PGS. Trần Đăng Xuân (giữa) và các cộng sự tại Đại học Hirosima (Nhật Bản).
|
Công trình của nhóm tác giả do PGS. Trần Đăng Xuân làm trưởng nhóm là công trình nghiên cứu đầu tiên tìm thấy tiềm năng mới trong cây cỏ lau xâm lấn (tên khoa học Andropongon virginicus), bao gồm chống oxy hóa, ức chế enzyme tyrosinase và tế bào ung thư.
Tiềm năng bất ngờ của cỏ dại
Để tìm ra các đặc điểm sinh học của cây cỏ lau xâm lấn, nhóm nghiên cứu của PGS. Trần Đăng Xuân đã ứng dụng nhiều phương pháp tách chiết công nghệ cao và phát hiện nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe.
Trong đó, chất phenolic có chức năng chống oxy hóa, chất rutin giúp tăng cường sức bền, axit palmitic có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ da, phytol là tiền chất sản xuất vitamin E tuvà K1. Đặc biệt, hợp chất etyl axetat giúp ức chế tế bào ung thư K562 có nguồn gốc từ bệnh bạch cầu tủy mãn tính.
Theo PGS. Trần Đăng Xuân, cỏ lau được xếp vào loài cây cỏ dại xâm lấn đất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu lần này cho thấy đây là thực vật tự nhiên có tiềm năng trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, công trình nghiên cứu này có ý nghĩa trong việc khai thác tiềm năng từ các hợp chất quý trong các cây xâm lấn tại Việt Nam, đặc biệt các hợp chất có khả năng ức chế tế bào ung thư. Các hợp chất được phát hiện trong cỏ lau xấm lấn sẽ mở đường cho việc phát triển các thuốc chữa trị ung thư có tiềm năng từ hợp chất thiên nhiên.
Nhóm nghiên cứu của PGS. TS Trần Đăng Xuân cũng đang kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam, như Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế, để khai thác tiềm năng các cây dược liệu quý của Việt Nam trong chữa trị bệnh cho người Việt Nam.
Tự hào nhà khoa học trẻ ở xứ người
PGS. Trần Đăng Xuân là nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Ông chuyên nghiên cứu chủ yếu về nhân giống cây trồng, bộ gien, khoa học cỏ dại, sản xuất nông nghiệp bền vững, hóa học hữu cơ, hóa học phân tích, năng lượng sinh khối.
Hiện nay, PGS. Trần Đăng Xuân - cựu sinh viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên có hơn 110 công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và 130 bài trong danh mục Scopus, với điểm H-index là 24.
Ông từng đoạt một số giải thưởng như Sao Tháng Giêng khi còn là sinh viên, đồng giải thưởng công trình xuất sắc nhất của Hội Khoa học Cỏ dại Nhật Bản năm 2010, giải thưởng Kusunoki của tỉnh Miyazaki, Nhật Bản năm 2008, giải thưởng nghiên cứu môi trường của Dầu mỏ Showa năm 2003.
Đặc biệt trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, PGS. TS Xuân Trần Đăng Xuân đã hai lần nhận giải thưởng Phoenix Outstanding Researcher Award dành cho các nhà khoa học trẻ dưới 45 tuổi của Đại học Hiroshima.
Năm 2018, ông còn nghiên cứu công trình khoa học và đã phát hiện trong gạo hữu cơ Ong Biển chứa 2 hợp chất Momilactone A (MA) và Momilactone B (MB) vô cùng quý hiếm, có hàm lượng cao hơn các loại gạo đặc sản Nhật Bản khác mà trường Đại học Hirosima từng kiểm chứng (MA cao gấp 100 lần, MB cao gấp 50 lần).
Vị Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hirosima (Nhật Bản) là một trong 100 nhà khoa học trẻ của Việt Nam tại nước ngoài tham gia chương trình Đổi mới Sáng tạo do Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức năm 2018.
(Theo baoquocte.vn)