Chó đá trước cửa nhà của đồng bào dân tộc Tày, Nùng
|
Trong tâm thức của người Tày, Nùng, những con chó bình thường thì chỉ giữ được phần “dương”, còn muốn canh giữ phần “âm” thì phải “nuôi” chó đá. Bởi vậy từ bao đời nay, tục thờ chó đá đã trở thành một tín ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm thức của người Tày, Nùng tại Cao Bằng.
Trước cửa chính của nhiều ngôi nhà được đặt một con chó đá với những tư thế khác nhau. Đó là nét đặc trưng rất dễ nhận thấy khi đặt chân vào nhiều bản, làng của người Tày, Nùng tại Cao Bằng. Với cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, chó đá có một ý nghĩa vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng sâu đậm đối với đời sống. Theo phong tục của người Tày, Nùng, khi xây nhà mới, chủ gia đình sẽ đến nhà thầy cúng xem tuổi, chọn ngày tốt để đục, đẽo và rước chó đá về nhà mình. Những việc này phải được làm rất cẩn thận, bởi người dân ở đây quan niệm: Đặt chó đá trước cửa nhà để cai quản cõi âm, khi có ma quỷ lại gần nhà để phá gia chủ, chó đá sẽ giúp gia chủ xua đuổi ma quỷ. Đặc biệt, với những nhà có phong thủy xấu thì sự xuất hiện của chó đá lại càng cần thiết.
Với ý nghĩa như vậy, sau khi đã chọn được ngày tốt, chính thầy cúng sẽ ra bờ suối hoặc chân núi tìm đá để đục đẽo chó đá. Tùy vào năm sinh, hướng nhà của gia chủ, người ta sẽ quyết định con chó đá đó nặng bao nhiêu, tư thế nằm hay ngồi phủ phục.
Chính bởi niềm tin vào vai trò của chó đá là giữ yên cửa nhà, mà người dân ở Cao Bằng rất coi trọng chó đá. Vào các ngày Rằm, mùng Một hằng tháng và các ngày gia đình có việc trọng đại, con chó đá cũng được gia chủ quan tâm đặc biệt. Gia chủ sẽ thắp một nén hương cùng với đó là 2 chiếc bát, một bát đựng muối, một bát đựng gạo để thờ cúng trước mặt con chó đá. Việc làm này nhằm thể hiện sự biết ơn của gia chủ đối với chó đá. Đặc biệt hơn cả là vào dịp Tết, chó đá lúc này được gia chủ thực hiện những nghi lễ thờ cúng rất trang trọng. Trong ngày 30, trước thời khắc giao thừa, người chủ nhà sẽ đi lấy lá bưởi đun sôi lấy nước để tắm cho chó đá nhà mình. Họ quan niệm rằng, lá bưởi là loại lá có tác dụng trừ tà, gội rửa vận đen, xua đuổi tà ma. Vì vậy, dùng lá bưởi tắm cho chó đá bởi sau một năm lao động vất vả, chó đá được gội rửa những bụi cũ, những điều xấu của năm trước để đón tài lộc, may mắn vào nhà. Sau khi đã tắm rửa xong, chó đá sẽ được dán một miếng giấy đỏ trên lưng, có lẽ việc dán giấy đỏ cũng giống như việc mặc áo mới cho chó đá. Chó đá sẽ được cúng từ đêm 30 kéo dài cho hết ngày rằm tháng Giêng. Ngày nào gia chủ cũng thắp hương và đem gạo, muối ra cúng. Tín ngưỡng này bày tỏ sự tôn trọng con chó đá đặt trước nhà và tình cảm của chủ nhà đối với sự trông nom của con chó đá cho việc trông coi suốt 1 năm qua.
Đối với cộng đồng dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, niềm tin của họ vào các linh vật là rất lớn và con chó đá trông nom nhà cửa đem đến sự vững tin, yên tâm lao động, sản xuất. Vì vậy, chó đá không chỉ là vật trang trí độc đáo mà nó còn mang một ý nghĩa tâm linh quan trọng trong cuộc sống.
Thủy Tiên/ Báo Cao Bằng
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/doc-dao-tuc-tho-cho-da-cua-nguoi-tay-nung-20181114094420898.htm