Khi được gọi là “người hâm mộ Bác Hồ”, Quan Đức Hoàng cười thích thú. Anh nói với tôi rằng, anh không chỉ ngưỡng mộ ý chí của Hồ Chủ tịch mà còn cảm thấy thấm thía những câu nói của Người.
Tôi gặp Quan Đức Hoàng lần đầu tiên trong một sự kiện giáo dục mà anh là đại diện ban tổ chức. Tác phong nhanh nhẹn của một người trẻ tuổi thành đạt đã gây ấn tượng mạnh với tôi bao nhiêu, thì sự sâu sắc, chững chạc đến già dặn của Hoàng lại khiến tôi ngạc nhiên bấy nhiêu.
Song, điều khiến tôi cảm thấy thú vị ở anh chàng Việt kiều Mỹ này hơn cả lại là việc anh thường trích dẫn những câu nói, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lúc phát biểu, những khi trò chuyện và cả trong những chia sẻ riêng tư của mình… Tôi đã đề nghị Quan Đức Hoàng cuộc gặp thứ hai để có dịp hiểu kỹ hơn về anh.
|
Anh Quan Đức Hoàng. (Ảnh: NVCC) |
“Ấm no không đợi trời cho”
Cuộc gặp của chúng tôi diễn ra tại phòng làm việc của anh ở trụ sở của Hệ thống trường mầm non do anh sáng lập từ năm 2003. Tại đây, tôi lại bắt gặp hình ảnh của Hồ Chủ tịch với ba bức tượng và hai bức ảnh. Trong đó, một bức chụp khi Người đang đọc bản tuyên ngôn độc lập, bức còn lại bên dưới có dòng chữ: “Ấm no không đợi trời cho/ Người làm ra nước sức to hơn trời”.
Hoàng trầm ngâm lật lại dòng ký ức kể từ khi anh rời Việt Nam cho tới lúc trở về đầu tư trên quê hương. Anh bảo: “Tôi đến Mỹ khi nước nhà đã thống nhất. Khi đó, tôi mới học lớp một, tiếng Việt còn chưa sõi. Gia đình tôi sống tại quận Brooklyn của thành phố New York. Mấy anh chị em tôi bảo nhau học tập chăm chỉ và kiếm sống cật lực bằng nghề giặt là của gia đình”.
Khi đó, trong đầu óc non nớt của cậu bé Quan Đức Hoàng đã hình thành suy nghĩ: kiếm tiền là để hỗ trợ tương lai, nhưng với hai bàn tay trắng mà muốn sống được ở Mỹ khi đó thì chỉ có cách là học, học thật giỏi để vào được trường tốt mà không mất tiền. Nghĩ là làm. Hoàng cùng các anh chị em của mình vừa chuyên tâm với nghề nghiệp của gia đình, vừa tranh thủ tối đa thời gian để học tập. Năm 13 tuổi, anh đã có bằng giặt là chuyên nghiệp và biết “năng nhặt chặt bị” từ những 10 cent nhỏ bé đầu tiên (giá giặt sạch và là phẳng phiu một cái áo khi đó).
Cánh cửa thoát nghèo
Thời gian cứ thế trôi đi, nỗ lực học tập của Hoàng được bù đắp khi anh được nhận vào học trường Brooklyn College. Ở Mỹ, trường này được mệnh danh là “Đại học Havard của người nghèo”. Đây là một trong số ít trường của nhà nước có khả năng cạnh tranh trực tiếp với trường tư. Hoàng bảo: “Được vào học ở đây coi như khỏi lo công việc khi ra trường bởi các nhà tuyển dụng đều biết sinh viên tốt nghiệp từ đây toàn người giỏi. May mắn là tôi đã lọt qua cánh cổng đó. Vì sợ nghèo mà phải học – học để thoát nghèo”.
Tốt nghiệp Brooklyn College, số phận bắt đầu mỉm cười với Quan Đức Hoàng khi anh được nhận vào làm kinh doanh trái phiếu cho một công ty ở Phố Wall. Tại đây, sức làm việc ba trong một của Hoàng khiến anh điềm nhiên “đốt cháy giai đoạn” khi được cất nhắc vào những vị trí quan trọng nhanh hơn người khác nhiều lần, rồi sau đó trở thành Giám đốc một quỹ tín thác tại đây. Sau 5 năm gắn bó với Phố Wall, anh đã có được hành trang kha khá về chứng khoán.
Thế nhưng, đến năm 1994, khi Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, chàng trai trẻ đã suy nghĩ rất nhiều và đưa ra một quyết định táo bạo: chuẩn bị hành trang trở về Việt Nam.
“Tiếng ta còn, nước ta còn”
Anh chia sẻ: “Rời Việt Nam khi tiếng Việt chưa sõi. Ở Mỹ, tôi chỉ học tiếng Việt qua tờ báo của cộng đồng và nhờ mẹ dạy. Vì thế, khi về Việt Nam, tôi đối mặt với khó khăn thực sự: tiếng Việt của tôi kém, khó tự tin mà lập nghiệp. Thế là tôi lại bắt tay vào học tiếng cật lực với suy nghĩ, không thể thành công nếu không tự tin với tiếng bản địa – ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bác Hồ dạy, “tiếng ta còn, nước ta còn” thật vô cùng thâm thúy”.
Học nhiều, đọc nhiều, những câu nói của Hồ Chủ tịch thấm dần vào nhà đầu tư trẻ tuổi. Anh bảo, tư duy của Người đã giúp thay đổi cả cuộc sống của hàng triệu người. Lịch sử đã ghi lại tất cả những câu nói ấy và tôi nghĩ không chỉ những đứa trẻ Việt Nam, mà cả những đứa trẻ thế giới cũng cần phải học.
Anh chia sẻ: “Nhiều nước ở châu Mỹ, châu Phi đã lấy hình tượng Bác Hồ để thay đổi cuộc sống, thay đổi tư duy, vượt lên định mệnh của mình. Tôi không chỉ thấm thía từng câu nói của Người trong quá trình xây dựng sự nghiệp cho mình mà còn dạy con tôi tất cả những điều đó”.
Miệng cười hóm hỉnh và đôi mắt ánh lên niềm tin, Quan Đức Hoàng nói: “Tôi đã mang phương pháp giáo dục Montessori của phương Tây về Việt Nam áp dụng trong hệ thống trường mầm non của mình. Cái “chất” của phương pháp giáo dục trong hệ thống ấy chính là giáo dục cái gốc văn hóa Việt, tôn vinh văn hóa Việt, khác hẳn những thứ thuộc sở trường của tôi như chứng khoán hay tài chính, ngân hàng… Tôi đầu tư vào giáo dục để tạo ra những giá trị cho mai sau”.
- Từ 1989-1995, cán bộ Phân tích danh mục đầu tư Millburn Richfield Corporation; kinh doanh trái phiếu Douglas & Co. Municipal, Inc; Giám đốc quỹ tín thác, Weil, Gotshal & Manges tại TP New York.
- Từ 1996 - 1997, tư vấn tài chính Transfield Construction Asia; Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Banque Indosuez tại TP. Hồ Chí Minh.
- Từ 1997-2002, Giám đốc khối kinh doanh khu vực Đông Nam Á Standard Chartered Bank, Singapore; Giám đốc khối ngân hàng bán buôn khu vực Mekong; Giám đốc khối thị trường Campuchia, Lào, Myanmar & Việt Nam; Giám đốc khối nguồn vốn, kinh doanh khu vực Mekong tại TP. Hồ Chí Minh.
- Từ 2007-2009, Giám đốc điều hành của HD Bank, PVFC Capital; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành TLM Capital, Việt Nam.
- Từ 2009 - nay, kinh doanh tài chính; giảng dạy kinh tế tại trường ĐHQG; quản lý và giảng dạy tại hệ thống Sunrise Kidz tại Hà Nội.
|
|
Khơi mạch ngầm trong tâm tình người Việt
Qua 2 tuần phát động (20/1-3/2), đã có 1.000 bài thơ của các tác giả trong và ngoài nước gửi về tham gia cuộc thi ...
|
|
Chú trọng xây dựng một network trí thức người Việt ở nước ngoài
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, ...
|
Minh Hòa
Theo Thế giới & Việt Nam
|