(NSHN) - Trà sen hồ Tây là sự hòa quyện ăn ý đến hoàn hảo giữa cái ngọt sâu tinh tế của trà với cái hương thơm nhẹ nhàng, thảo ngọt mà tinh khiết của hoa sen hồ Tây. Đặc sản này đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội.
Không ở nơi nào trên thế giới có trà sen, người Hà Nội coi trà sen là một báu vật để nâng niu và cái thú thưởng thức trà sen được coi là sự hội tụ đỉnh cao của nền văn hóa trà Việt.
|
Trà sen hồ Tây là kết tinh hương vị của đất trời Thăng Long. |
Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu.
Vùng phía Tây và Tây Bắc của hồ Tây, khu vực đầm Trị, giáp với Xuân La, người ta vẫn giữ được những vạt sen quý là sen Bách Diệp, hay còn gọi là sen Quan Âm. Đây là một loại sen trăm cánh, sắc hồng tươi thắm và chỉ nở từ tháng Tư đến tháng Bảy âm lịch, bởi vậy bông sen rất thơm, và thơm rất lâu. Đến cả lá sen cũng mang trong mình hương thơm ngọt ngào. Vì thế, sen Bách Diệp thường được dùng để ướp trà.
Trà sen không khó ướp nhưng để ướp sen hồ Tây toát lên được cái hương vị đất trời riêng thì thực khó.
Trong một bông sen thì tinh hoa của đất trời đều hội tụ vào nhị, cho nên nhị hoa quý nhất. Lúc hoa vừa chúm chím nở cũng là khi mùi hương đượm nhất và sáng sớm khi mặt trời chưa lên, hoa còn ngậm sương là thời điểm đẹp nhất để hái làm trà. Những bông hoa hàm tiếu tươi mới được xếp khéo léo, đậy bằng những tấm lá sen to.
Hoa sen sau khi hái về sẽ được tách và sàng thật kỹ để lấy lớp gạo sen.
Ướp chè sen đúng chuẩn người Hà Nội vô cùng công phu. Cho đến thời điểm này, cụ Nguyễn Thị Dần ở 33 phố Tô Ngọc Vân là nghệ nhân cao tuổi nhất ở Tây Hồ còn gắn bó với trà ướp sen. Theo cụ Dần, để làm được 1kg trà ướp sen ngon thượng hạng, cần đến 2 lạng gạo sen để ướp. Muốn có 2 lạng gạo sen cần khoảng 1.000 bông sen. Vì thế, nhiều người nước ngoài đã không khỏi xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà cầu kỳ, tinh tế của người Hà Nội.
|
Cụ Nguyễn Thị Dần, ở số 33 phố Tô Ngọc Vân, là nghệ nhân cao tuổi nhất ở Tây Hồ còn gắn bó với trà ướp sen. |
Trà để ướp sen cũng rất kén, phải là loại một búp hai lá trồng đất Tân Cương, được sao sấy kỹ càng và không tẩm hương.
Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tùy thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18-24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà, rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tùy thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm.
Mỗi bông sen thanh nữ ôm trọn trong lòng một chén trà xuân. Gói chặt lại, cánh chè ngậm hương ngan ngát. Cắt bông, trữ trong tủ đá.
Pha trà cũng có cái thú của nó. Không vội, lấy một bông trà sen trong tủ ra khoảng 5 phút. Mở cánh hoa dỡ nhẹ cánh trà ngậm đủ hương sen cho vào ấm. Chờ nước đun sôi đỡ nóng, thong thả đánh thức hương trà. Tiếp đến tra nước đầy xăm xắp ấm. Nhấp một ngụm, chao ôi! Hương vị tinh túy của trời đất như hội tụ vào trong chén trà đậm đà, thanh khiết của sen hồ Tây này.