Hiện có gần 80.000 người Việt có quốc tịch Hàn Quốc. Trao đổi với đoàn công tác, đại diện các hội, đoàn người Việt Nam tại Hàn Quốc nêu mong muốn được tạo thuận lợi làm căn cước công dân ở các địa phương trong nước và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch Hàn Quốc (khoảng 30.000 người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Hàn Quốc trước năm 2011, nay pháp luật Hàn Quốc cho phép các lao động lành nghề và cô dâu Việt Nam có 2 quốc tịch), chọn quốc tịch cho trẻ em lai sinh ra tại Hàn Quốc, mở rộng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho NVNONN…
Những vấn đề tương tự cũng được nêu ra tại tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về NVNONN đồng tổ chức mới đây.
Về vấn đề quốc tịch, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN, cho biết nhiều nước trước đây theo nguyên tắc một quốc tịch như Cộng hòa Czech, Đức, Nga, Ba Lan... hiện đã cho phép công dân đồng thời có quốc tịch nước ngoài, không buộc người xin nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch gốc.
Do đó, Đại sứ Nguyễn Phú Bình kiến nghị cơ quan chức năng trong nước tạo thuận lợi để kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài. Việc này cũng phù hợp với nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo được quy định tại Luật Quốc tịch năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Đoàn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thăm và làm việc với Trung tâm Hỗ trợ người nước ngoài tại TP Ansan - Hàn Quốc. Ảnh: C.T.V
Về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, nhiều đại biểu cho rằng cần tháo gỡ hạn chế quyền sử dụng đất ngoài dự án phát triển nhà ở cho NVNONN.
Điều này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất được nêu trong Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho - tặng, nhận thừa kế, chuyển nhượng...
Theo ông Chu Tuấn Đức, Phó Đại sứ Việt Nam tại Đức, nhu cầu của kiều bào ở nước ngoài về thị trường bất động sản trong nước rất lớn, thể hiện ở việc các thủ tục giải quyết giấy tờ tại Đức hiện liên quan nhiều đến đất đai.
"Nếu muốn tận dụng nguồn lực, có thể tính toán để mở rộng những lĩnh vực mà NVNONN có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất" - ông Đức nêu quan điểm, đồng thời đề nghị tính toán để nguồn tiền của kiều bào chuyển về nước được đầu tư vào bất động sản phục vụ sản xuất - kinh doanh thay vì đầu cơ đất đai.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của TS Lê Võ Phương Nga - Giám đốc Tài chính và Đối tác của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Hướng Nam, Luật Quốc tịch đang được rà soát, trong đó có vấn đề trở lại quốc tịch đồng thời vẫn giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ sinh ra ở nước ngoài có bố/mẹ là người Việt.
Về dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban đã kiến nghị sửa đổi theo hướng cho phép NVNONN có quyền thừa kế và quyền nhận chuyển nhượng đất ngoài dự án phát triển nhà ở. Ủy ban đang phối hợp với các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).