Đậu phụ An Vĩ, Hưng Yên
|
Chẳng biết nghề làm đậu phụ ở An Vĩ có từ bao giờ, nghề truyền thống này không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, đem lại thu nhập, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng nghề làm đậu phụ, mà người dân An Vĩ vẫn quen gọi bằng cái tên “nghiền cái lấy nước” vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đậu phụ An Vĩ vẫn giữ được hương vị thơm ngon, mát lành và vị đặc trưng của mình, giờ đây đã trở thành một đặc sản, một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình.
Đậu muốn ngon, đầu tiên là phơi hạt, chọn những hạt đỗ tương đều nhau, có vỏ mỏng vàng, nhẵn bóng, sau đó ngâm vào nước sạch đến độ vừa phải (mùa hè ngâm khoảng 4 tiếng, mùa đông khoảng 6 tiếng). Tiếp tục đem xay, sau đó lọc bột, bột đậu nước được cho vào túi vải rồi ép để loại bỏ bã đậu. Nước đậu sống, sau khi được lọc phải đun sôi, giai đoạn đun, tránh để trào ra bếp; lửa to dễ làm bén nồi, đậu sẽ có mùi khê. Nước đậu khi đun sôi được đổ ra các chậu hoặc chum sành rồi chế nước chua và muối.
Khu chế muối và nước chua quyết định phần lớn chất lượng đậu. Tùy thời tiết nóng hay lạnh để pha nước chua, người giỏi nghề là người nhìn màu nước chua có thể biết đậu sẽ ra sao. Thường thì màu vàng nhạt là ngon, nước quá trong sẽ hao và cứng đậu. Sau khâu pha chế này, sữa đậu sánh lại thì cho vào khuôn ép, tạo thành các bìa đậu. Vài bí quyết khác để có bìa đậu ngon là vải bọc đậu phải là thứ vải phin, khuôn ép đậu phải chon loại gỗ tốt, phù hợp... Đậu là món ăn thường ngày. Từ đậu phụ, qua bàn tay khéo léo của người nội trợ có thể làm ra nhiều món như đậu rán, đậu kho, đậu nấu cà chua... Đậu nướng ăn nóng chấm gia vị đã trở thành một trong những món ăn dân dã được nhiều người ưa thích.
Hiện nay, trung bình một hộ làm đậu ở An Vĩ chế biến từ 8 đến 10 kg đậu hạt mỗi ngày, có những hộ sản xuất quy mô lớn có thể chế biến 30kg đậu hạt mỗi ngày. Ông Lê Văn Dũng, trưởng thôn Thượng cho biết: Hiện nay, các hộ sản xuất đã đầu tư máy xay đỗ, nồi hơi... nên công việc đã bớt vất vả mà năng suất lao động lại cao.
Đậu An Vĩ có mặt tại hầu hết các chợ trên địa bàn huyện Khoái Châu và các vùng lân cận. Nghề làm đậu ở xã An Vĩ được gắn bó và truyền lại từ đời này qua đời khác, công nghệ xay đỗ tương có thể công nghiệp hóa bằng máy móc nhưng kỹ thuật pha chế và ép khuôn đậu thì vẫn được giữ gìn, vì đó là bản sắc và hương vị chỉ riêng có ở làng nghề đậu phụ An Vĩ. Hy vọng rằng với món đặc sản dân dã rất xưa này, Hưng Yên có thêm địa chỉ du lịch làng nghề đem lại sự thích thú cho khách du lịch xa, gần.
(Theo Báo Hưng Yên)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dau-phu-an-vi-20190117151052439.htm