Sau hơn 1 tháng triển khai chương trình phổ biến vắcxin, đã có hơn 6.000 người được tiêm chủng loại vắcxin này, trong đó có 11 người Việt Nam làm việc tại Moskva tình nguyện tham gia.
Anh Hồ Anh Tuấn (quê Nghệ An) tự nguyện tham gia chương trình vắcxin vì mục đích kinh tế tại bệnh viện số 220 ở trung tâm Moskva. Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, từ đầu tháng 9/2020, chính quyền thành phố Moskva triển khai chương trình phổ biến vắcxin vì mục đích kinh tế dành cho mọi đối tượng công dân có nhu cầu tự nguyện tiêm chủng vắcxin Sputnik-V ngừa COVID-19.
Theo phóng viên tại Nga, sau hơn 1 tháng triển khai, đã có hơn 6.000 người được tiêm chủng loại vắcxin này, trong đó có 11 người Việt Nam làm việc tại Moskva tình nguyện tham gia chương trình.
Anh Hồ Anh Tuấn (quê Nghệ An) là một trong những người Việt Nam đầu tiên tại Moskva tình nguyện tham gia chương trình vắcxin vì mục đích kinh tế do chính quyền thành phố Moskva triển khai từ đầu tháng 9/2020.
Anh Tuấn sang Nga làm việc được hơn 10 năm nay, công việc chính là kinh doanh các mặt hàng quần áo tại các chợ ở Moskva. Do điều kiện làm việc trong không gian chật hẹp, thường xuyên tiếp xúc đông người nên anh Tuấn rất lo sợ nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Khi được biết chính quyền thành phố Moskva triển khai chương trình vắcxin vì mục đích kinh tế dành cho mọi đối tượng người dân, anh Tuấn và gần 20 người Việt Nam cùng làm việc tại các chợ ở Moskva đã tình nguyện đăng ký tham gia.
Anh Tuấn cho biết, sau khi nộp đơn đăng ký, anh và cả nhóm được mời đến bệnh viện số 220 ở trung tâm thành phố Moskva để tiến hành các xét nghiệm sàng lọc. Theo quy định của bệnh viện, trước khi tiêm vắcxin, các tình nguyện viên được xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch mũi họng. Trong số gần 20 người Việt Nam đăng ký làm xét nghiệm, có 11 người đủ điều kiện và đã được tiêm vắcxin Sputnik-V ngừa COVID-19.
Trao đổi với phóng viên tại Moskva, Hồ Anh Tuấn cho biết sau khi tiêm vắcxin, tình hình sức khỏe ổn định, buổi tối đầu tiên có sốt nhẹ và ngày hôm sau trở lại bình thường. “Tham gia chương trình tiêm vắcxin chúng tôi được các bác sỹ Nga khám và tư vấn tận tình, được làm các xét nghiệm và cung cấp bảo hiểm sức khỏe. Sau khi được tiêm vắcxin tôi cảm thấy phấn khởi và được yên tâm phần nào khi đi làm việc”, anh Hồ Anh Tuấn cho biết.
Cùng tham gia tiêm vắcxin trong đợt này có chị Hoàng Kiều Loan, sinh năm 1999, quê Quảng Bình. Sang Nga làm việc được hơn hai năm tại một tiệm làm tóc ở gần khu vực chợ Sadavod, cô gái quê Quảng Bình không khỏi lo lắng khi có nhiều người Việt bị dương tính với COVID-19, trong đó có người đã tử vong.
Chị Loan cho biết, khi có tin chính quyền Moskva công bố mở rộng diện chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cô đã lên mạng đăng ký online và trải qua các xét nghiệm cần thiết trước khi được tiêm vắcxin Sputnik-V.
Chị Hoàng Kiều Loan tham gia chương trình tiêm thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 Sputnik-V. Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN
Phóng viên tại Moskva đã liên hệ với bác sỹ Angela Viktorovna hỗ trợ nhóm những người Việt vừa được tiêm vắcxin và được biết tất cả những người được tiêm đều có sức khỏe ổn định, một số người đã có phản ứng ban đầu với vắcxin như hắt hơi, sốt nhẹ.
Bác sỹ này cho biết, những người tham gia chương trình vắcxin vì mục đích kinh tế của thành phố Moskva sẽ được theo dõi và kiểm tra sức khỏe trong vòng 180 ngày kể từ sau khi tiêm chủng.
Bác sỹ Viktorovna khẳng định vắcxin Sputnik-V đã trải qua hai chu trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện trước khi được cấp phép đăng ký chính thức. Các kết quả thử nghiệm cho thấy loại vắcxin do Nga sản xuất hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe.
Vắcxin không chứa bất kỳ thuộc tính virus nào và vì vậy khả năng bị ốm hay lây truyền bệnh cho những người khác từ những người tiêm vắcxin hoàn toàn bị loại trừ. Ngoài ra, tất cả những người tham gia đều được cung cấp bảo hiểm sức khỏe miễn phí cùng với cam kết được bồi thường trong trường hợp bị tổn hại sức khỏe do việc tiêm vắcxin gây ra.
Vắcxin Sputnik-V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya bào chế. Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN
Bác sỹ Maria Skabrovna - người trực tiếp thăm khám cho những người Việt Nam, cho biết quá trình tiêm chủng vắcxin sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn với hai lần tiêm cách nhau 21 ngày. Những người được tiêm vắcxin sẽ hình thành cơ chế kháng virus gây bệnh COVID-19 nhờ kháng thể được tạo ra từ vắcxin.
Theo bác sỹ Skabrovna, các tình nguyện viên tham gia chương trình được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, được cung cấp phần mềm ứng dụng theo dõi sức khỏe và tư vấn online trên điện thoại di động. Các bác sỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc đối với tình nguyện viên nếu có diễn biến bất thường về tình trạng sức khỏe sau khi tiêm vắcxin.
Chương trình tiêm chủng vắcxin vì mục đích kinh tế được chính quyền thành phố Moskva phát động từ đầu tháng 9/2020 tại gần 20 cơ sở y tế, được xem là một trong những biện pháp giúp chính quyền địa phương nhanh chóng ổn định tình hình lây lan COVID-19. Chương trình này nằm trong tiến trình nghiên cứu thử nghiệm bổ sung vắcxin Sputnik-V trên diện rộng tại Nga sau khi được cấp phép đăng ký từ tháng 8/2020.
Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho biết đã có hơn 6.000 người dân thành phố và công dân nhiều quốc gia đã tham gia tiêm chủng, tất cả những người tham gia tiêm vắcxin đều có sức khỏe ổn định.
Theo lãnh đạo thành phố Moskva, chương trình vắcxin vì mục đích kinh tế góp phần phổ biến vắcxin Sputnik-V do Nga sản xuất và mở rộng đối tượng được tiêm chủng ngừa COVID-19, bao gồm người già tuổi và trẻ em. Dự kiến, việc sản xuất hàng loạt theo quy mô công nghiệp đối với vắcxin Sputnik-V sẽ diễn ra vào tháng 1/2021.
Tính đến ngày 12/10, Liên bang Nga có thêm 13.592 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 85 chủ thể trên cả nước, thủ đô Moskva có 4.395 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt qua mốc 1,3 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người đã được chữa khỏi bệnh, hơn 22 nghìn trường hợp tử vong./.
Trần Hiếu-Hồng Quân / Vietnam+
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/nguoi-viet-tai-nga-tham-gia-chuong-trinh-vacxin-ngua-covid19-20201013102254703.htm
|