Lễ hội thu hút các tiết mục biểu diễn đặc sắc của 8 dân tộc sống tại địa phương. Trong lần đầu tiên tham dự, các tiết mục của Việt Nam được chào đón nồng nhiệt, để lại ấn tượng với người xem.
Đoàn Việt Nam tham gia lễ hội.
Lễ hội văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số của thành phố Litomerice được tổ chức hàng năm tại quảng trường thành phố nhằm quảng bá sự đa dạng trong văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số sống tại địa phương, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết và gắn bó giữa các dân tộc.
Đây là năm thứ bảy liên tiếp sự kiện được tổ chức, giới thiệu tới công chúng các làn điệu dân ca, điệu múa, kết hợp với tấu nhạc của 8 dân tộc thiểu số các nước sống tại địa phương, trong đó có Séc, Slovakia, Nga, Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Việt Nam.
Đội Việt Nam gây ấn tượng với trang phục truyền thống tại lễ hội
Tại lễ hội, các màn trình diễn của Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng hàng trăm khán giả địa phương và khách du lịch. Trên nền bài hát ca ngợi quê hương Việt Nam, các nam, nữ nghệ sĩ không chuyên và các cháu thiếu nhi đến từ đội văn nghệ thành phố Litomerice tay trong tay, sải bước tự tin trên sân khấu ở Quảng trường trung tâm thành phố, khéo léo khoe vẻ đẹp của trang phục truyền thống của một số dân tộc Việt Nam.
Ở một tiết mục khác, các cháu thiếu nhi cũng tự tin sử dụng đạo cụ là những chiếc trống bé xinh, biểu diễn nhịp nhàng trên sân khấu theo nhịp bài Trống Cơm sôi động. Ở tiết mục thứ ba, và cũng là tiết mục biểu diễn cuối cùng của đội Việt Nam, các thiếu nữ mặc áo dài truyền thống, tay cầm quạt, uyển chuyển múa theo giai điệu một bài hát khác ca ngợi vẻ đẹp của Việt Nam.
Cả ba phần biểu diễn của Việt Nam đều nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả là người dân địa phương và du khách. Thậm chí một số khán giả trẻ còn nắm tay nhau nhảy theo điệu bài Trống Cơm sôi động, cổ vũ cho các cháu thiếu nhi của Việt Nam.
Các thiếu nữ Việt Nam uyển chuyển trong tiết mục múa quạt.
Chị Jana Pacltova, một giáo viên người Séc đến từ Ceska Lipa, một thành phố cách Litomerice gần 50km, rất phấn khích với màn biểu diễn của đội Việt Nam.
“Là một giáo viên, tôi rất yêu văn hóa Việt Nam và thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam”, chị Jana cho biết. “Tôi thích cả ba tiết mục biểu diễn của các bạn, bởi chúng giúp tôi hiểu thêm về trang phục các dân tộc, đặc biệt là nét duyên dáng của tà áo dài Việt Nam. Chúng cũng giúp tôi có thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam để truyền đạt lại cho học sinh của mình ở trường.”
Đây là lần đầu tiên đội văn nghệ của cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Litomerice biểu diễn tại lễ hội văn hóa dân gian của địa phương. Ngoài công việc làm ăn kinh tế, nuôi dạy con cái học hành, giữ gìn văn hóa dân tộc, những người Việt Nam tại đây mong muốn quảng bá văn hóa của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của mình vào xã hội sở tại.
Ông Bùi Huy Minh, thành viên Ban chấp hành Hội người Việt thành phố Litomerice, cho biết đây chính là một trong những mục tiêu mà Ban chấp hành Hội đặt ra và cam kết thực hiện bằng được.
Ông nói: “Chúng tôi đã thành lập đội văn nghệ và giao lưu với các đội dân tộc thiểu số ở đây với mong muốn mang hình ảnh của người Việt Nam rất thân thiện tới bạn bè các dân tộc tại Séc. Chúng tôi mong rằng sau này nước bạn tổ chức nhiều cuộc giao lưu hơn nữa và chúng tôi sẽ tham dự nhiều tiết mục để tăng thêm mối quan hệ giữa người Việt Nam và nước sở tại, cũng như với cộng đồng người nước ngoài thiểu số sống tại Séc.”
Còn theo bà Iveta Pospisilova, đại diện Ban tổ chức, Việt Nam là một hình mẫu cho các dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập tại Cộng hòa Séc, và không có lý do gì mà Ban tổ chức lại không mời đại diện của Việt Nam đến biểu diễn tại lễ hội lần này.
“Với tiêu chí quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số và thúc đẩy hội nhập, chúng tôi vinh dự mời các bạn Việt Nam tới để biểu diễn, giao lưu cùng với các dân tộc khác”, bà Iveta cho biết. “Chúng tôi được biết người Việt Nam tại đây rất chăm chỉ làm ăn, con cái học hành giỏi, được người dân địa phương đánh giá cao. Ban tổ chức mong muốn các bạn tiếp tục tham gia biểu diễn nhiều sự kiện văn hóa dân tộc thiểu số khác để không những giới thiệu văn hóa Việt Nam mà còn chia sẻ kinh nghiệm hội nhập của các bạn.”
Việt Nam đã tổ chức thành công Năm văn hóa Việt Nam tại Cộng hòa Séc năm 2015 nhân kỷ niệm 65 năm thành lập quan hệ ngoại giao hai nước, với hơn 100 sự kiện văn hóa ở khắp các địa phương của Séc.
Đông đảo người dân tham dự lễ hội.
Dù lễ hội lần này tổ chức ở qui mô cấp thành phố, nhưng một lần nữa văn hóa Việt Nam lại được chào đón nồng nhiệt bởi người dân địa phương. Điều đó cũng cho thấy người Việt Nam đang ngày càng hội nhập bền vững vào xã hội nước sở tại./.
Theo Hữu Bình - Văn Huy/VOV-Praha
http://dantri.com.vn/kieu-bao/van-hoa-viet-nam-toa-sang-tai-le-hoi-van-hoa-dan-gian-cac-dan-toc-sec-20170523093504908.htm