Với những sáng chế, ứng dụng bắt kịp xu thế, các nhà khoa học kiều bào đã và đang có những đóng góp thiết thực cho nền khoa học và đời sống, đặc biệt trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bên cạnh cuộc đua sản xuất vắc xin của các nhà khoa học trên thế giới thì cũng đã có rất nhiều phát minh, sáng chế ra đời để ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Trong đó có cả những sáng chế mang tính thực tiễn, ứng dụng cao của các nhà khoa học kiều bào. Buồng khử khuẩn ứng dụng công nghệ plasma lạnh của nhà khoa học kiều bào Nga - Nguyễn Quốc Sỹ và khẩu trang ứng dụng công nghệ graphene của nhà khoa học trẻ hiện đang định cư tại Mỹ - Lê Tùng Linh là những ví dụ điển hình.
Buồng khử khuẩn ứng dụng công nghệ Plasma lạnh
Khi dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới và xuất hiện tại VN cũng là lúc Giáo sư (GS), Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ cùng các nhà khoa học trong nước và các cộng sự của mình nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu ứng dụng buồng khử khuẩn để diệt khuẩn bề mặt trên diện rộng và trên cơ thể người bằng plasma lạnh, trong điều kiện áp suất khí quyển và nhiệt độ thường.
Với hơn 30 năm nghiên cứu công nghệ plasma tại LB Nga, GS Nguyễn Quốc Sỹ từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006 và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý công nghệ plasma được biết đến trong giới khoa học không chỉ ở nước Nga. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…
GS Nguyễn Quốc Sỹ giới thiệu buồng khử khuẩn bằng plasma lạnh
Xa đất nước từ năm 17-18 tuổi để sang Nga du học, ông luôn phấn đấu học tập tốt để sau này đem trí tuệ trở về xây dựng đất nước. Gác lại phía sau sự nghiệp 30 năm nghiên cứu tại Nga, ông trở về VN để đảm nhận trọng trách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech – nơi có hệ thống quản trị, hệ sinh thái, môi trường tốt để những nhà khoa học thực hiện các đồ án khoa học công nghệ.
Plasma lạnh áp suất khí quyển lần đầu tiên được ứng dụng điều trị lâm sàng ở Đức từ năm 2005 mở ra một kỷ nguyên của “thuốc plasma”. Tại VN, những năm gần đây, trong một số bệnh viện cũng đã đưa plasma lạnh vào ứng dụng điều trị các vết thương hở. Chiếu tia plasma lạnh không chỉ diệt khuẩn, mà còn kích thích quá trình lành vết thương. Đặc biệt, plasma còn có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Dựa trên nền tảng phát minh của thế giới, GS Nguyễn Quốc Sỹ cùng nhóm các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước đã phát minh công nghệ mới trong việc diệt khuẩn bề mặt trên diện rộng và trên cơ thể người bằng plasma lạnh, trong điều kiện áp suất khí quyển và nhiệt độ thường. Phát minh này đã khắc phục hoàn toàn yếu điểm và cũng chính là đặc tính của plasma lạnh: đó là năng lượng thấp và yếu, tia nhỏ. “Trên cơ sở thực nghiệm đã chứng minh rằng công nghệ của chúng tôi sử dụng plasma lạnh có thể khử khuẩn bề mặt và trong không khí trên diện rộng, trên người và có thể ứng dụng để diệt virus Corona. COVID-19 không những là mối hiểm họa lớn cho con người, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của toàn thế giới. Chúng tôi đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm thành công, kết quả rất tốt và sẵn sàng đưa ứng dụng công nghệ này phục vụ xã hội”, GS Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ ngay sau khi giai đoạn thử nghiệm ứng dụng mới hoàn tất.
Trước sức ép của tiến độ và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sau những nỗ lực và tâm huyết của toàn bộ ê-kíp, trong tháng 3/2020, GS Nguyễn Quốc Sỹ đã đóng điện vận hành thiết bị thành công buồng khử khuẩn bằng plasma lạnh, có thể sẵn sàng đưa vào ứng dụng trong diệt khuẩn phòng chống COVID-19. Buồng khử khuẩn này được lắp đặt gồm hơn 200 đầu plasma với hệ thống gần 10 km dây điện và gần 6000 mối nối, là thành quả của trí tuệ, công sức, tâm huyết của hàng chục kĩ sư, thợ máy đã làm việc ròng rã, chạy đua với thời gian. “Đây là một thành quả lao động miệt mài, sự hy sinh của rất nhiều người. Với cá nhân tôi, gia đình tôi thì đó cũng là một trong những thành quả hiện thực hóa ước mơ được trở về để cống hiến cho đất nước mình”, GS Nguyễn Quốc Sỹ xúc động chia sẻ.
Phát minh công nghệ mới này là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà và có tính ứng dụng cao. Buồng khử khuẩn được thiết kế tích hợp thiết bị kiểm tra an ninh đặt tại sân bay, bệnh viện, các cơ quan, xí nghiệp, các tòa nhà đông người… sẽ có thể tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, virus trên bề mặt tiếp xúc, ngăn chặn, hạn chế lây nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt là dịch COVID-19 hiện nay. Công nghệ này còn được ứng dụng trong việc diệt khuẩn, nấm mốc trên bề mặt hoa quả, thực phẩm với giá thành thấp, hiệu quả cao và an toàn tuyệt đối, không gây biến tính vật liệu, không để lại dư lượng có hại. Đây cũng sẽ là một hứa hẹn lớn trong việc giải quyết đầu ra, hướng xuất khẩu cho nông sản Việt.
Khẩu trang ứng dụng công nghệ Graphene
Tiến sĩ Lê Tùng Linh (sinh năm 1984, hiện đang định cư tại New York, Mỹ) – Giám đốc điều hành Công ty Bonbouton - vốn không còn là cái tên xa lạ với cộng đồng khởi nghiệp của người Việt tại Mỹ. Được biết đến khi là nhà khoa học chuyển hướng sang kinh doanh, khát khao đem khoa học công nghệ hiện đại ứng dụng vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cái tên Linh Lê vốn gắn liền với sản phẩm đế giày “thông minh” ứng dụng cảm biến sử dụng công nghệ in nano trong vật liệu graphene cho người bị tiểu đường, nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ hoại tử ở bàn chân của bệnh nhân.
Tiến sĩ Lê Tùng Linh giới thiệu về sản phẩm khẩu trang graphene Graphene là vật liệu làm từ carbon nguyên chất có độ dày chỉ tương đương một nguyên tử, nhưng lại cứng gấp 200 lần so với thép, mặc dù mỏng hơn túi bọc thực phẩm tới 60.000 lần, có tính năng dẫn điện và dẫn nhiệt cực tốt. Đây là loại vật liệu dạng nano chiều phổ biến, có triển vọng đầy hứa hẹn sử dụng trong các ngành hàng không, năng lượng và dược phẩm sinh học.
Từ bước đầu thành công của sản phẩm đế giày “thông minh”, khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, nơi Linh Lê đang định cư và lập nghiệp, anh cùng nhóm nghiên cứu, các cộng sự của mình tại Bonbouton đã quyết tâm nghiên cứu, sáng chế một vật dụng thiết thực để góp phần phòng chống dịch bệnh, đó chính là “khẩu trang graphene”. Nhận thấy đây cũng là cơ hội kinh doanh mới cho Công ty, chỉ sau 5 tuần, sản phẩm khẩu trang graphene mang thương hiệu Bonbouton đã chính thức “ra lò”.
Điểm đặc biệt nhất của chiếc khẩu trang này và cũng là điểm khác biệt so với loại khẩu trang thông thường đó là miếng lót ứng dụng công nghệ graphene. Công nghệ này được đưa vào một miếng lót ở giữa chiếc khẩu trang, và miếng lót được thiết kế rất đặc biệt để có thể chống được virus Corona. Ngoài ra nhóm sáng chế cũng đã ứng dụng thêm một số công nghệ khác để có thể ngăn chặn được những hạt li ti chứa những phân tử virus bám vào bề mặt khẩu trang. “Đây là một vật liệu tương đối mới trong ngành nghiên cứu hiện nay. Nếu mọi người bên cạnh bạn hắt xì hơi thì những phân tử nước khi bắn vào đây sẽ trôi đi luôn. Thứ hai là nếu các phân tử virus có đọng trong các phân tử graphene này thì chúng cũng sẽ bị tiêu diệt”, Linh Lê chia sẻ thêm về tính năng đặc biệt của sản phẩm khẩu trang graphene.
Những chiếc khẩu trang của Công ty Bonbouton
Bên cạnh đó khẩu trang graphene còn có thể tái sử dụng tới 50 lần nếu miếng lót được giặt bằng nước sạch, không sử dụng xà phòng hay chất tẩy rửa. Qua đây cũng góp phần bảo vệ môi trường khi các sản phẩm khẩu trang dùng 1 lần, khẩu trang y tế đang trở thành vấn nạn rác thải khẩu trang đối với thế giới.
Ngay sau khi được sản xuất, khẩu trang graphene đã được bán tại Mỹ, Canada và một số nước châu Âu với giá khoảng 20 USD và cũng đã xuất hiện tại VN. Khi được hỏi về mục tiêu tới đây của Bonbouton với sản phẩm mới này, Linh Lê cho biết: “Tôi cũng rất may mắn khi đã làm việc với một số nhà thiết kế, nhà phân phối ở VN để có thể đưa được khẩu trang graphene về VN. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ tìm cách làm việc với những nhà sản xuất tại VN, để có thể hạ thấp giá thành sản phẩm, phù hợp hơn với thị trường và người tiêu dùng trong nước”.
Với những sáng chế, ứng dụng bắt kịp xu thế, các nhà khoa học kiều bào đã và đang có những đóng góp thiết thực cho nền khoa học và đời sống, đặc biệt trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành. Qua đây cũng góp phần khẳng định cho trí tuệ Việt trên thế giới.
Mộc Lan
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/nhung-sang-che-phong-chong-covid19-cua-cac-nha-khoa-hoc-kieu-bao-20200825162328643.htm
|