Nguyễn Lam Thủy, vượt qua hàng trăm ứng cử viên khác, trở thành một trong 2 nhà văn Việt Nam sinh sống tại nước ngoài được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam ngày 14/1/2017.
Bén duyên với văn học nghệ thuật từ năm 2008, đến nay, nhà văn Nguyễn Lam Thủy đã đem đến cho bạn đọc số lượng lớn các tác phẩm văn học, chủ yếu là truyện ngắn, tiểu thuyết. Đọc những dòng văn chân thật, nhưng cũng đầy xúc cảm, có lẽ không ai có thể ngờ rằng những câu chuyện ấy lại được viết ra bởi một nhà văn không chuyên, vốn quen cầm kim tiêm, dao mổ hơn cầm bút.
Bác sỹ “phải lòng” văn chương
Xuất thân từ ngành y, Nguyễn Lam Thủy, hiện đang là GS.TS y học làm việc tại bệnh viện Szent István- Szent László, Budapest, Hungary- một trong những bệnh viện lớn nhất của nước này.Từ lâu, Nguyễn Lam Thủy đã là cây bút quen thuộc trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế nhưng lại vốn không có chủ chương trở thành nhà văn. Với anh việc đến với văn chương như một mối lương duyên bất ngờ.
Về duyên nghiệp với nghề cầm bút, anh kể: “Trong một chuyến công tác tại Hungary năm 2008, tôi may mắn được gặp đoàn nhà văn Việt Nam sang công tác. Trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh. Anh Thỉnh không ở khách sạn mà nghỉ qua đêm tại nhà tôi, để được tư vấn về một số bệnh. Trong bữa sáng, khi vô tình đọc được tập truyện ngắn của tôi trên bàn, anh Thỉnh vỗ đùi cái đét, “hay quá”, anh bảo tôi chịu khó viết nhiều, phải viết liên tục. Những lời động viên của anh Thỉnh khiến tôi lần đầu tiên muốn chuyển từ viết báo sang chuyên viết truyện”.
Bác sỹ, nhà văn Nguyễn Lam Thủy
|
Gia nhập làng văn với khối kiến thức khổng lồ về nghề Y nhưng lại chưa từng được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào về sáng tác văn học. Thêm vào đó công việc của một bác sỹ, giáo sư tại bệnh viện lớn nhất Hungary mỗi ngày "ngốn" hết phần lớn thời gian của anh. Nguyễn Lam Thủy cho biết: “Mỗi ngày tôi phải nghe đến 50, có khi lên đến 100 cuộc điện thoại từ bệnh nhân”. Chỉ đến đêm, anh mới có thời gian thoả mãn miền đam mê với văn chương. “Tôi không đánh máy được. Mỗi lần tôi viết văn những xúc cảm rất lớn vào ban đêm thôi thúc tôi phải viết rồi gửi về Hà Nội cho môt người bạn đánh máy giúp. Buổi sáng sớm, nhận được thư gửi sang, tôi lại tiếp tục viết tiếp. Nếu như gửi chậm 1 -2 ngày thì mạch cảm xúc bị đứt, không thể viết nữa. Cũng có khi vì công việc bộn bề, tôi buộc lòng phải đi ngủ để sớm mai phục vụ bệnh nhân”.
Nhà văn của những người Việt xa quê
Với Nguyễn Lam Thủy, văn chương như một niềm đam mê lớn, hàng đêm sau những giờ khám bệnh, bác sỹ Thủy lại trở về với góc cũ quen thuộc, gạch nhanh những xúc cảm văn chương, những nhân vật đang hoạt động với những nét mặt, cử chỉ, dáng bộ sống động. Đọc những tác phẩm của Nguyễn Lam Thủy như “Ngày cuối cùng ở Budapest” hay “Piroska”, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy thấp thoáng trên những trang văn của nhà văn Việt kiều là hình ảnh của những người Việt sinh sống tại nước ngoài. Họ có thể là người buôn bán, lao động hay kể cả trí thức, nhưng đều có cuộc sống không mấy dễ dàng nơi đất khách, có những người phải chống trọi với bệnh tật tại bệnh viện Hungary mà không hề biết tiếng.
Trước câu hỏi, những trang văn có phải là sự phản chiếu cuộc sống của chính bản thân anh? Nguyễn Lam Thủy bộc bạch: “Những nhân vật của tôi là sự ghép lại của nhiều mảnh đời, số phận khác nhau mà tôi từng tiếp xúc”. Những tác phẩm của nhà văn Thủy còn được xây dựng từ chính những trải nghiệm của anh trong cuộc sống xa quê hương.
Nguyễn Lam Thủy gây ấn tượng với bạn đọc bởi tính chân thật, đời thường và gần gũi trong mỗi câu văn. Kể về những nguyên liệu văn chương, anh cho biết: “Là một bác sỹ, tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Có những người bệnh nhân là người Việt Nam, họ sống ở Hungary nhưng lại không biết tiếng, khi bị bệnh cũng phải tìm đến những bác sỹ người Việt để chạy chữa. Qua đó tôi có cơ hội để tiếp xúc với nhiều người, lắng nghe những câu chuyện và hiểu hơn về đời sống của họ”. Qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Lam Thủy muốn người đọc phần nào hình dung ra được cuộc sống của những người Việt Nam tại nước ngoài. Đằng sau những hào nhoáng của từ “đi Tây”, hay những chuyến về quê ăn Tết là những ngày trong sự vất vả, cực khổ. “Những người Việt đi kiếm tiền, họ hầu như không biết một chút gì tiếng Hungary và văn hóa sở tại, họ mù mịt tất cả, chỉ kiếm tiền ở chợ trời. Có người buôn bán kiếm tiền chỉ bằng 1 chiếc máy tính để báo giá cho khách và tính tiền. Cuộc sống rất vất vả, tiếng tăm không biết, luật lệ cũng không. Người đi buôn có khi tối về đi đường lại bị những kẻ côn đồ, thậm chí cả công an chấn lột. Không đủ tiền nộp thuế, giấy tờ không có nên nhiều người phải đi chui đi lủi, cuộc sống rất vất vả”, nhà văn xót xa.
Những nhân vật, số phận mảnh đời xung quanh cứ thế đi vào trang viết của Nguyễn Lam Thủy một cách tự nhiên. Với anh văn chương không phải là một công việc vất vả, mà nó như một cách để anh giải tỏa, sống với chính mình. Khó tin nhưng lại là chuyện thật, bao năm cống hiến cho văn chương nghệ thuật, nhưng số tiền mà nhà văn nhận về chỉ là con số 0. Số tiền nhuận bút vô cùng ít ỏi chẳng đủ để trang trải cho giấy mực: “Tôi đến với văn chương vì đam mê, và nghề Y giúp tôi nuôi dưỡng đam mê ấy”.
(Theo VOV)