Ký sự SEA Games 32 (Kỳ cuối): Tấm "Vàng mười" ở Biển hồ Tonle Sap Ký sự SEA Games 32 (Kỳ cuối): Tấm "Vàng mười" ở Biển hồ Tonle Sap , Người xứ Nghệ Kiev
Minh Đức - Anh Tuấn (từ Campuchia)
Trên chiếc thuyền rời Biển hồ Tonle Sap, chúng tôi mang theo nhiều cảm xúc xót thương những phận người mà ước mơ của họ đơn giản là "có đủ bữa ăn qua ngày". Hình ảnh "trường học" mà thực chất chỉ là một cái phòng dựng tạm chừng 100m vuông, bàn ghế thầy trò đơn sơ… càng khiến chúng tôi day dứt!
Cái "duyên" trên hành trình tìm nhà cô giáo Biển hồ Tonle Sap
"Cô giáo dạy các em nhỏ ở Biển hồ Tonle Sap" chắc hẳn là một người vô cùng đặc biệt. Một người đã dành cả thanh xuân để gieo con chữ cho hàng nghìn trẻ em có điều kiện học tập tại bến nước mênh mông.
Qua anh Na chèo thuyền, chúng tôi được biết cô giáo tên là Mai. Để tìm được đến nhà cô giáo Cao Thị Tuyết Mai. Chúng tôi đã đi qua một ngôi làng có cả người Việt và người Campuchia sinh sống, phần nào hiểu được cảnh thiếu thốn đủ đường của đồng bào người Việt tại nơi đất khách quê người.
Những căn nhà tạm bợ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chưa kể thiên tai, bão lũ luôn rình rập có thể cuốn bay đi mọi thứ bất cứ lúc nào.
Nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong sự cơ cực của những người dân nơi đây, nơi mà hỏi 10 người dân thì cả 10 đều không biết SEA Games 32 đang được tổ chức chính trên đất nước mình đang sống.
Sau một hồi đi qua, đi lại tìm kiếm, cuối cùng, chúng tôi cũng có "duyên" tìm được nhà cô Mai.
Trong lúc chúng tôi đang hỏi thăm, không biết đi thẳng hay rẽ phải sẽ tới nhà cô thì tình cờ có một phụ nữ trung niên đang một mình cố sức đẩy gánh xe hàng lên dốc mà e là không xong.
Anh Văn nhanh mắt quan sát thấy đầu tiên và giục chúng tôi cùng nhanh chạy tới đẩy giúp chiếc xe hàng lên dốc. Có ai ngờ, người phụ nữ ấy lại là hàng xóm của cô Mai và chỉ dẫn rất cẩn thận cho chúng tôi tìm được nhà cô giáo!
Cảm giác đầu tiên về cô giáo Mai là một phụ nữ hồn hậu, nụ cười e ấp của những cô gái miền Tây cùng ánh mắt chan hòa đi kèm với sự ngỡ ngàng khi gặp chúng tôi: "Đây rồi, tôi đã tìm được tấm "Vàng mười" cuối Biển hồ Tonle Sap - một người phụ nữ đã làm được những điều được ví như cổ tích giữa đời thường", tôi tự nhủ.
Sau màn chào hỏi và có phần bối rối vì cuộc gặp gỡ bất ngờ với cánh phóng viên, cô Mai mời cả đoàn tới một khu vực rất bình yên ở ngôi làng nhỏ. Từ đó, câu chuyện về hành trình 20 năm gieo con chữ cho trẻ em ở biển hồ Tonle Sap cũng được bắt đầu.
Chào chị Mai, được biết chị đã dạy học cho trẻ em tại biển hổ Tonle Sap hơn 20 năm, vậy chị có thể cho biết cơ duyên nào đưa chị đến đây?
- Tôi đến Campuchia từ năm 2000, đi theo cha mẹ, quê gốc của tôi là ở Châu Đốc, An Giang. Bố mẹ tôi đến đây làm nghề buôn bán, cụ thể là bán quần áo trên biển hồ Tonle Sap.
Lúc đó ở đây có một ngôi trường bỏ hoang, mà lại có rất nhiều trẻ em không biết chữ. Bà con kiều bào thấy tôi là người có học thức, nên mời tôi về dạy cho các em biết mặt chữ.
Ngay lập tức tôi đồng ý và cũng để thử tay nghề ở một lĩnh vực mới. Dần dần, các em nhỏ kéo đến lớp nhiều hơn, nhiều em đã được khai sáng, trưởng thành và tôi bắt đầu trở thành giáo viên lúc nào không hay.
Trong hành trình hơn 20 năm dạy học tình nguyện của mình, chị có thể chia sẻ về những khó khăn, thử thách tại biển hồ Tonle Sap?
- Thú thực là quãng thời gian đầu tiên khi tôi dạy học cho các em rất vất vả và khó nhọc. Tôi phải chèo xuồng một quãng đường rất xa để đến được trường học, ở mùa nước cạn phải lội bộ trên nước đến trường.
Nhưng đổi lại tôi thấy rất vui. Mỗi khi thấy tôi vất vả, bà con nơi đây đều giúp đỡ nhiệt tình, người thì cho đi nhờ xuồng, người thì hỗ trợ khi xuồng hỏng, hay đơn giản chỉ là những lời chào hỏi thân mật chứa đựng sự chân thành của bà con.
Đó chính là động lực tinh thần lớn lao để tôi có thể vượt qua được những thử thách trên hành trình dạy học trong suốt 20 năm qua.
Suốt những năm tháng đó, chắc hẳn chị có niều kỷ niệm đáng nhớ?
- Kể về kỷ niệm buồn vui ở biển hồ Tonle Sap, chuyện tôi nhớ nhất là tôi cùng các em nhỏ bị lật xuồng giữa biển nước mênh mông, đó đang là mùa mưa, nước rất sâu, cô trò đều không biết bơi.
Khi ấy, quả thực tôi rất hoảng loạn, phần là lo cho các em, phần là lo cho chính mình. May sao các em nhỏ do được sống ở điều kiện sông nước nên đã tự trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn. Còn tôi may sao bám được vào cano cứu hộ. Đó là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên trong cuộc đời.
Thời gian trôi đi, chắc hẳn học sinh của chị cũng có người đã trưởng thành, các bạn đó có hay quay lại trường thăm chị hay gọi điện hỏi thăm sức khỏe chị không?
- Ồ có chứ! Nhiều em học sinh khi xưa giờ đã lập gia đình, thậm chí là còn cho cả con đến nhờ tôi dạy học. Tôi dạy bố mẹ rồi tới con cái của nhiều gia đình. Ngoài ra, một số em học sinh cũ khi trở về Việt Nam cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, nhìn các em trưởng thành và có cuộc sống tốt đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi.
Xin phép được hỏi chị chút về đời sống cá nhân, chồng chị là người Campuchia hay người Việt Nam vậy?
- Chồng tôi là người Campuchia gốc. Anh ấy giúp đỡ tôi rất nhiều trong điều kiện khó khăn ở đây, anh cũng luôn ủng hộ và động viên tôi trong suốt năm tháng dạy học cho trẻ em tại Tonle Sap.
Vài năm trở lại đây, tôi đã được hỗ trợ 200 USD lương dạy học. Tuy nhiên chi phí đi lại đã mất một nửa, do đó tôi chỉ còn 100 USD, lại phải nuôi 3 con nhỏ, không có chồng đi làm kinh tế quả thực sẽ rất khó khăn.
Chị có thể chia sẻ về những khó khăn chung của các em nhỏ và người dân tại biển hồ Tonle Sap không?
- Nơi tôi đang sinh sống, giờ cũng được cải thiện nhiều so với trước đây. Ngày xưa khi tôi mới đến, ở đây chưa có điện, tôi phải dựng chòi để ở, khi mưa giông bão táp ập đến là bay hết cả nhà cửa. Rất vất vả và cực nhọc khi rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Các em nhỏ nơi đây chỉ 7 đến 8 tuổi đã phải mưu sinh cùng bố mẹ, mùa nước lên thì các em không phải theo bố mẹ đi đánh cá, nên sắp xếp được để đi học. Còn mùa nước cạn vất vả lắm, các em phải đi cả ngày và phải gác lại việc học để phụ giúp gia đình đánh cá.
Nhiều khi tôi cũng phải đến tận nhà vận động bố mẹ cho các em đến trường, cũng có lúc đến không có ai ở nhà tôi lại gọi điện để thuyết phục.
Hiện tại việc dạy kiến thức cho các em nhỏ tại Tonle Sap được thực hiện theo chương trình thế nào?
- Thực lòng là ở đây điều kiện không thể bằng trên đất liền, các em chỉ học đến lớp 5 cùng lắm đến lớp 6, sau đó đều nghỉ học để theo bố mẹ đi làm để phụ giúp gia đình. Các em đều chỉ đặt mục tiêu có thể biết chữ và tính toán cộng trừ nhân chia, không có nhu cầu học tiếp vì điều kiện không cho phép.
Bản thân tôi cũng rất mong các em có thể theo tiếp quá trình văn hoá, nhưng điều này không hề dễ dàng. Do vậy, điều tôi cố gắng làm là đưa thêm nhiều môn học vào quá trình giảng dạy. Những môn phụ đạo như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục đã bắt đầu được các em biết đến và tất cả đều rất hào hứng về được học những môn học mới mẻ
Đã bao giờ chị nghĩ sẽ quay trở về Việt Nam sau những năm tháng tại Campuchia?
- Một năm tôi về Việt Nam chơi khoảng 2 tuần dịp hè và dịp Tết, cha mẹ tôi và anh chị em vẫn đang sinh sống ở Châu Đốc, An Giang. Tâm sự thật, mỗi khi về Việt Nam thấy đời sống vật chất, điều kiện sinh sống tốt, tôi cũng có đôi chút chạnh lòng. Thế nhưng mỗi khi ấy tôi lại rất nhớ đám trẻ, chỉ muốn quay lại với tụi nhỏ để tiếp tục công việc giảng dạy.
Tôi về Việt Nam cũng ghé qua nhà bạn bè thăm hỏi, nhìn mọi người làm những công việc như: Kỹ sư, công an, chuyên viên... Còn mình lại lênh đênh trên sông nước làm công việc trong điều kiện sống cực khổ, nhiều lúc tôi cũng có chút suy tư.
Nhưng có lẽ cái số tôi nó vậy, tôi thương các em nhỏ, tôi yêu bà con tốt bụng tại biển hồ Tonle Sap và quan trọng nhất là tôi hài lòng với công việc của mình đang làm. Một công việc âm thầm lặng lẽ nhưng chứa đựng đầy tính nhân văn.
Khi câu chuyện giữa chúng tôi và cô giáo Cao Thị Tuyết Mai khép lại cũng là lúc hoàng hôn trên biển hồ Tonle Sap.
Cuộc trò chuyện khiến chúng tôi quên cả khát khi cứ chìm đắm trong dòng suy nghĩ của cô Mai - một người phụ nữ bình thường (chị chia sẻ chỉ học hết lớp 12) nhưng đang làm công việc phi thường tại Biển hồ Tonle Sap.
Mua 3 chai nước giúp bà cụ bán bán hàng bên cạnh nhà cô giáo Mai - nơi chúng tôi đã mượn 2 chiếc ghế ngồi phỏng vấn, chúng tôi cùng cô giáo Mai cùng uống, cùng cảm nhận vị ngọt của "dòng nước ân tình" nơi Biển hồ Tonle Sap...
Chia tay đầy lưu luyến, chúng tôi giữ lại hoàng hôn Biển hồ Tonle Sap trong tim và chúc cô Mai có thật nhiều sức khỏe. Và nếu những huyền bí tại Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm ("Bí mật ngôi mộ cổ") mà chúng tôi đã đề cập tới trong những kỳ ký sự trước đó là có thật; thì chắc chắn mọi điều tốt đẹp sẽ đến với cô Mai và các em nhỏ nơi đây trên hành trình phía trước.
Có ai đó nói rằng: "Hoàng hôn đẹp nhất không phải xế chiều, hoàng hôn đẹp nhất là làm được nhiều việc tốt"! Nơi đây, chúng tôi đã tìm được tấm "Vàng mười"SEA Games 32!