Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Người Việt Trên Thế Giới >
  Du học sinh ở Australia chật vật vì giờ làm giảm, giá cả leo thang Du học sinh ở Australia chật vật vì giờ làm giảm, giá cả leo thang , Người xứ Nghệ Kiev
 

Ngày đặt chân tới Australia để bắt đầu hành trình du học, Hà An không nghĩ có lúc phải vật lộn để đảm bảo có thu nhập đủ sống.

Sinh viên tại Melbourne, Úc, năm 2020. Ảnh: AFP

Sinh viên tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP

An, 19 tuổi, theo học Trường Kinh doanh Kaplan (Kaplan Business School) ở Sydney, Australia từ mùa thu năm ngoái. Song song với việc học, An duy trì công việc làm thêm bán thời gian tại một chuỗi thức ăn nhanh để giảm nhẹ gánh nặng chi phí du học.

Tuy nhiên, với việc chính phủ Australia tái áp đặt giới hạn số giờ làm việc cho sinh viên quốc tế giữa bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, An cho biết mình đang phải đối mặt với áp lực tài chính khi không thể đảm bảo số ca làm cần thiết để mang lại thu nhập đủ duy trì cuộc sống.

Thời gian làm việc trung bình mỗi tuần của An đã giảm từ 22 xuống còn 18 giờ. Việc thu nhập giảm đặt An vào một cuộc chiến chống lại tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu và sinh hoạt phí đang tăng cao tại Australia.

An cho biết thói quen chi tiêu của mình đã buộc phải thay đổi đáng kể.

"Tôi đã phải chuyển sang mua sắm tại các chợ của người Việt Nam vì giá cả ở đó thấp hơn," An nói với VnExpress International. "Nhìn chung, giờ đây tôi ít mua sắm hơn và hạn chế chi tiêu vào những thứ không thiết yếu."

An không phải là sinh viên quốc tế duy nhất chịu ảnh hưởng bởi quy định mới về giờ làm việc của chính phủ Australia. Riya Kattady, đang theo học bằng Thạc sỹ ngành kỹ sư tại Đại học Tây Sydney, nói với The Guardian hồi tháng 7/2023 rằng mình bắt đầu tự pha cà phê tại nhà khi mua cà phê takeaway từ quán "đã trở thành một thứ xa xỉ" do thu nhập giảm.

"Hiện tại tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi khoản chi tiêu," Riya giải thích. "Tôi không thể làm thêm giờ được nữa... Tôi phải tiết kiệm và lên kế hoạch cho mọi việc."

Bộ Nội vụ Australia đã thiết lập chính sách mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, giới hạn sinh viên quốc tế làm việc không quá 48 giờ mỗi hai tuần trong kỳ học. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với chính sách cho phép làm việc không giới hạn giờ trong thời gian trước.

"Chính sách này áp dụng cho tất cả các sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tập tại Australia, nhằm tạo điều kiện cho họ có khả năng tài chính để trang trải cho quá trình học tập của bản thân, đồng thời đảm bảo rằng việc học tập luôn được ưu tiên hàng đầu", Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia truyền đạt trong thông báo về quy định, trên trang web chính thức.

Thách thức mà sinh viên quốc tế phải đối mặt khi đi làm còn bao gồm nguy cơ bị trả lương thấp. Theo báo cáo năm 2023 của Viện Grattan, được trích dẫn bởi Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Úc (ABC), cứ sáu người nhập cư ở Australia thì có một người nhận lương thấp hơn mức tối thiểu quốc gia.

Nhà kinh tế học Brendan Coates của Viện Grattan cho biết sinh viên quốc tế cũng nằm trong nhóm đối tượng này. Đồng thời, tuổi đời trẻ cũng góp phần khiến họ có khả năng bị trả lương thấp hơn.

"Giới hạn giờ làm việc khiến họ còn dễ bị ảnh hưởng bởi mức lương thấp hơn nữa," ông nói.

Với mức lương tối thiểu cho lao động từ 21 tuổi trở lên ở Australia là 21,38 AUD (343.313 VND) mỗi giờ, báo cáo chỉ ra rằng 5-16% người lao động mới nhập cư ở Australia được trả thấp hơn mức này. Trong số đó, 1,5-8% nhận lương thấp hơn mức tối thiểu theo giờ ít nhất là 3 AUD.

Theo Times Higher Education, một cuộc khảo sát với hơn 6.000 người tham gia, trong khuôn khổ một dự án do chính phủ Australia tài trợ, chỉ ra rằng 45% người tham gia muốn làm việc nhiều hơn 48 giờ mỗi hai tuần.

Cụ thể, 27% muốn không bị giới hạn về số giờ làm. 11% mong muốn mức giới hạn được nâng lên 50 giờ cho mỗi hai tuần, và 7% ủng hộ mức giới hạn 60 giờ.

Ly Tran, một nhà nghiên cứu về giáo dục quốc tế tại Đại học Deakin, Australia, đồng thời là người phụ trách dự án nói: "Họ muốn được tự do quyết định."

Bên cạnh giới hạn giờ làm, tình trạng sinh hoạt phí, bao gồm tiền thuê nhà, giá thực phẩm và chi phí đi lại, tăng cao cũng khiến những khó khăn mà sinh viên quốc tế phải đối mặt trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo báo cáo công bố vào tháng 1/2024 của Cục Thống kê Australia, chỉ số giá tiêu dùng tại quốc gia này đã tăng 4,1% trong vòng một năm tính tời thời điểm công bố báo cáo.

Michelle Marquardt, trưởng phòng thống kê giá cả tại Cục Thống kê Australia, cho biết giá nhà ở tăng 4,6% và giá thực phẩm và đồ uống không có cồn tăng 4,4% là những yếu tố chính gây lạm phát.

Tuy nhiên, một số người, như Yeganeh Soltanpour, chủ tịch Hội đồng sinh viên quốc tế tại Australia, lại ủng hộ chính sách giới hạn giờ làm. Trả lời Sydney Morning Herald, Yeganeh lập luận rằng việc cho phép sinh viên quốc tế làm không giới hạn thời gian trước đây đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên bỏ lỡ các buổi học và không đạt điểm do quá tải công việc.

Minh Hằng, 25 tuổi, một thực tập sinh ngành tâm lý học tại Melbourne, Australia cũng đánh giá cao chính sách này vì tin rằng nó sẽ khuyến khích sinh viên tập trung hơn vào việc học. Bản thân Hằng cũng cho biết ngành học của mình nặng, nên việc phải tuân thủ giới hạn thời gian làm việc giúp Hằng có nhiều thời gian trau dồi kiến thức chuyên môn.

Dù nhận thấy lợi ích tiềm năng của việc giảm giới hạn giờ làm, Hằng đã phải chuyển tới thuê nhà ở một khu vực xa trung tâm thành phố nhưng giá cả phải chăng hơn để tiết kiệm.

Các cơ quan chức năng Australia đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết các thách thức nêu trên. Có thể kể đến như nỗ lực chống lạm phát của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) thông qua việc tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 12 năm là 4,35% vào tháng 7/2023, nhằm hướng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong khoảng 2-3%, theo The Guardian.

Theo Reuters, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng tuyên bố vào tháng 1/2024 rằng chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp mới để giảm áp lực về chi phí sinh hoạt mà không làm gia tăng lạm phát.

"Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Ngân khố và Bộ Tài chính xem xét những biện pháp có thể giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cho các gia đình mà không tạo áp lực lên lạm phát," Thủ tướng Anthony phát biểu trong một cuộc họp báo tại Sydney.

Trong lúc cơ quan chức năng và sinh viên quốc tế cùng nhau tìm cách vượt qua những thách thức hiện tại, thì 645.516 sinh viên quốc tế tại Australia - theo số liệu tháng 8/2023 từ ICEF Monitor - phải tiếp tục nỗ lực.

"Tôi cảm thấy lo", An nói. "Với chi phí đắt đỏ, tôi không chắc liệu mình có đủ khả năng để trụ lại tới khi hoàn thành chương trình học hay không."

https://vnexpress.net/du-hoc-sinh-o-australia-chat-vat-vi-gio-lam-giam-gia-ca-leo-thang-4718686.html


  Các Tin khác
  + Kiều bào chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ (17/09/2024)
  + Kiều bào mang tình cảm sâu đậm hướng về quê hương (31/08/2024)
  + Vụ kiện của bà Trần Tố Nga Người Việt tại Pháp không nản lòng, sẽ tiếp tục cùng bà Trần Tố Nga "trường kỳ kháng chiến" (24/08/2024)
  + Người Việt tại Lebanon gặp khó khăn khi mua vé máy bay để về nước (10/08/2024)
  +  Kiều bào tại Pháp cùng tôn vinh tiếng Việt (23/07/2024)
  +  Vụ 6 người Việt chết tại Thái Lan: Nghi phạm căng thẳng khi chuẩn bị ra tay (19/07/2024)
  +  Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, tặng quà Trường song ngữ Lào-Việt Nam (13/07/2024)
  +  Phổ biến, giải đáp nhiều câu hỏi của người Việt Nam ở nước ngoài về Luật Đất đai 2024 (28/06/2024)
  + FBI khám nhà Thị trưởng và doanh nhân gốc Việt nổi tiếng (23/06/2024)
  + Tăng cường giải đáp, hỗ trợ pháp lý cho người Việt ở nước ngoài (12/06/2024)
  + Lao động Việt mang sầu riêng lên metro ở Nhật, người bịt mũi người bỏ đi (07/06/2024)
  + Xúc động hình ảnh nữ cầu thủ gốc Việt đầu tiên chơi ở đội tuyển Mỹ diện áo dài thướt tha (06/06/2024)
  +  Cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan có nhiều người Việt Nam kinh doanh (13/05/2024)
  + Gần 70 kiều bào trở về từ 21 quốc gia dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2024 (21/04/2024)
  + Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc (10/04/2024)
  + Luật Đất đai 2024: Thể hiện chính sách công bằng với người Việt ở nước ngoài (10/04/2024)
  + Tin vui, từ 1/7 Việt kiều sẽ được tự do mua nhà như người trong nước (07/04/2024)
  + Động đất ở Đài Loan: Vợ chồng người Việt "tim đập chân run", hoảng loạn vì không gọi được cho nhau (04/04/2024)
  + Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sắp bay vào vũ trụ (30/03/2024)
  + Người Việt tại Lào gắn kết dựng xây đất nước, vun đắp tình hữu nghị (15/03/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65156601

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July