“Việt Nam trước hết là Tổ quốc của tôi và có một quê hương thứ 2 là nước Nga. Đối với tôi, cả nước Việt và nước Nga đều rất sâu nặng. Cũng như nhiều nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới, chúng tôi sẵn sàng trở về để giúp Tổ quốc bằng trí tuệ, khả năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tôi trở về Việt Nam cũng như trở về với mẹ, như đứa con xa nhà lâu ngày, trở về trong vòng tay ấm áp của người mẹ.” – GS. Nguyễn Quốc Sỹ.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ (sinh năm 1967 tại Hà Nội) là nhà khoa học Vật lý và Công nghệ Plasma, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng Plasma nhiệt độ thấp, Giáo sư Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva (MPEI). Viện sĩ Hàn lâm Khoa học điện LB Nga, có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng nổi tiếng thế giới.
KHÁT KHAO TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC TỪ THỦA NIÊN THIẾU
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Sỹ ngày ấy đã luôn ấp ủ ước mơ trở thành nhà khoa học. Ước mơ ấy đã trở thành động lực cho anh suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình khi bố là giáo viên khoa Hóa Đại học Tổng hợp, mẹ là giáo viên dạy Toán trong trường phổ thông, Nguyễn Quốc Sỹ tốt nghiệp loại giỏi trung học phổ thông năm 1983, cùng năm đó anh vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào đại học và được chọn đi du học ở Liên Xô. “Tôi chỉ là một cậu học sinh nghèo như tất cả học sinh khác, mong muốn học giỏi để trở thành nhà khoa học. Đó là thời chiến tranh và sau chiến tranh, thời đó chúng tôi rất ngưỡng mộ những vị anh hùng lao động, phi công vũ trụ, những nhà khoa học, những người có thể đứng ra giúp đất nước. Đó là những tấm gương trong nhà trường và trong gia đình mà chúng tôi thường được nghe. Nhưng ước mơ đó phải được nuôi dưỡng và lớn dần lên mới thực sự trở thành một ước mơ. Và tôi đã quyết tâm theo đuổi ước mơ ấy đến cùng.” - Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ hồi tưởng lại thuở cắp sách đến trường và những nhân tố đầu tiên chắp cánh cho ước mơ trở thành nhà khoa học của anh sau này.
Trở thành Giáo sư khi 36 tuổi, Nguyễn Quốc Sỹ đã khẳng định trí tuệ, sự nỗ lực và thành công của người Việt tại một đất nước khoa học công nghệ phát triển rực rỡ như nước Nga. Hơn 30 năm gắn bó, đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma, nhà khoa học Nguyễn Quốc Sỹ từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006 và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012, Viện sĩ chính thức năm 2015. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý và công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học ở Nga và trên thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…
Trở thành Giáo sư khi 36 tuổi, Nguyễn Quốc Sỹ đã khẳng định trí tuệ, sự nỗ lực và thành công của người Việt tại một đất nước khoa học công nghệ phát triển rực rỡ như nước Nga. Hơn 30 năm gắn bó, đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma, nhà khoa học Nguyễn Quốc Sỹ từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006 và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012, Viện sĩ chính thức năm 2015. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý và công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học ở Nga và trên thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…
TRỞ VỀ ĐỂ CỐNG HIẾN
Năm 2016, tạm gác lại sự nghiệp sau 35 năm nghiên cứu tại Nga, GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ đã trở về Việt Nam, tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT, xây dựng nơi đây thành “mái nhà chung”, thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trên thế giới, trở về đóng góp trí tuệ dựng xây Tổ quốc.
Tại Việt Nam, kế hoạch lớn của anh và các cộng sự là triển khai xây dựng cho đất nước một mẫu Tập đoàn Khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại, đa ngành, kỳ vọng trở thành đầu tàu dẫn dắt và thực hiện các nhiệm vụ KHCN chiến lược cho đất nước. Tập đoàn KHCN này gồm có 03 đơn vị cơ bản, liên quan chặt chẽ trong tổ chức thực thi các nhiệm vụ KHCN khác nhau, bổ xung cho nhau và sử dụng chung nguồn lực tài chính, trang thiết bị, công nghệ và con người. Kế hoạch xây dựng 03 đơn vị này là:
- Phát triển Viện Công nghệ VinIT thành Viện công nghệ ứng dụng đa ngành, tập trung vào các nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao cho công nghiệp, nông nghiệp và môi trường, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2018-2023).
- Xây dựng Viện đại học công nghệ phi lợi nhuận cho Việt Nam nhằm mục tiêu chuẩn bị nguồn lực KHCN, cán bộ, chuyên gia cao cấp, kỹ sư cho các chuyên ngành khoa học công nghệ mũi nhọn mà đất nước đang cần như: công nghệ vật liệu đặc biệt, công nghệ điện tử, công nghệ xử lý rác, công nghệ xử lý nước và không khí, công nghệ xử lý và bảo quản nông sản, thực phẩm, các công nghệ y sinh và môi trường… (2020-2025).
- Xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao với các nhà máy và trung tâm chuyển giao công nghệ, thương mại và đầu tư, gắn nhiệm vụ sản xuất với thị trường và đầu tư, xây dựng thị trường công nghệ cho đất nước và tận dụng nguồn lực công nghệ cao của các nước trên thế giới và trong khu vực (2022-2027).
MỘT SỐ KẾT QUẢ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐÃ TRIỂN KHAI TẠI VIỆT NAM
Ngày 22/08/2019, Viện Công nghệ VinIT đã tiến hành thử nghiệm thành công đầu phát Plasma nhiệt công suất lớn 400 kW. Viện Công nghệ VinIT hoàn toàn làm chủ công nghệ này từ nghiên cứu thiết kế tới chế tạo, thử nghiệm và sẵn sàng sớm đưa công trình nghiên cứu này ứng dụng tại Việt Nam.
Viện Công nghệ VinIT tiến hành thử nghiệm thành công đầu phát Plasma nhiệt công suất lớn 400 kW
Đây là kết quả lao động không mệt mỏi, bền bỉ và sáng tạo của tập thể các nhà khoa học và chuyên gia Viện công nghệ VinIT trong tình hình rất khó khăn về điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất thiếu thốn và áp lực về thời gian nhằm đạt mục tiêu nhanh nhất là tìm ra công nghệ và giải pháp giải quyết vấn nạn của xã hội là chất thải rắn sinh hoạt một cách an toàn và hiệu quả. Với kết quả này, Việt Nam cũng chính thức ghi tên mình vào nhóm rất ít các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Nga,… có thể làm chủ và phát triển công nghệ Plasma cho xử lý chất thải, trong đó có cả các chất thải độc và cực độc.
Thành công của công trình nghiên cứu sáng tạo này mở ra những hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Plasma mới tại Việt Nam. Trong đó có việc xử lý triệt để rác thải rắn sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại mà không phát thải khí Dioxin và Furan (có trong chất độc da cam), đồng thời thực hiện chu trình biến rác thải thành tài nguyên có giá trị, tức là tạo ra điện (Waste-to-Energy). Ngoài ra, công nghệ xử lý rác bằng plasma sẽ đặt nền móng cho việc hình thành một ngành công nghiệp hoàn toàn mới – công nghiệp tái chế rác để thu hồi tài nguyên quý hiếm, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Ngày 20/04/2020, Viện Công nghệ VinIT đã thử nghiệm thành công Hệ thống khử khuẩn công nghệ plasma. Đây cũng là hệ thống đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ này cho khử khuẩn bề mặt trên diện rộng cho người và trang thiết bị, góp phần chống lây nhiễm chéo và diệt virus.
Trước đó, vào tháng 2/2020, Viện Công nghệ VinIT đã chế tạo thành công Hệ thống thử nghiệm khử khuẩn công nghệ plasma phục vụ cho việc thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của công nghệ cũng như làm mô hình cho thiết kế chế tạo Hệ thống khử khuẩn lớn. Các nhà khoa học của VinIT đã tiến hành thử nghiệm trên 1000 mẫu vi sinh vật. Kết quả thử nghiệm tốt, chứng minh hiệu quả của các cơ chế diệt khuẩn bằng plasma và cho phép triển khai thiết kế chế tạo Hệ thống khử khuẩn cho người và trang thiết bị.
Hệ thống khử khuẩn của Viện Công nghệ VinIT dùng các nguồn plasma lạnh cao thế, cao tần có khả năng khử khuẩn sâu bề mặt trên người, các dụng cụ y tế, khẩu trang, quần áo bảo hộ, tiền giấy, các thiết bị điện tử, smartphone và các vật dụng cần khử khuẩn khác, góp phần chống lây nhiễm chéo và diệt virus corona. Các nhà khoa học của VinIT đã có những phát minh, cải tiến triệt để về công nghệ và khoa học để có thể sử dụng các nguồn plasma lạnh có năng lượng thấp, công suất nhỏ cho nhiệm vụ khử khuẩn bề mặt trên diện rộng.
Hệ thống khử khuẩn của Viện Công nghệ VinIT ứng dụng nhiều cải tiến kỹ thuật và công nghệ của thế giới trong lĩnh vực plasma lạnh
Hệ thống này đã ứng dụng nhiều cải tiến kỹ thuật và công nghệ của thế giới trong lĩnh vực plasma lạnh với việc tích hợp 200 đầu phát plasma, làm việc ổn định ở điều kiện nhiệt độ thường và áp suất khí quyển, sử dụng nước và khí Ar, không dùng hoá chất, không có phóng xạ, không có kim loại nặng, an toàn cho con người và thân thiện với môi trường.
Hiệu quả khử khuẩn cao của công nghệ này do dùng khí ion từ các nguồn phát plasma so với dùng các loại dung dịch hóa chất. Các ion âm có khả năng oxy hóa cao, diệt vi khuẩn, virus và các vi sinh vật khác bao gồm cả nấm mốc, nấm men, bào tử, thậm chí cả ký sinh trùng. Khả năng khử khuẩn, diệt virus sâu bên trong các bề mặt có cấu trúc phức tạp trên người và trang thiết bị.
Hệ thống khử khuẩn bằng phương pháp plasma còn cho phép xử lý nhanh nông sản, thực phẩm, diệt các loại nấm mốc, nấm men, các loại vi khuẩn và vi sinh vật khác trên bề mặt mà không làm thay đổi cấu trúc và thành phần bên trong nông sản, thực phẩm. Tia plasma giúp giữ nguyên hương vị, giữ nguyên thành phần nước, muối và các khoáng chất, đảm bảo độ tươi sống các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Điều này góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra, hướng xuất khẩu cho nông sản Việt trước yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế .
Hệ thống khử khuẩn bằng phương pháp plasma cho phép xử lý nhanh mà không làm thay đổi cấu trúc và thành phần bên trong nông sản, thực phẩm
Viện Công nghệ VinIT cũng tiến hành nghiên cứu và chế tạo hệ thống PlasMed dùng cho chữa trị vết thương y tế, ứng dụng trong công nghệ thẩm mỹ.
Để đạt được những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà khoa học đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi nước mắt và cả sự hi sinh. Con đường nghiên cứu khoa học vốn không “trải hoa hồng” mà luôn nhọc nhằn với biết bao chông gai, thử thách. Nhưng hơn ai hết, họ đều mong mỏi những nghiên cứu của mình được ứng dụng vào cuộc sống, tạo nên những giá trị cho xã hội và GS Nguyễn Quốc Sỹ cũng không ngoại lệ.
“Đằng sau ánh hào quang xã hội nhìn thấy về nhà khoa học, đằng sau ánh hào quang xã hội được nhận từ những thành quả về nghiên cứu khoa học, đó là cả sự hy sinh. Nhiều sự hy sinh còn không được đền đáp, không được ghi nhận, nhiều nghiên cứu còn không có kết quả. Nhưng với niềm đam mê khoa học, khát khao cống hiến cho xã hội, cho Tổ quốc, tôi và những cộng sự của mình vẫn nguyện giữ trọn ngọn lửa nhiệt huyết ấy, để góp sức cho nền khoa học công nghệ nước nhà sẽ gặt hái thêm được nhiều trái ngọt!” – GS Nguyễn Quốc Sỹ trải lòng.
Mộc Lan
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/nha-khoa-hoc-nguyen-quoc-sy-voi-khat-khao-tro-ve-de-cong-hien-20201019151913996.htm
|