Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 20/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Nhớ hội vật làng Hà xưa Nhớ hội vật làng Hà xưa , Người xứ Nghệ Kiev
 

Trong các môn võ cổ truyền, môn vật tuy đơn giản nhưng đông đảo người xem ham thích nhất.

Hội vật làng Hà (Vĩnh Phúc) được tổ chức hàng năm vào ngày mồng Bảy Tết 

Cư dân vùng núi Tam Đảo vốn là dân thượng võ nên từ xa xưa đã có những lò vật nổi tiếng với những đô vật lừng danh.Trong đó phải kể đến đô vật Trần Nguyên Hãn đã dẫn đầu đoàn quân đô vật trong vùng đi giúp Vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi giành lại nền độc lập cho dân tộc. Ở vùng chân núi Tam Đảo có nhiều hội vật nhưng hội vật ở làng Hà là vui nhất, vì tất cả các danh thủ vô địch ở các hội khác đều hẹn nhau về đây tranh tài cao thấp. Ai đoạt được giải vô địch ở làng Hà mới đáng mặt anh hùng.

Hội vật làng Hà được tổ chức hàng năm vào ngày mồng Bảy Tết. Từ sáng sớm, sau khi các bô lão làm lễ đình xong, tiếng trống trận bắt đầu nổi lên gọi đám đông về tụ tập. Trên bãi cỏ trước sân đình bên cây đa cổ thụ, từng cặp đô vật ra múa chào dân làng ngay giữa đám đông mang nghi thức trình làng. Trước khi vào cuộc, đô vật còn “xe đài” hoặc “múa hạc”. Đây là hình thức khởi động cơ thể tạo không khí vui vẻ theo phong cách biểu diễn nghệ thuật. “Xe đài” còn tạo nên không khí áp đảo đối phương hoặc phô diễn sở trường sở đoản của mình với những miếng võ độc đáo. “Xe đài” cũng còn mang nghi thức bái tổ gồm các thao tác: Ba bước lên, ba bước xuống, ba bước vào , ba bước ra... nhịp nhàng theo nhịp trống và kiêng không được quay lưng về phía cửa đình làng. Bởi đây cũng là sự tỏ lòng tri ân trời đất cùng các vị tiền bối giữa chốn đình chung. Rồi sau đó chuyển sang “múa hạc” uyển chuyển. Múa càng khéo càng lôi cuốn người tới xem. Theo hiệu trống của vị trưởng lão cầm trịch, các đô vật trẻ múa vờn nhau rồi vào cuộc vật “dọn bãi”. Hai đô vật lồng tay bám gáy nhau giằng co tiến lùi theo nhịp hò reo của khán giả rồi bất ngờ thể hiện mưu mẹo, sức mạnh và áp dụng từng miếng mẹo thích hợp như: Gồng vọt, gồng lăn, sườn tay nách, sườn tay quay, bôc một, bốc đôi, máng cao, máng thấp, vét, bò rút, bò mói... biểu diễn mọi miếng để áp đảo đối phương. Tuy chỉ là vật “dọn bãi” nhưng cũng khá gay cấn và hấp dẫn. Hai đô vật đùn đẩy nhau đến đâu đám đông dãn ra đến đó, lúc co vào, lúc dãn ra trong tiếng hò reo và nhịp trống cái thúc vang trời dậy đất như kêu gọi khách thập phương tụ về mỗi lúc một đông, chật bãi chật đường, leo lên kín cả gốc đa cổ thụ. Khi các keo vật giao hữu kết thúc thì vòng tròn sân bãi cũng đã hình thành xong và hội vật bắt đầu. Các đô vật nổi tiếng nhường nhau vào đình nhận khố đỏ, khăn điều để lên xới giữ giải và thách đấu trước bàn dân thiên hạ.

Hội vật làng Hà theo lề lối tự do với cách thách đấu giữ giải, cho nên bất cứ ai dù lớn bé, già trẻ đều có thể vào tranh giải. Tùy theo các tình huống diễn biến mà cụ trưởng lão đánh trống cầm trịch sẽ gióng trống “tùng” hay “cắc” để phân định và điều khiển cuộc đấu.

Trống là mệnh lệnh. Một hồi ba tiếng trống là chuẩn bị vào xới vật; đánh trống nhịp ba là múa “xe đài”, rồi múa “hạc”; trống đánh ngũ liên là vào kịch chiến; nghe các tiếng “cắc cắc...” đều là tạm ngừng cuộc đấu; một hồi trống dõng dạc là trận đấu kết thúc đã có người thua kẻ thắng rõ ràng. Ở đây ai làm cho đối phương ngã lấm lưng trắng bụng hay bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất hoặc đùn đẩy đối phương ra khỏi vòng xới vật... là người đó chiến thắng. Vì vậy đã từng có đô vật trông rất nhỏ con mà đã giữ giải được cả buổi. Nhiều đô vật to lớn vào đấu, chỉ vì sơ ý chủ quan đã bị đối phương bất thình lình đội nhấc lên khỏi mặt đất hoặc do quá ham húc, cày, đẩy nên đã bị đối phương lừa thế quay ngoắt lại tránh đòn, thuận đà liền đẩy theo cho ngã xõng xoài ra khỏi vòng chiến, đành cay đắng ngậm ngùi, lóp ngóp bò dậy, chịu thua trong tiếng trống cắc tùng chua chát và tiếng cười chọc ghẹo của đám đông, nhất là của phái phụ nữ.

Rõ ràng là muốn giành chiến thắng ở đây không chỉ cần sức mạnh mà phải có cả trí và dũng. Vì vậy ở Hội vật làng Hà luôn có rất nhiều pha bất ngờ thích thú như gầy thắng béo, nhỏ thắng to, bé thắng lớn. Đặc biệt, người vào đấu vật ở đây không nhất thiết phải đóng khố cởi trần. Vì thế, đã từng có những bậc nữ nhi cao thủ ăn mặc giả trai vào đấu tranh giải. Chỉ sau khi chiến thắng giòn giã bậc mày râu, vị nữ tướng đó mới chịu lột khăn để lộ mái tóc mây óng ả với mắt phượng mày ngài, rồi nàng từ tốn xin nhường giải lại cho các đấng nam tử, bởi lượng sức nữ nhi khó mà giữ giải được lâu. Đến lúc này thì cả đám hội đều ngớ ra rồi suýt xoa phục tài và tiếc rẻ! Hội vật làng Hà nhờ vậy mà càng trở nên hấp dẫn người xem đến say mê quên cả về ăn cơm trưa, cơm chiều mặc dù bụng đói cồn cào. Hội vật làng Hà thật hợp với câu đối vui:

Vào xới biết mặt anh tài: Sườn, mói, gồng, bốc một, bốc đôi... khối kẻ lấm lưng trắng bụng.

Ra sân càng hay đô vật: Khóa, lèo, cặp, nhịp nhì, nhịp nhất... lắm người đỏ mặt tía tai.

Từ nhiều đời nay, người dân quanh vùng còn kể cho nhau nghe về trận tranh hùng giữa hai đô vật nổi tiếng bởi sự bất ngờ đến khó tin. Đó là đô Đình có vẻ già yếu như trói gà không chặt đã thắng giòn giã đô Ba Trại rất cường tráng, oai phong lẫm liệt chỉ trong vòng thời gian đánh xong ba hồi trống trận. Lại có nhiều cuộc chưa đấu đã thắng bởi đối thủ biết cách diễu võ giương oai. Trước khi vào xới, anh ta còn nhẩn nha bước lên nhổ cột cờ nhẹ tựa lông hồng, vươn tay bóp vỡ ống tre kêu rôm rốp hoặc nâng cao cối đá lỗ nặng trịch... mà vẻ mặt vẫn thản nhiên không hề biến sắc khiến các đối thủ nhìn thấy thế đã phát hoảng đành lắc đầu lè lưỡi xin vái tạ và tự rút lui không dám vào vuốt râu hùm! Điều đó cũng đủ nói lên rằng các đô vật đã đứng vững bền trên các võ đài quả thật là có sức khỏe rất đáng phải kính nể.

Với cách đấu và thách đấu như vậy, Hội vật làng Hà bao giờ cũng chỉ mở trong một ngày mà vẫn thành công. Cuối ngày đều tìm ra chức vô địch rất xứng đáng để trao giải thưởng.

Lễ trao giải ở đây cũng thật độc đáo. Một vị trưởng lão mặc lễ phục đi trước cầm bó hương, theo sau là cô gái trẻ, đẹp nhất làng đội mâm xôi có một chân giò lợn lớn và một vò rượu tăm đem đến tận nhà (kể cả người đó từ nơi khác đến) của nhà vô địch để làm lễ gia tiên và kính cáo với dân làng sở tại, nơi đã sinh ra một nhân tài làm rạng rỡ truyền thống thượng võ của quê hương. Giải thưởng chỉ có vậy thôi nhưng ý nghĩa thật sâu xa. Chỉ những dân tộc có truyền thống thượng võ lâu đời mới có được những hội vui như vậy!

Hội vật làng Hà ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay đang bị mai một dần dù đôi khi vẫn được mở vào ngày mùng Bảy tháng Giêng hàng năm. Lề lối và truyền thống vật xưa đã được thay thế bằng kiểu cách vật hiện đại theo từng hạng cân với thể thức đấu loại vòng tròn và phần thưởng là những gói tiền lớn. Tuy vậy, hội vẫn không hấp dẫn và đông vui như hội vật ngày xưa. Điều đó cũng rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm!.

Dương Văn Lãm/ thegioidisan.vn

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nho-hoi-vat-lang-ha-xua-20180801092436802.htm



  Các Tin khác
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
  + Mây tràn khắp lối, du khách ùn ùn kéo tới Sa Pa check-in khung cảnh bồng bềnh (06/12/2022)
  + Ly kỳ 2 quả núi cùng tên “kẹp” một dòng sông (26/11/2022)
  + Độc đáo bức tường bằng đá ong hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Yên Trường (26/11/2022)
  + Cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua ảnh (21/11/2022)
  + ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI ĐUA THUYỀN ĐỘC MỘC TRÊN SÔNG PÔ KÔ (11/11/2022)
  + NGHỆ NHÂN LÝ THỊ NHIỄN TÂM HUYẾT GÌN GIỮ VĂN HÓA DÂN TỘC CHÂU RO (10/11/2022)
  + “SỨ MÓNG CÁI, VẠI HƯƠNG CANH” (08/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60217834

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July