(Ảnh minh họa. Thu Phương/TTXVN)
|
Hơn 30 năm sống tại thủ đô Vientiane và hai lần phải đóng quầy hàng trong thời gian thủ đô của Lào bị phong tỏa do dịch bệnh COVID-19, hơn ai hết, chị Nguyễn Thị Kim Hoa thấm thía được những khó khăn về kinh tế cũng như nỗi lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Chị Kim Hoa cho biết cộng đồng người Việt đang gặp khó khăn về kinh tế do tình hình dịch bệnh phức tạp tại Lào cũng như tại thủ đô Vientiane cùng với việc phong tỏa thủ đô.
Không nằm trong danh mục mặt hàng thiết yếu, quầy hàng quần áo của chị tại chợ Khua Din, thủ đô Vientiane, hiện đã đóng cửa. Hàng hóa không bán được nhưng vẫn phải trả tiền hàng do đã đặt trước đó từ Thái Lan cũng như rất nhiều các khoản chi phí cho cửa hàng tại chợ, từ tiền điện, tiền rác, tiền bảo vệ hàng hóa đến tiền vệ sinh...
Chính vì vậy, cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn, hiện chỉ trông vào tiền lương của hai con lớn đang đi làm.
Theo chị Kim Hoa, bán quần áo tại chợ Khua Din đã 28 năm, đây là lần thứ hai chị gặp khó khăn về kinh tế do phải đóng quầy hàng vì dịch bệnh COVID-19.
Lần trước là vào đầu năm 2020, quầy hàng của chị cũng phải đóng cửa hơn một tháng nhưng do lúc đó kinh tế chưa suy thoái và dịch bệnh chưa phức tạp nên chỉ sau nửa tháng, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, cửa hàng chị đã buôn bán bình thường và có thu nhập ổn định trở lại.
Lần này dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh hơn khiến chị rất lo lắng cho sức khỏe bản thân cũng như những người thân trong gia đình, đặc biệt nếu thời gian phong tỏa tiếp tục kéo dài, quầy hàng tiếp tục đóng cửa, gia đình chị sẽ rất khó khăn về kinh tế.
Chị cũng chia sẻ, do dịch bệnh nên hiện nay ngoài quầy hàng của chị, các quầy hàng khác như giày dép, túi xách, mỹ phẩm... cũng đóng cửa để phòng sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, trong đó có nhiều quầy của người Việt. Hiện chỉ còn các quầy hàng bán đồ thiết yếu mới được hoạt động.
Hiện tại, dịch bệnh tại Lào rất phức tạp. Tính tới ngày 3/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 966 ca, trong đó có hơn 900 ca được phát hiện từ đầu tháng Tư đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Vientiane.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết một số bệnh nhân mới được ghi nhận đã di chuyển ra nhiều tỉnh bằng cả đường bộ và đường hàng không, gây ra lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng. Đặc biệt, biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh được cho là nguyên nhân chính khiến dịch COVID-19 tại Lào lan rộng ra nhiều tỉnh/thành trên cả nước.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, bản thân chị Kim Hoa cũng như các thành viên trong gia đình đều hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, tránh đến những nơi đông người; thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và mở cửa sổ cho nhà thông thoáng.
Ngoài ra, gia đình chị còn trang bị cồn rửa tay khô, khẩu trang đảm bảo để phòng lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Điều chị mong muốn nhất bây giờ là cộng đồng người Việt Nam tại Lào cùng chung tay với nhân dân Lào sớm đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống của mọi người sớm trở lại bình thường.
Chị Phạm Thị Huyền, đang sống tại thủ đô Vientiane, cũng bày tỏ nỗi lo lắng tương tự như chị Kim Hoa. Chị Huyền bộc bạch việc phong tỏa thủ đô làm cuộc sống gia đình chị đảo lộn.
Trước đây, hai con chị đi học bán trú ở trường. Hiện nay do các trường học đóng cửa, các con học trực tuyến ở nhà khiến chị vất vả và khó khăn hơn trong việc chăm sóc và quản lý con. Không đến trường, ngoài thời gian học trực tuyến, các con chị lười vận động chỉ thích xem tivi và sử dụng điện thoại. Đều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết đến nay ít nhất 56 người là con em kiều bào và người Việt tại Lào đã mắc COVID-19. Các bệnh nhân COVID-19 người Việt đều liên quan đến bệnh nhân 59 và những người đã bị nhiễm trước đó, tập trung ở các phường Thatluang, Naxay và Sisangvone.
Thành Hội người Việt Nam tại thủ đô Vientiane và Bộ Y tế Lào đang phối hợp truy vết các F1, F2 trong cộng đồng người Việt tại thủ đô Vientiane.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, chị Huyền hạn chế đến nơi đông người và thực hiện giãn cách xã hội; chỉ ra ngoài mua nhu yếu phẩm cần thiết. Khi ra khỏi nhà, chị thường xuyên đeo khẩu trang và luôn mang theo một chai xịt khuẩn, về đến nhà thì xịt khuẩn để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trước nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng, Hội người Việt Nam tại thủ đô Vientiane đã kêu gọi người Việt bình tĩnh, không hoang mang; những người có liên quan cần tích cực hợp tác khai báo với giới chức sở tại; thực hiện giãn cách, không rời khỏi nơi cư trú trừ trường hợp khẩn cấp.
Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane vẫn đang tiếp tục là đầu mối cập nhật thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ tư vấn các chính sách, quy định mới của Đảng và Nhà nước Lào cho người Việt sớm nắm được và chuẩn bị kế hoạch ứng phó kịp thời, từng bước ổn định đời sống và hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, theo tinh thần kêu gọi của Chính phủ Lào, Hội cũng đang vận động, hướng dẫn cộng đồng người Việt cách thức đăng ký để được tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã kêu gọi toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Lào bình tĩnh; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; cân nhắc kỹ việc về nước vào thời điểm hiện nay; nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp Chính phủ Lào đã ban hành; thực hiện giãn cách xã hội, không rời khỏi nơi cư trú trừ trường hợp cần thiết trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa...
Trong trường hợp khẩn cấp cần sự hỗ trợ hoặc có nguyện vọng xuất cảnh về nước, người Việt tại Lào liên hệ với đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào.
Người Việt Nam tại Lào nói chung và thủ đô Vientiane nói riêng chủ yếu là người làm ăn kinh doanh quy mô vừa và nhỏ.
Ngày 21/4, Chính phủ Lào ra chỉ thị phong tỏa thủ đô Vientiane, một lần nữa khiến hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ của người Việt bị gián đoạn, các quán ăn, cửa hàng phải tạm thời đóng cửa theo quy định.
Trước đó, tình hình làm ăn của bà con và doanh nghiệp đang dần khởi sắc và cơ bản có đà phục hồi tốt sau thời gian dài Đảng và Chính phủ Lào thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh kể từ giữa năm ngoái. Việc phải đóng cửa trở lại gây ra nhiều xáo trộn về đời sống cũng như lo lắng về vấn đề kinh tế.
Đồng thời, việc phong tỏa thủ đô Vientiane cũng khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu.
Để cuộc sống sớm trở lại bình thường, cộng đồng người Việt Nam ở Lào đều mong muốn Chính phủ Lào sớm kiểm soát được dịch bệnh, từ đó nới lỏng các quy định nghiêm ngặt để có thể trở lại làm việc, kinh doanh như trước đây; đồng thời được chính phủ tạo điều kiện tiêm ngừa vaccine phòng bệnh sớm để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Phạm Kiên-Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/giua-bon-be-kho-khan-nguoi-viet-tai-lao-kien-tri-chong-dich-covid19-20210504145218459.htm