Trách nhiệm với quê hương
GS.TS Dương Nguyên Vũ
Năm 1994, sau một thời gian đi học và làm việc ở nước ngoài, GS. TS Dương Nguyên Vũ có dịp đi về Việt Nam. Những tình cảm thiêng liêng với quê hương bắt đầu trỗi dậy. Kỷ niệm với từng gốc phố con đường gợi cho anh những xúc cảm của đứa con xa quê hương trở về. Trong đầu anh nhen nhóm lên một ý nghĩ, mình có thể làm gì được cho quê hương này?
Bắt đầu từ đó, người con xa quê bắt đầu nghĩ tới việc thu xếp cho ngày trở về. Thay vì tiếp tục làm nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp, anh chọn con đường học thuật để sau này có thể về Việt Nam đóng góp giảng dạy.
- Ai xa quê hương cũng khao khát trở về như tôi vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là quê hương của mình thì mình phải có trách nhiệm. Anh bộc bạch.
Bắt đầu từ năm 1998, anh về Việt Nam giảng dạy ở Hà Nội, lúc đầu thì một lớp, rồi tăng dần lên hai ớp. Sau đó, anh về cộng tác với trường Đại học Bách khoa và trường Đaị học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ở đó anh được giao phụ trách học thuật cho cả một chương trình đào tạo. Anh quyết định hồi hương về Việt Nam từ năm 2010, khi Ban Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mời anh làm lãnh đạo Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (sau trở thành Viện John von Neumann). Ban đầu anh cũng rất phân vân với lời đề nghị này, bởi anh chỉ nghĩ mình về làm công tác chuyên môn, chứ không có ý định làm lãnh đạo nhưng do yêu cầu khách quan, trung tâm cần một trí thức kiều bào có uy tín làm đầu mối kết nối nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về tham gia đóng góp nghiên cứu và giảng dạy; anh đã đồng ý. Trước đó, anh từng là Giám đốc nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hàng không châu Âu (Eurocontrol), đồng thời là giáo sư tại trường EPHE Sorbonne (Pháp) và giáo sư hợp đồng với trường Telecom-ParisTech…
Tiềm năng của sinh viên Việt Nam là rất lớn
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giảng dạy ở Việt Nam, anh cho rằng sinh viên Việt Nam cần phải xác định mình học để làm gì, học để hiểu biết hay chỉ xem việc học như một phương tiện, một tấm giấy thông hành vào đời. Đặc biệt là ở bậc sau đại học, dường như Việt Nam vẫn còn đang chạy theo “nhu cầu” của “thị trường”. Phần đông người học chỉ muốn có cái bằng cho một mục đích cá nhân nào đó, hơn là theo đuổi niềm đam mê học thuật. Nếu “vừa học vừa làm”, không có thời gian tự học, đọc sách và nghiên cứu thì không đạt yêu cầu so với chuẩn mực đào tạo sau đại học. Dù vậy, TS. Dương Nguyên Vũ vẫn đánh giá rất cao tiềm năng của sinh viên Việt Nam. Anh cho rằng chỉ cần được tiếp cận với phương pháp tư duy và nghiên cứu một cách đúng đắn thì sinh viên Việt Nam có thể phát triển các tiềm năng của mình để có thể sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Ước mong của anh là làm sao để sinh viên không phải trả tiền khi đi học. Vì như thế, người học sẽ không mang nặng áp lực về tài chính và tập trung được cho chuyện học thuật. Mặc khác, nếu học viên sau đại học được nhận thù lao (học bổng) khi nghiên cứu khoa học thì họ sẽ có thêm thời gian và động lực trên con đường học thuật hay nghiên cứu khoa học của mình.
Khi trở thành người thầy đứng trên bục giảng, hay khi đảm nhận vai trò lãnh đạo của trung tâm nghiên cứu khoa học, anh tâm niệm rằng cứ cố gắng hết mình thì chuyện tốt đẹp sẽ đến. Niềm vui của anh là truyền đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ tiếp theo. Anh hạnh phúc khi nghe sinh viên chia sẻ những câu chuyện thành công của mình.
Là một trong những trí thức kiều bào hồi hương xây dựng đất nước, Tiến sĩ Dương Nguyên Vũ cho rằng để giải quyết hiện tượng chảy máu chất xám và thu hút nhân tài về Việt Nam, thì cần tạo một môi trường học thuật và sáng tạo tốt để họ có thể tiếp tục nghiên cứu và khai phá tri thức mới. Đó không chỉ là cơ sở vật chất, không gian mà còn là môi trường bao gồm con người và tinh thần tự do học thuật, khoa học chuyên nghiệp.
Theo anh, hiện nay, điều kiện làm việc ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn so với những nước khác. Song anh cũng vô cùng lạc quan khi nói rằng khó khăn cũng là cơ hội để bức phá, và anh đang nỗ lực vượt qua những khó khăn đó để tạo ra những điều tốt đẹp hơn. Đó cũng là cách anh truyền cảm hứng tích cực cho sinh viên, kiên trì theo đuổi đam mê, không bao giờ chùn bước trước những khó khăn.
GS. TS Dương Nguyên Vũ , Viện trưởng Viện John von Neumann, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Việt Nam có thế mạnh về toán học, chúng ta nên dựa vào đó để xây dựng chiến lược phát triển. Ví dụ như hiện nay khoa học dữ liệu là một trong những ngành công nghệ có công việc tốt nhất tại Mỹ. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực cho ngành này là rất lớn. Việt Nam có thế mạnh về toán, cùng những phẩm chất như cẩn thận, tỉ mỉ có rất nhiều lợi thế để phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có được hiệu quả cao trong chiến lược đào tạo, các trường đại học cần mở rộng sự hợp tác với các công ty mạo hiểm, công ty đa quốc gia để nắm bắt nhu cầu của thị trường trong quá trình đào tạo, kết hợp với việc giải quyết việc làm cho sinh viên”.
|
Thu Ba (UBVK TP Hồ Chí Minh)
|