đức bà từ trong đền ra, đi một vòng trên đường lớn theo nghi thức long trọng rồi trở về đền. Các vai chánh sứ, phó sứ đi cùng trong đám rước.
Giáp đăng cai cử người cao niên ra lễ ở miếu ông Bông và chọn 8 vị hiệu (trống, chiêng, cờ) đi rước kiệu, 8 cô gái đồng trinh khiêng kiệu, 4 cô khiêng võng đào (kiệu võng) từ cổng nhà người đăng cai ra sân đền. Các sứ của 6 giáp đi sau kiệu, đều có lọng che riêng. Các ông hiệu đội mũ hiệu (có dải đằng sau), áo đỏ có đai, người nhà cầm lọng giấy sơn đen hoặc màu ngà đi bên cạnh. Khi đoàn ra đến nơi, các nhà sư ở chùa ra đón tiếp. Đám rước vòng qua miếu ông Bông rồi về đình chợ (ở giữa chợ Sủi) ngồi chờ để các giáp ra chúc rượu. Hiệu lệnh chúc rượu là 3 hồi chiêng, khi ấy các giáp trong làng dù đang ăn uống cũng phải đứng dậy, tất cả chạy ra đình.
Thường mỗi giáp có từ 10 đến 20 thanh niên mặc áo dài, khăn xếp hay khăn lượt chạy theo một người gõ trống. Cùng với tiếng trống là tiếng hô “Sòng - Bông sòng” từ trong làng lên tới miếu ông Bông sau đó về đình chợ để chúc rượu các đại diện chánh, phó sứ. Cuộc chúc rượu quy định rõ: Đổ cho 3 ông sứ xong mới đến lượt khách. Khách khi được chúc rượu sẽ có thưởng tiền. Tiếng hô “còn rượu - còn tiền” hòa trong tiếng reo hò “Bông sòng” huyên náo. Cuộc chúc rượu này chỉ diễn ra chừng hơn một giờ khi cả 6 giáp đã chúc xong.
Trải qua bao thời gian Lễ hội Bông Sòng ở làng Sủi mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Đó là lễ cầu an, cầu may nhân sự việc Nguyên phi Ỷ Lan cầu tự linh nghiệm, ca ngợi sự công minh chính trực...
Lễ hội Bông Sòng năm 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 1 đến hết mùng 3 tháng Ba âm lịch, tức vào các ngày 5, 6 và 7-4-2019. Lễ hội Bông Sòng năm nay được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm Khu di tích đình - đền - chùa làng Sủi được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc - văn hóa cấp quốc gia (1989 - 2019) nên có nhiều nội dung mới. Bên cạnh nhiều nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian, nhiều môn thể thao hiện đại cũng được tổ chức trong 3 ngày hội nhằm tạo không khí tưng bừng, phấn khởi cho nhân dân. Nhà chùa (chùa Sủi) cũng phối hợp với Ban quản lý di tích tổ chức lễ cầu quốc thái dân an, đồng thời tổ chức lễ tri ân các nhà hảo tâm đã có nhiều đóng góp xây dựng khu di tích trong 30 năm qua, tổ chức thi đọc và tìm hiểu "Tuyên văn Mục lục", một hình thức khuyến học độc đáo chỉ có ở làng Sủi - làng khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử của dân tộc. |
Nguyễn Tiến
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/820118/lang-sui-co-hoi-bong-song-
|