Nằm bên rìa thành phố Phnom Penh (Campuchia), làng bè của người gốc Việt hiện ra đìu hiu bên dòng Mekong. Nơi đây thuộc xã Bàu Nau, quận Prek Phnov, được biết đến với nghề làm khô cá...
Những đứa bé ở làng bè biết làm nghề cá từ nhỏ - Ảnh: Tiến Trình
|
Ông Phạm Văn On, chi hội trưởng chi hội người Campuchia gốc Việt của quận, dẫn chúng tôi đi một vòng làng bè với khoảng 3.000 người sinh sống.
Nghề “truyền thống”
Đứng trên bờ nhìn xuống, làng chài của người gốc Việt như kéo dài mãi. Những ngôi nhà trên bè thấp lụp xụp chen nhau trên mặt sông, phần lớn bằng gỗ, ván, tôn... ghép lại. Chúng được kết nối với đất liền bằng những chiếc cầu ván cong vẹo.
Thấy giản đơn nhưng các chủ bè cho biết phải tốn ít nhất 4.000-5.000 USD (khoảng 100 triệu đồng) mới “tậu” được một cái bè như thế.
Theo lời ông On, bên cạnh nghề nuôi cá bè (phải có vốn tương đối mới dám làm), đặt đáy, giăng lưới, thì nghề làm khô cá là nghề lâu đời của dân khu này. Hầu như nhà nào cũng có một “sân” phơi khô cá bằng tre ghép lại.
Trong chiếc bè có vẻ “khang trang” so với một số bè khác, ông Lê Văn Sáu (56 tuổi, quê ở Đồng Tháp) vừa dỗ cháu nội vừa kể chuyện mưu sinh của mình và năm người con.
“Cá này ở Việt Nam đem qua chớ đâu. Lóc, tra, điêu hồng... đủ thứ. Mỗi ký phơi xong xuôi bán được cỡ hai chục ngàn tiền Campuchia, tính ra gần bằng một trăm ngàn tiền Việt”.
Nghề này theo lời ông Sáu là dễ sống, con nít cũng làm được. Vì vậy, ở xóm này dễ thấy cảnh những đứa trẻ mới 5-6 tuổi, gầy quắt, đen nhẻm trần mình phơi cá, trở cá.
Nguyễn Văn Nam (6 tuổi) vừa gom xong một cần xé cá to gấp mấy lần người mình cho biết: “Ngày nào em cũng phơi cá, y như chơi đồ hàng thôi”.
Chị Lê Thị Thúy (31 tuổi) nói: “Mỗi ngày bán cá, trừ tiền vốn, tiền công cũng có lời. Hai vợ chồng mới cất được cái bè này chục năm nay thôi, vẫn còn thiếu nợ”.
Còn bà Nguyễn Thị Nhớ (52 tuổi, quê Bạc Liêu) đã bán khô nhiều năm ở một góc ngoài lồng chợ Bàu Nau bộc bạch:
“Chồng tui cũng đi bán nhưng bán dạo. Năm anh em tui làm chung nghề này từ lúc mới qua đây sống (năm 1979). Làm riết người toàn mùi cá khô, nhưng nếu buông ra thì không biết làm gì để sống”.
Phơi cá khô là nghề lâu đời ở làng bè này - Ảnh: Tiến Trình
|
Những cuộc đời trôi nổi
Khi đêm buông xuống, ánh đèn trên những chiếc bè hệt như những ánh đom đóm trong một khu rừng không thấy lối ra.
Ông Lê Văn Sáu nhớ lại: “Tui sinh đẻ ở đây, tía má qua đây lâu lắm rồi. Tui nghe kể người mình qua đây sống đời này qua đời khác, cũng thuần chài lưới, buôn bán cá như bây giờ”.
Sau năm 1975 do thời cuộc, ông Sáu cùng những người gốc Việt khác ở đây quay về VN sinh sống. Nhưng đến năm 1979 ông trở lại nơi này để kiếm sống. Hai bàn tay trắng, ông xoay ra đặt đáy bắt cá, dành dụm từng cắc bạc.
“Chừng đầu những năm 1990 nhà tui mới đỡ cơ cực. Những người khác lúc mới qua cũng vậy, quây quần nhau mà sống trong những căn chòi tạm bợ.
Cỡ năm 1993 nơi này mới có những cái nhà bè đầu tiên” - ông kể. Hỏi ông có muốn về lại quê nhà không, ông đáp: “Ai mà không muốn sống ở nơi quê cha đất tổ. Nhưng giờ vợ đã mất, con cái lập nghiệp hết ở bên này, về bển biết lấy gì mà sống”.
Chị Trương Thị Nhâm (34 tuổi, quê An Giang) nói rằng mình ly hương bởi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sáu chị em thấy hàng xóm đi thì đi theo chứ cũng chưa hình dung gì về cảnh sống nơi xứ người. Từ túp lều lụp xụp, những năm dài chắt chiu giúp sáu chị em cất được căn nhà chồ ven sông.
“Hồi trước ngày nào tui cũng mua cá về làm chả rồi đem ra chợ bán lại. Mỗi ngày làm 100 ký đứ đừ. Rồi giờ thấy cực quá nên chuyển qua lấy cá tươi bán, cũng sống lai rai”.
Lần lượt sáu chị em lập gia đình ở sát nhau, cũng tạm gọi là quen với cuộc sống nơi này. Vì quê nhà chẳng còn ai thân thiết, chị nói rằng mình mang ơn cái làng chài này đã cho mình chỗ ở, miếng cơm...
Không quên gốc gác
Thành công của những người gốc Việt ở làng bè này là cất được nhà ở ven bờ, dựng vợ gả chồng êm xuôi cho con cái. Ông Sáu tự hào đã gả cưới năm người con đâu ra đó, ai cũng có bè riêng, làm ăn ổn định.
Các con của ông cũng chí thú làm ăn, dành dụm nuôi thêm bè cá. Dẫn chúng tôi lên căn nhà sàn mát rượi cất cách đây vài năm, ông nói: “Giờ ban ngày tui xuống bè dòm chừng mấy đứa cháu cho cha mẹ tụi nó đi làm, đêm thì tui ở trên này. Phải thủ cái nhà này để lỡ có gì còn có chỗ mà ở”.
Còn ông Nguyễn Văn Điệp (66 tuổi, quê An Giang) sau nhiều năm nai lưng làm lụng cũng cất được căn nhà sàn bằng gỗ rộng từ tám năm nay. Được xem là một trong những người cố cựu sinh sống nơi này, ông nói khó mà kể hết những nỗi vất vả, trôi nổi với cuộc sống xứ người.
“Tui nuôi bè bán cá, đặt lưới, đi làm mướn búa xua mới có được căn nhà này và cái nhà bè phía dưới. Bốn đứa con cũng có vợ có chồng hết rồi, giờ tui sống chờ ngày ông bà rước đi thôi” - ông nói.
Dù không dư dả nhưng ông Sáu nói năm nào cũng về Việt Nam ăn tết, thăm họ hàng, dù mỗi chuyến đi về tốn cả chục triệu đồng. Còn chị Nhâm tuy lấy chồng người Campuchia nhưng vẫn dạy con nói tiếng Việt, học chữ a, b, c.
Một số gia đình người gốc Việt ở nơi này chọn cách gửi con cháu về VN học, ngoài những lý do về học phí, lý do chính là muốn con cháu mình học lấy cái chữ của tổ tiên. Ông Sáu cho biết ông gửi cháu nội về VN học từ lúc 12 tuổi, ở nhờ nhà người họ hàng.
“Nếu cháu học giỏi, thích ở VN thì mình cho ở bển luôn. Cả nhà cũng phải có người gắn bó ở VN chớ” - ông nói.
Sống lâu năm ở Campuchia, những người gốc Việt ở làng bè cũng quen với nếp sống của người Khmer. Họ tham gia các lễ hội truyền thống như lễ hội Chum, tết Khmer... bên cạnh việc giữ phong tục những ngày lễ tết của VN.
“Sống đâu quen đó, cái gì hay của người ta thì mình phải học” - ông Sáu nói rồi cho biết ông học hỏi rất nhiều tính tình hiền lành, giản dị của người Khmer, cố gắng thấm nhuần ngôn ngữ và những truyền thuyết của họ.
|
(Theo Tuổi Trẻ)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/cuoc-song-thieu-que-huong-tai-lang-be-nguoi-goc-viet-o-campuchia-20161223150215221.htm
|