Một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine Người Việt ở Odessa: Dần ổn định và thích nghi với cuộc sống thời chiến Một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine Người Việt ở Odessa: Dần ổn định và thích nghi với cuộc sống thời chiến , Người xứ Nghệ Kiev
Lê Phương Thứ sáu, ngày 24/02/2023
Mất điện. Thiếu nước sạch. Thiếu khí đốt sưởi ấm. Cuộc sống của người Việt ở Ukraine cực kỳ khó khăn trong suốt một năm chiến sự. Thế nhưng bà con vẫn khắc phục, quan tâm hỗ trợ lẫn nhau, dần thích nghi với hoàn cảnh mới - ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2/2022, hiện đã kéo dài gần 1 năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Rất nhiều thành phố của Ukraine có đông người Việt sinh sống bị ảnh hưởng bởi chiến sự, từ Kramatorsk, Kharkov, Odessa đến Kiev.
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt tại Ukraine trước chiến sự có gần 7.000 người, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Odessa, Kharkov, Kiev. Tuy nhiên, sau khi chiến sự nổ ra, ngoài một số quay về Việt Nam, đa số người Việt di tản sang châu Âu.
Báo Dân Việt mới đây đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tỉnh Odessa, Trợ lý Văn phòng Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại tỉnh Odessa,để tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng người Việt sau một năm chiến sự.
Theo ông Hải Anh, một năm qua đi, cuộc sống của gia đình ông cũng như cộng đồng người Việt tại Ukraine cũng dần ổn định hơn. Đa số bà con đã định cư tại châu Âu, Mỹ, Canada và có công ăn việc làm lâu dài. Một số người có điều kiện và đã chuẩn bị sẵn cơ sở thì về sống ở Việt nam. Tâm lý mọi người đã dần ổn định hơn và chấp nhận cuộc sống mới, tuy vậy ai cũng mong muốn hoà bình để sớm được trở lại Ukraine.
Ông Hải Anh chia sẻ: "Gia đình tôi thì các con đều làm việc ở nước ngoài từ trước lúc chiến sự xảy ra nên may mắn không sao. Hồi tháng 11/2022, vợ chồng tôi cũng đã trở lại Odessa để thu xếp công việc và kiểm tra nhà cửa.
Theo quy định của luật Ukraine thì tôi và cậu con trai không phải tham gia nhập ngũ. Mặc dù vậy, ở Ukraine hiện có nhiều bạn thuộc thế hệ trẻ đã tham gia quân đội Ukraine chiến đấu với Nga. Cũng có trường hợp một bạn bị hy sinh ở mặt trận Kharkov".
Tình trạng mất điện, mất nước khiến cuộc sống khó khăn hơn
Ông Hải Anh cho biết, hiện tại ở Odessa chỉ còn khoảng 400 người sinh sống, bao gồm cả người lớn, sinh viên và học sinh. Theo ông, thiệt hại về kinh tế hay lương thực thực phẩm không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bà con, tuy nhiên từ khi Nga tăng cường bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine thì tình trạng mất điện, mất nước và sưởi ấm đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều.
Mặc dù vậy, Hội người Việt nam và bà con tự khắc phục bằng cách mua ắc quy, máy phát điện. Tại các chung cư, Ban quản trị mua hoặc thuê máy phát để bơm nước sinh hoạt và nước sưởi ấm cho các căn hộ. Học sinh, sinh viên hầu hết phải học online nên cũng bị ảnh hưởng chung khi mất điện, mất internet.
Theo ông Hải Anh, trong năm vừa qua, tình hình an ninh trật tự ở Odessa nói chung vẫn ổn. Do lệnh giới nghiêm duy trì từ 0h đến 5h sáng nên mọi người ít đi lại lúc khuya. Hội người Việt Nam cũng khuyến cáo bà con không có việc thì không nên ra đường, tránh những chỗ nhạy cảm và đông người. Ông lưu ý hiện tại Nga vẫn bắn tên lửa vào hạ tầng cơ sở các thành phố Ukraine với tần suất từ 2-4 lần/tháng.
Tại Odessa, Hội Người Việt trong giai đoạn chiến sự cũng đã lập ban quản trị lâm thời để tiếp tục duy trì các hoạt động và bảo vệ tài sản người Việt tại làng Sen, phân công người để trông coi tài sản, hàng hóa của người Việt tại chợ 7km. Đồng thời, Hội cũng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Văn phòng Lãnh sự danh dự tại Odessa để giải quyết những khó khăn của bà con, hướng dẫn cộng đồng thực hiện quy định của chính quyền sở tại.
Ông Hải Anh nói: "May mắn là Đại sứ quán và Hội người Việt nam luôn quan tâm giúp đỡ bà con. Đóng góp, giúp đỡ cả về vật chất cũng như giấy tờ để mọi người được thuận lợi sinh sống và đi lại. Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Hồng Thạch cũng đã 2 lần về thăm và làm việc tại Odessa".
Người dân Ukraine tin tưởng vào chiến thắng
Ông Hải Anh cho biết thêm, bà con người Việt cũng đã bắt đầu trở lại từ khi Nga rút quân ở một số thành phố. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng hiện tại Nga vẫn thường xuyên bắn tên lửa nên chưa an toàn khi trở lại Ukraine.
Ông nói: "Bà con Việt Nam nếu đã ổn định ở một nước khác thì nên tạm thời ở đó, chỉ nên trở lại nếu cần giải quyết công việc và kiểm tra tài sản. Tuy vậy cũng có khó khăn là hiện Moldova đã dừng cấp thị thực cho người Việt Nam quá cảnh nước này. Các nước châu Âu cũng đóng cửa đối với người không có hộ chiếu Ukraine hoặc visa vào nước họ. Do vậy, bà con cần cân nhắc và xem xét thông tin cẩn thận nếu muốn quay lại Ukraine".
Chia sẻ về những dự định trong năm nay, ông Hải Anh nói rằng thời gian tới, gia đình ông vẫn đi lại giữa Việt Nam và Ukraine là chính.
Ông Hải Anh cũng cho biết ông cảm thấy rất buồn vì cuộc chiến này đã tạo ra sự thù hận khó có thể xoá bỏ giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng người dân Ukraine tin tưởng vào chiến thắng và họ sẽ quyết tâm giữ chủ quyền lãnh thổ, kết thúc cuộc xung đột này càng sớm càng tốt.
* Sống ở Ukraine lâu như vậy, ông có cảm giác ra sao khi vùng đất này trở thành chiến địa?
- Là những người gắn bó với Ukraine đã lâu, chúng tôi đều thấy mất mát và đau xót khi thành phố bị hủy diệt. Nhà cửa bị phá huỷ, tài sản bị mất mát. Không ai muốn chiến tranh cả, mọi người đều mong muốn bình yên.
* Ông có dự đoán thế nào về tình hình chiến sự Nga – Ukraine trong thời gian sắp tới? Liệu cuộc sống của người dân Ukraine cũng như cộng đồng người Việt tại đây có quay lại như cũ không?
- Mọi xung đột đều sẽ đến lúc phải chấm dứt. Theo tôi, sớm muộn trong thời gian tới chiến sự sẽ kết thúc, khi đó việc xây dựng lại đất nước sẽ rất quan trọng. Cuộc sống sẽ vất vả hơn nhưng tôi tin rằng cơ hội này mất đi cơ hội thì cơ hội khác sẽ đến.