Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan liên quan khác.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu khai mạc
|
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch ALOV - cho biết việc dạy và học tiếng Việt hiện nay đang là xu thế tất yếu. Đất nước đang mở cửa hội nhập mạnh mẽ. Với cộng đồng hơn 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng số lượng lớn người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu và học tiếng Việt ngày càng đông, rất nhiều cơ sở đào tạo tiếng Việt đã được tổ chức ở cả trong và ngoài nước. Vì vậy việc biên soạn phương pháp dạy tiếng Việt mới là xu thế tất yếu để đáp ứng với tình hình hiện nay.
Đại sứ cũng khẳng định: “ALOV không chỉ bảo trợ về tinh thần, mà cũng sẽ quảng bá rộng rãi bộ học liệu đến cộng đồng người Việt Nam ở các nước. Chúng tôi còn có một số dự án khác như dạy tiếng Việt trực tuyến cho giới trẻ NVNONN, dự án dạy tiếng Việt thông qua truyện cổ tích song ngữ, dự án âm nhạc “Tôi yêu tiếng nước tôi” dự kiến tổ chức cuối năm nay. Chúng tôi tin nếu chúng ta phối hợp với nhau, chắc chắn những dự án này sẽ thành công, tạo nên một sức mạnh cộng hưởng, mang lại lợi ích cho cộng đồng NVNONN và cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam”.
Theo PGS. Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký ALOV, nhu cầu giao lưu văn hóa giữa cộng đồng ở xa Tổ quốc với đất nước, giữ gìn và phát triến tiếng Việt trong cộng đồng là rất lớn và trở nên cấp thiết song chưa được đáp ứng đầy đủ. Quy mô và chất lượng dạy và học tiếng Việt cho NVNONN ở các quốc gia và khu vực rất khác nhau.
Trên thực tế, chưa có một giáo trình nào được xem là đáp ứng toàn diện nhu cầu chuyên môn. Giáo trình của các trường Đại học ở Việt Nam thường có xu hướng “hàn lâm” nên chưa thật phù hợp với nhu cầu học là để giao tiếp đơn giản hằng ngày. Giáo trình của các tác giả NVNONN có ưu điểm là phù hợp thực tế bản ngữ nhưng từ ngữ lại ít cập nhật, gây ra sự khác biệt về phương ngữ giữa người trong nước và ở nước ngoài.
Cuốn sách "Xin chào Việt Nam"
|
Bộ học liệu “Xin chào Việt Nam” do Tập đoàn NTEA tổ chức biên soạn và phát hành với sự bảo trợ của ALOV đáp ứng cao chủ trương của Hội là tăng cường mạnh mẽ các học liệu số dạy và học tiếng Việt dành cho đối tượng là bà con kiều bào ở khắp năm châu. Mặt khác, bộ học liệu này còn rất hữu hiệu trong việc dạy tiếng Việt cho đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và người nước ngoài ở các nơi trên thế giới. “Xin chào Việt Nam” được dạy thí điểm trong thời gian qua đã mang lại những kết quả rất khả quan. Đây là bộ học liệu dạy và học tiếng Việt thứ 2 (bên cạnh bộ học liệu trực tuyến “Em học tiếng Việt” dành cho thiếu nhi) được Hội phối hợp với các đối tác cho ra mắt phục vụ cộng đồng kiều bào hiện nay.
Tại buổi lễ, bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Hanaspeak, chủ biên bộ học liệu đã giới thiệu chương trình học bao gồm sách và phần mềm học trực tuyến được xây dựng trong 8 năm qua. Cuốn sách có các chủ đề xoay quanh những câu chuyện đời thường với hy vọng rằng qua các câu chuyện và bài học gắn với thực tế, độc giả sẽ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Cuốn sách được tích hợp với một phần mềm học trực tuyến, được gọi là sách nói (speaking ebook), bao gồm chức năng thực hành nói và chấm điểm (với 18 chủ đề và hơn 1000 từ vựng), cùng các bài tập nghe, viết…
Đại biểu tham dự sự kiện bấm nút mở ra mắt chương trình học
|
Thay mặt khách mời, ông Đinh Hoàng Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đánh giá cao nỗ lực của Hội Liên lạc với NVNONN và các đối tác trong việc hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho kiều bào ta và người nước ngoài; tin tưởng rằng với sản phẩm công phu, chất lượng, bộ học liệu “Xin chào Việt Nam” sẽ góp phần gắn kết người Việt trong và ngoài nước thông qua niềm đam mê đối với ngôn ngữ dân tộc.
Mai Phương
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/ra-mat-chuong-trinh-day-tieng-viet-cho-kieu-bao-va-nguoi-nuoc-ngoai-20200624155010071.htm