Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Bôn ba chữ tình Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: Bôn ba chữ tình , Người xứ Nghệ Kiev
Hơn một phần tư thế kỷ xuất hiện trong đời sống văn học nước nhà, Nguyễn Huy Hoàng xuất bản gần ba chục đầu sách gồm nhiều thể loại, nổi bật là thơ (Ngoảnh lại, Dư âm, Phía bên kia trời, Miền yêu thương, Đa mang, Vẫn còn có bao điều tốt đẹp, Giữa thanh thiên bạch nhật, Một thời tôi từng có, Canh ngọn đèn đợi sáng...) và truyện ký - thể loại ông từng giành giải Nhất ở tuần báo Văn nghệ Trẻ và nhiều “công trình kể xiết mấy mươi” như “Thi pháp truyện ngắn Gogol” hay các giáo trình “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX”, rồi sách dịch và hơn trăm bài báo về những thăng trầm, những mảng màu tối sáng diễn ra trên đất Nga từ cuối những năm 90 và đầu thế kỷ XXI đến nay...
Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Cuối năm 2020, thời điểm cả thế giới điêu đứng vì dịch Covid-19, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhiễm bệnh nặng tưởng không qua khỏi. Thế mà vừa rời giường bệnh, phóng sự nhiều kỳ của ông về người Việt ở Nga trong đại dịch cùng với cuốn sách dịch “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” và Tuyển thơ “Vào cõi Bác xưa” mỗi quyển ngót nghét 400 trang lần lượt trình làng. Càng rõ hơn một Nguyễn Huy Hoàng cần mẫn cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, bao nhiêu năm nay vẫn thế.
Một ngòi bút xa xứ luôn cẩn trọng trên từng trang viết, sắt son niềm tin vững chắc vào văn hóa Việt, phẩm chất Việt; một tấm lòng luôn đau đáu “ngoảnh lại” phía trời quê...
Nơi trái tim đa cảm, tha thiết với con người và cuộc đời ấy, bôn ba một chữ tình được tỏ bày bằng những cung bậc khác nhau với hai đề tài chủ đạo: quê nhà và nước Nga yêu dấu. Mỗi trang viết, mỗi câu thơ gánh một niềm nỗi, một khúc tự sự, một thoáng chốc từ dịu dàng mê đắm đến thấm thía trải nghiệm - vốn dĩ là một hành trình của một người đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều và cũng đớn đau nhiều.
Trước hết, thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ một người con của quê hương Hà Tĩnh, hậu duệ một dòng tộc văn chương duy nhất ở Việt Nam được Tổ chức Văn hóa Thế giới UNESCO hai lần vinh danh là ký ức của nhân loại. Gia tộc ông có quan hệ thông gia với họ Nguyễn ở Tiên Điền. Đó là một vùng quê ngay cả những người ít chữ vẫn có thể đọc vanh vách Truyện Kiều và thôi thúc ông tham gia cùng nhóm dịch giả Nga - Việt chuyển ngữ kiệt tác này ra tiếng Nga nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày mất của đại thi hào.
Vốn “chung thân” nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông dành sự quan tâm cho việc truyền bá văn học Nga thế kỷ XIX cho sinh viên. Với ông, Đại thi hào Puskin đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc nghiên cứu, dịch thuật và cả trong sáng tác. Tính hiện thực, tính trữ tình và phong cách của “Mặt trời thi ca Nga” thấm đẫm trong thơ ông, chan chứa niềm vui lẫn bất hạnh, rõ nhất ở những bài viết về nước Nga.
Cuối thập kỷ 80, ông đồ Nghệ ấy đặt chân đến với làng Nga, người Nga, văn hóa Nga bằng sự mê đắm và thủy chung được nhen lên thuở đầu đời. Hầu như các thành phố lớn, làng quê nào đặc biệt ở Nga ông đều có mặt. Thiên nhiên, con người ở đây đã gieo vào lòng ông niềm cảm hứng thiêng liêng mà ông gọi là “xúc cảm thánh thần”.
Nước Nga cũng gắn với một biến cố, một bi kịch rất riêng. “Tôi đeo đẳng với văn nghiệp, chung thân dấn bước trên con đường đầy bất trắc, nhận về mình không biết bao nhiêu là gian truân và khổ nạn”- một Nguyễn Huy Hoàng tài hoa và lận đận là thế, như thể nỗi sầu nhân thế từ văn chương đâu đó đã vận vào ông với những chặng hành trình dằng dặc tìm đứa con gái đầu lòng thất lạc, những đêm đông tuyết trắng buốt lạnh phương bắc và những câu thơ rớm máu:
Vận sao, vận đến không ngờ
Hạn sao hạn mãi đến giờ chưa yên
Một mình một bóng đêm đêm
Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con...
Sống vắt qua hai thế kỷ của nước Nga, chứng kiến sự thay bậc đổi ngôi của hai thể chế, tiếp xúc và gắn bó với nhiều tầng lớp người Nga từ những nhà khoa học, công chức, đến những người dân lam lũ, nên thơ ông viết về nước Nga dường như cũng “đậm đà tâm hồn Nga và thơm phức hương vị Nga”.
Ngay cả khi phải nuối tiếc xót xa bởi một Matxcơva bây giờ đã khác: Mốt thời thượng phô mình trên phố xá/ Nét vàng son pha lẫn với tân kì... thì thơ về nước Nga, người Nga và thiên nhiên huyền diệu nơi ông đến vẫn cứ thế ra đời một cách chân thành, tự nhiên như hơi thở với cảm hứng và tình yêu không mảy may vụ lợi.
***
Thơ Nguyễn Huy Hoàng hầu như không viết về sự đủ đầy, cao sang, về sự viên mãn, mà nghiêng xuống số phận những người nhỏ bé, lầm than, thao thiết với từng biến động thiên tai, bão lụt quê nhà bằng một trái tim canh cánh yêu thương: “Dẫu xa muôn dặm, vẫn tôi vua Hùng”.
Tại Nga, ông may mắn có những trải nghiệm và dự phần nỗi xót xa thống khổ muôn nỗi của cộng đồng người Việt thời hậu Xô-viết với sự khủng hoảng niềm tin dữ dội trong cuộc mưu sinh sống còn: Chúng tôi sống âm thầm, vai nặng gánh//Đi muôn nơi vẫn nhớ đến cội nguồn/ Lòng nhẫn nhục trước bao điều ngang trái/ Mặt đẫm tràn nước mắt, vẫn bao dung! (Người Việt).
Dù gắn bó với ngôn ngữ Nga, là chuyên gia nghiên cứu văn học Nga, song ông vẫn là một thi sĩ của đồng ruộng và quê hương nước Việt, người bị thuần phục bởi vẻ đẹp mộc mạc của ngôn ngữ mẹ đẻ, bởi thế mà thơ ông khôn nguôi nỗi ám ảnh nguồn cội và thấm đẫm sự gần gũi, thân thuộc Cá đàn quẫy động ao chuôm/ Gà trưa đánh thức khu vườn nắng hanh...
Dường như theo thời gian, phong cách thơ trữ tình tự sự, giãi bày buồn vui và đầy ẩn ức ấy đã làm nên một Nguyễn Huy Hoàng ngày một gần gũi, thân thiết trong lòng nhiều bạn thơ và độc giả của ông.
Sau tất cả, theo bước chân người thơ mà đến với bạn đọc, thăm thẳm một chữ tình bôn ba, không tĩnh lặng.
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu bài thơ Nước Nga của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng:
Nước Nga
Nước Nga ơi!
Tôi không cắt rốn, chôn rau trên mảnh đất của Người
Tôi mang họ tên Á Đông thuần khiết
Đêm xa nhà, trong những giấc mơ, tôi gọi thầm tiếng Việt
Bàn thờ tổ tiên ngự nơi trang trọng giữa nhà ...
Nhưng cõi lòng tôi sâu nặng với hồn Nga!
Nước Nga ơi!
Người không ban cho tôi bạc vàng và châu báu
Tôi không được hưởng vinh quang, sự giàu có của Người
Tôi không cầm lưỡi liềm gặt hái trên cánh đồng no ấm
Người chỉ dành cho tôi sắc mùa thu vàng thắm,
Những huyền thoại về rừng taiga
Và sự trắng trong của tuyết,
Mùi đất nồng nàn bốc lên từ những đụn rơm,
Những dòng sông bao la, những cánh đồng ngút ngát
Chiếc gầu bạch dương cô gái quê múc vỡ ánh trăng vàng,
Lúa mạch chín rợp như bờm tuấn mã
Khi cơn gió đi qua ngỡ sóng giữa đại ngàn.
Nước Nga ơi!
Người cho tôi biết thế nào là tận cùng của khổ đau và mất mát
Tôi úp mặt vào gốc bạch dương sần sùi và bao lần khóc.
Trong biển mặn chát của Người có cả nước mắt tôi
Và những giọt mồ hôi rơi dọc con đường đất
Những đêm trường nghe tiếng quạ kêu than, không hề chợp mắt
Bạc trắng đầu với nỗi sợ ngày mai...
Nhưng tôi không hề oán giận Người
Tự tìm ra cho mình lời giải thích cuối cùng về sự tha hương:
Đó là số phận!
Nước Nga ơi!
Người dạy cho tôi biết thế nào là tình yêu nước non nhà,
Biết thương đồng bào khi sống xa ngoài vạn dặm
Biết quý mặt trời giữa xám xịt ngày đông,
Người dạy cho tôi khi cầm ổ bánh mì, thương củ khoai, củ sắn,
Nhìn băng tan, thương lũ cuốn trên đồng.
Người dạy cho tôi biết nghĩ về thước đo và tầm vóc,
Mỗi dân tộc phải có riêng đường đi và một ngọn cờ,
Khi vay xin có nghĩa là trả giá.
Phải biết gạt sang bên những tị hiềm, đố kị
Phải là tấm gương để người khác soi chung.
Biết ngẩng cao đầu khi cường quyền dìm xuống,
Dẫu bị dập vùi vẫn đại lượng, bao dung.
Nước Nga ơi!
Mặc ai theo gió thả buồm, tôi vẫn lội ngược dòng
Vẫn hướng về Người bởi không thể nào nghĩ khác
Tôi luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc
Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi
Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực
Tôi tự nguyện đặt trái tim rớm máu dưới chân Người!