Ông Trần Bá Phúc rời Việt Nam sang Úc sống đã trên 35 năm
|
Cơ duyên đặc biệt
Ông Trần Bá Phúc rời Việt Nam sang Úc sống đã trên 35 năm. Ông kể: “Tôi rời Việt Nam một thân một mình, trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn. Khi sang Úc tôi đi học và sau khi tốt nghiệp đại học thì đi làm. Trong những ngày ở xứ người, tôi luôn canh cánh trong mình câu hỏi: “Khi nào mới gặp lại người thân nơi quê nhà?”. Rồi cái ngày ông mong mỏi nhất, cái ngày mà ông không biết bao giờ mới gặp lại người thân cũng đến. Đó là khi Việt Nam mở cửa, chào đón những người con xa quê trở về. “Lần đầu tiên trở lại Sài Gòn sau 20 năm, tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy quê hương thay da đổi thịt, khác hẳn ngày tôi ra đi. Niềm hứng khởi ấy khiến tôi thêm tinh thần, thúc đẩy tôi phải làm gì đó để góp một bàn tay dựng xây quê hương đất nước này”, ông Phúc nói.
Từng làm tư vấn về luật và đầu tư thương mại tại Úc nên ông Phúc có nhiều mối liên hệ với các phái đoàn Việt Nam sang Úc từ thời Việt Nam bắt đầu mở cửa. Nhận thấy nhu cầu của nhiều doanh nhân ở Úc muốn trở về Việt Nam làm ăn nhưng họ còn dè dặt, ông Phúc đứng ra vận động các doanh nhân Việt kiều thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA). Thông qua VBAA, các doanh nhân kiều bào, doanh nhân Úc được kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Úc và các cơ quan chức năng tại Việt Nam, từ đó, nhiều cuộc triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm, hội thảo doanh nhân, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam đã được tổ chức. Như con thoi đi về giữa Úc và Việt Nam, mới đây nhất, ông thay mặt Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Với ông, đây là bước tiến mới thật vững chắc cho cây cầu hợp tác giữa các doanh nhân Việt trong và ngoài nước.
Không chỉ là cầu nối cho hoạt động giao thương giữa doanh nhân Việt và Việt kiều Úc, ông còn kêu gọi cộng đồng người Việt tại Úc chung tay gây quỹ hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo Việt Nam, quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai lũ lụt, đặc biệt là gây quỹ xây trường học ở Trường Sa.
Ông kể về cơ duyên đặc biệt này: “Tôi có vinh hạnh được tiếp kiến chị Trương Mỹ Hoa từ giai đoạn chị là Phó Chủ tịch Quốc hội nên mối quan hệ cũng có phần thân thiết. Khi chị Hoa về hưu, chị tập trung xây dựng Quỹ Học bổng Vừ A Dính. Nhân một chuyến về Việt Nam tham dự Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, tôi gặp chị tại một buổi giao lưu. Chị nói có ý định gây quỹ xây trường ở Trường Sa. Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức ý nghĩa, tôi sẵn sàng tham gia nhưng tôi cũng đề nghị việc gây quỹ nên bao gồm cả người Việt ở nước ngoài, để tăng thêm sức mạnh. Chị Hoa đồng tình và đề nghị tôi vận động ở Úc”.
Nói là làm, ngay sau đó, ông về Úc, đứng ra gây quỹ trong cộng đồng. Không ngờ, buổi vận động vượt ngoài sức tưởng tượng, gấp 3 lần con số dự định ban đầu. Có mặt ngay trong buổi lễ trao tiền đợt 1 cho huyện đảo Trường Sa, ông đã chia sẻ: “Tôi muốn quảng bá chương trình đến với đông đảo kiều bào không chỉ ở Úc mà ở khắp nơi trên thế giới. Những ngày vừa qua, khi bắt tay làm việc này, tôi thấy dường như mình đã đến gần biển đảo quê hương hơn. Tôi tin chắc ai xa quê hương cũng đều có cảm nhận như tôi”.
Ông cũng tâm sự mình thật sự ấn tượng với ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng công ty và gia đình đóng góp 1 tỉ đồng để xây trường. “Tôi cứ nghĩ, họ cũng là Việt kiều, họ về Việt Nam làm ăn, đối mặt với bao nhiêu khó khăn mà còn đóng góp, chẳng lẽ mình không làm được? Tôi quyết tâm tiếp tục vận động trong cộng đồng người Việt tại Úc. Không chỉ kêu gọi thêm được sự đóng góp, một thành viên của Hội, ông Lâm Hồng Quy đã góp ngay 10.000AUD (tương đương 163 triệu đồng) và tuyên bố hằng năm sẽ góp vào Quỹ 10.000AUD. Anh ấy đã làm như thế 3 năm nay rồi”, ông hồ hởi khoe.
Và khi Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu được thành lập, một lần nữa, ông lại đề nghị hãy cho Hội Doanh nhân Việt kiều tại Úc là hội viên tập thể, các doanh nhân trong hội là hội viên cá nhân. Cầm tấm thẻ hội viên, mỗi thành viên đều có thể thấy, với bổn phận là người Việt Nam, Tổ quốc cần thì mình có mặt. “Cộng đồng người Việt có người xa quê hương tới 40 năm nhưng họ vẫn còn trọn vẹn trái tim Việt Nam, Việt Nam vẫn luôn trong tim họ. Chúng tôi đóng góp không phải chúng tôi giàu mà trái tim Việt Nam vẫn luôn trong tôi, tình yêu quê hương đất nước không bao giờ phai. Tôi tin rằng nếu mọi người tiếp tục ủng hộ, đóng góp cho Trường Sa - Hoàng Sa thì vùng biển đảo thiêng liêng này sẽ mãi là của Việt Nam, không bao giờ thay đổi”, ông tâm sự.
Nghe Tổ quốc gọi tên
“Tấm lòng chung thủy với quê hương xứ sở không bao giờ thay đổi trong tôi cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tôi cảm thấy Tổ quốc gọi tên mình thì không thể thiếu cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Và khi Tổ quốc gọi tên mình, chúng tôi sẵn sàng để lắng nghe tên mình được gọi”, ông khẳng định. Theo ông, tiềm năng của doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài rất lớn, vì thế, nếu thực sự muốn phát huy tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như khuyến khích kiều bào về nước nhiều hơn thì Chính phủ Việt Nam hãy tạo cơ hội, mở rộng các thủ tục cho thông thoáng hơn nữa. Cùng với đó, bà con cũng mong muốn trong nước có những chính sách, quy định để bảo vệ tốt hơn cho bà con khi về nước đầu tư.
“Cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất cần những thông tin chính thống từ Chính phủ Việt Nam để họ hiểu rõ tình hình đất nước, hiểu rõ sự chuyển mình, đổi thay của đất nước. Nếu không, sẽ rất dễ bị ngộ nhận, có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau, thậm chí cả những du học sinh đang du học tại nước sở tại”, ông góp ý kiến.
“Tôi nghĩ đóng góp cho đất nước có nhiều cách. Với cá nhân tôi, luôn tâm niệm trước hết hãy sống để làm sao rạng danh được với các cộng đồng khác ở nước sở tại. Mỗi người cùng cố gắng, cùng phấn đấu thì tôi nghĩ đó cũng là cách đóng góp tốt cho quê hương. Thế giới nhìn vào hình ảnh Việt Nam một phần qua cộng đồng người Việt, từng con người Việt Nam ở đây, nếu mình sống tốt, có ý nghĩa họ sẽ thiện cảm với người Việt Nam, với đất nước Việt Nam”, ông tâm sự.
Thanh Trang (NCĐT)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/hinh-anh-viet-nam-qua-con-nguoi-viet-20170217160757606.htm