Muôn kế khởi nghiệp ở quê nhà Việt Nam Muôn kế khởi nghiệp ở quê nhà Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
Họ là những doanh nhân trẻ với nhiều cơ hội ở ngoài nước nhưng lại tìm về quê hương góp sức thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Họ đã làm gì để có thể thành công ở quê nhà?
Tại Hội thảo trực tuyến “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” vừa qua, các đại biểu tham dự cảm thấy rất ấn tượng khi thấy nhiều doanh nhân Việt trẻ và tài năng ở nước ngoài chia sẻ cách họ khởi nghiệp ở quê hương...
Khát vọng từ Việt Nam
Cách đây 10 năm, anh Cao Anh Tuấn đã từ bỏ công việc đáng mơ ước tại Google để cùng năm tiến sĩ người Việt khác từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ quay trở lại phòng nghiên cứu và phát triển công nghệ giải mã gen bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Sau hai năm thành lập, cuối năm 2019, công ty Genetica của họ có mặt ở Việt Nam với khát vọng mang hệ gen của người Việt nói riêng, người châu Á nói chung vào bản đồ gen thế giới, cũng như thành lập một trung tâm giải mã gen hàng đầu châu Á tại Việt Nam.
Đến năm 2021, dịch vụ của Genetica hiện diện ở Mỹ, Singapore và Việt Nam. Các bằng sáng chế đã được đăng ký và có thể triển khai ở hàng chục quốc gia. Theo anh Tuấn, Genetica đã xây dựng phòng thí nghiệm tiêu chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và tiêu chuẩn Mỹ thứ hai tại Đông Nam Á (sau Singapore) để có thể dần đưa các dịch vụ giải mã gen của người châu Á về Việt Nam xử lý.
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chỉ trong vòng sáu tháng, Genetica đã phát triển được công cụ G-Immunity giúp chẩn đoán những bộ gen nào có nguy cơ dễ mắc COVID-19 hơn và cả mức độ rủi ro biến chứng nặng nếu mắc bệnh. Hiện đội ngũ Genetica đã sẵn sàng để tiến xa hơn ở thị trường Đông Nam Á và New Zealand - nơi có lượng lớn người dân châu Á sinh sống.
Về nước bằng cách “chia sẻ”
Từng là kỹ sư của Google và sau đó trở thành kỹ sư của công ty khởi nghiệp Airbnb có trụ sở ở thung lũng Silicon (Mỹ), nhưng anh Phạm Kim Cương lại đặc biệt quan tâm đến việc giúp cho nhiều người có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, trong đó chú trọng du lịch homestay. Sau khi sáng lập công ty Cohost AI tại Mỹ, anh Cương quyết định chuyển về Việt Nam hoạt động từ năm 2019.
Anh Phạm Kim Cương
Anh Cương chia sẻ, bối cảnh COVID-19 cho thấy, các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ có khả năng chuyển mình và hồi phục nhanh. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch thường chỉ mất hai tháng sau mỗi đỉnh dịch để hồi phục. Các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, du lịch có bốn giải pháp vượt khó lúc này: chuyển đổi nguồn khách (khách nước ngoài không còn thì chuyển sang khách Việt), chuyển đổi mô hình hợp tác (trước đây đi thuê nhà kinh doanh, nhưng giờ thì chia sẻ lợi nhuận với chủ nhà), chuyển đổi mô hình tài chính (trước đây gọi vốn từ bố mẹ hay vay ngân hàng, nay gọi vốn từ các nhà đầu tư) và thứ tư là chuyển đổi sang lĩnh vực khác.
Anh Cương lấy ví dụ về Veque Homestay - một nền tảng đặt phòng tập trung đa dạng homestay và căn hộ dịch vụ do nhóm năm bạn trẻ Việt sáng lập. Trước thời điểm dịch, startup này kinh doanh rất có lãi, đạt doanh số đáng mơ ước. Dịch bệnh xảy ra khiến doanh số giảm về 0 nhưng nhóm không đầu hàng mà nỗ lực tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh để vượt qua đại dịch. Kết quả là đến tháng 4/2021, họ bắt đầu mở rộng và đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/tháng trước khi đợt dịch thứ tư xảy ra.
Tin vào nguồn lực con người
Luôn được cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam ưu ái gọi là “cô gái vàng”, chị Lê Diệp Kiều Trang từng giữ vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam rồi sau đó là Tổng Giám đốc Go-Viet một thời gian, trước khi thành lập quỹ đầu tư mang tên Alabaster chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ.
Theo chị Trang, nếu nhìn vào chỉ số phát triển con người, Việt Nam đứng hàng 118. Tuy nhiên, nếu nhìn vào xếp hạng của OECD về nền giáo dục trên khía cạnh toán, khoa học và đọc hiểu thì Việt Nam xếp hạng 12. Bởi vậy, nguồn lực rõ ràng mà Việt Nam có là nguồn lực về con người.
Chị Lê Diệp Kiều Trang
Chị tự tin nói: “Khi đầu tư ở Việt Nam, Alabaster mang vốn và công nghệ về, còn lại chúng tôi đặt niềm tin vào con người Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít quốc gia hội tụ cả hai nguồn lực lao động cùng lúc, đó là nguồn lực có trình độ kỹ thuật và lao động cơ bản dồi dào. Nếu chúng ta chỉ phát triển ngành sản xuất mà không sử dụng tự động hóa AI, thì chúng ta không thể cạnh tranh với Trung Quốc hoặc thị trường lao động giá rẻ khác. Nhưng nếu tập trung vào robot, AI, thì chúng ta còn cách xa so với nước phát triển khác.
Quê nhà vẫn là nơi an toàn
Ở Phần Lan, anh Trần Bảo Khánh, đồng sáng lập của thương hiệu giày cà phê Rens Original đã tạo một sản phẩm thời trang thân thiện môi trường nhưng hội tụ đầy đủ các tính năng phù hợp với giới trẻ. Trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu cùng với Rens Original, Khánh ghi tên mình vào danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2020 của cả Việt Nam và châu Âu.
Anh Trần Bảo Khánh
Đặc biệt, sau đợt sản xuất đầu tiên, Rens Original quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Khánh chia sẻ: “Dù là một quyết định khá táo bạo trong thời điểm dịch bệnh nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, trong 10 năm qua, công nghệ và chất lượng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong ngành da giày và quần áo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt trội với công nghệ mới và nguồn nguyên vật liệu dồi dào”.
Không chỉ vậy, theo Khánh, nhờ vào các chính sách kịp thời và quyết đoán mà Việt Nam đã may mắn là một trong những nước an toàn cho sản xuất giữa tâm dịch. Hiện nay, dù Việt Nam đang ở đợt dịch lớn và phức tạp nhất, nhưng Khánh vẫn tin tưởng vào công tác quản lý và các quyết sách của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu: “Năm 2016, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành cơ chế pháp lý, chính sách, những đề án cụ thể hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Từ đó đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã từng bước được hình thành, củng cố và đang phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị... Do đó, họ cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ nhà khởi nghiệp thành công đi trước, trong đó có các nhà khởi nghiệp là kiều bào ở nước ngoài, để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: “Trong những năm gần đây, thông qua Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cũng đã quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới Việt Nam và tạo được những tác động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa sự tham gia của họ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước thì cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống”.