Vào những năm 1980 - 1990, rất nhiều người Việt Nam sang lao động tại thành phố Ulyanovsk với nhiều ngành nghề đa dạng như dệt may, xây dựng, sản xuất máy móc... Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế khó khăn, các nhà máy này hoặc giải thể, hoặc cắt giảm công nhân, nhiều người Việt Nam không còn việc làm nhưng vẫn quyết tâm bám trụ làm ăn, buôn bán tại thành phố này. Người lâu nhất đã sống ở Ulyanovsk tới 40 năm.
Chợ hàng hóa của người Việt tại Ulyanovsk.
Hiện nay, Ulyanovsk có khoảng 800 người Việt Nam đang làm ăn. Theo ông Trịnh Văn Quế - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ulyanovsk, gần như 100% người Việt Nam tại đây bán hàng tại các chợ của Ulyanovsk, và tập trung đông nhất tại chợ hàng hoá với khoảng gần 200 hộ.
Sau nhiều năm bươn chải, mưu sinh nơi đất khách quê người, nhiều người Việt Nam tại Ulyanovsk đã mua được nhà tại đây. Hơn nữa, thành phố Ulyanovsk - quê hương của Vladimir Lenin - còn có quan hệ kết nghĩa với tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cộng với đó, bằng sự tích cực và tâm huyết của Hội người Việt Nam tại Ulyanovsk, nhiều người Việt Nam tại đây đã được chính quyền thành phố cấp quyền công dân Nga, tạo cơ sở vững chắc cho việc buôn bán của họ cũng như việc học tập của con cái.
Trong vài năm trở lại đây, cuộc sống, việc buôn bán của bà con người Việt Nam tại đây chìm nổi cùng với nền kinh tế Nga. Có thể nói, việc giá dầu và đồng ruble mất giá, trong bối cảnh Nga tiếp tục bị phương Tây cấm vận, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bà con người Việt.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Hoa, anh Bình quê Nghệ An, hay anh Vinh quê Hải Phòng đều cho rằng cho dù khó khăn, cho dù điều kiện làm việc vất vả nhưng họ vẫn sẽ quyết tâm bám trụ mưu sinh, vì việc học tập của con cháu.
Nhân dịp sắp bước sang năm mới Đinh Dậu, bà con người Việt Nam tại Ulyanovsk gửi lời chúc sức khoẻ và thành công đến toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và người thân của mình tại quê nhà nói riêng.
Quang Vinh-Dương Trí (P/v TTXVN tại Nga)
Nguồn: baotintuc.vn
Theo baonga.com
http://baonga.com/nguoi-viet-tai-nga.nd173/cuoc-song-muu-sinh-cua-nguoi-viet-o-que-huong-lenin.i79053.html