Người Việt tại Nga giúp đỡ nhau trong đại dịch Covid-19 Người Việt tại Nga giúp đỡ nhau trong đại dịch Covid-19 , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Không chỉ giúp đỡ những người đồng hương vượt qua đại dịch Covid-19, người Việt tại Nga còn tích cực may khẩu trang để quyên tặng giữa lúc mặt hàng này khan hiếm.
Đại dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho tới nay đã làm hơn 3,5 triệu người mắc bệnh và hơn 250.000 người tử vong khắp thế giới. Dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới điêu đứng và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nước Nga, mà tâm điểm là thủ đô Mátxcơva, đang trải qua những ngày rất khó khăn. Mặc dù Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ sớm nhưng vì Mátxcơva là trung tâm lưu chuyển với lượng người qua lại nhiều hàng ngày nên tình hình lây nhiễm trở nên nghiêm trọng.
Cho tới nay Nga đã ghi nhận 155.370 ca mắc và gần 1.500 người tử vong, trở thành nước có số người mắc bệnh cao thứ 7 thế giới. Riêng thủ đô Moscow có hơn 80.000 ca nhiễm và 866 ca tử vong tính tới ngày 5/5.
Người Việt tại Nga cũng nằm trong tình hình khủng hoảng chung đó. Cộng đồng người Việt tại Nga nói chung, tại Mátxcơva nói riêng, chủ yếu sống quây quần trong các khu ngoại giao đoàn, hoặc các khu chung cư thuê lại của người địa phương, hay khu Trung tâm thuơng mại Hà Nội-Mátxcơva …
Hiện nhiều gia đình, cá nhân người Việt cũng gặp khó khăn bởi lệnh cách ly xã hội của chính quyền từ 23/4 đến nay (lệnh này dự kiến kết thúc vào ngày 11/5 nhưng nhiều khả năng sẽ được gia hạn tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh). Đa số bà con người Việt tại Nga làm ăn bán buôn tại các chợ trên địa bàn thủ đô cũng như ở thành phố xa.
Theo quy định lệnh cách ly, không ai được phép đi lại ngoài đường, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, cảnh báo, thậm chí là bị phạt lao động công ích. Vì thế, khi chợ bị đóng cửa, không có nguồn thu nhập, sự tích trữ hay tiết kiệm cũng chỉ có hạn, khó khăn càng gia tăng. Các nhà hàng, quán ăn của người Việt phải đóng cửa. Các xưởng may cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, trong khó khăn, tình đồng hương, đồng bào của người xa xứ lại thể hiện rõ nét hơn. Các nhóm nhỏ hoạt động riêng rẽ ở các thành phố xa, nổi bật là “Nhóm tương trợ cộng đồng” tại Mátxcơva do anh Đỗ Quý Dương khởi xướng, và một số cá nhân như anh Hồ Sĩ Bằng (Mátxcơva), đã giải đáp thắc mắc về xử lý dịch bệnh, dịch thuật, liên lạc với nhà chức trách, ngành y tế địa phương, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần… cho những bà con gặp khó khăn.
Các hội đồng hương, các hội đoàn, cơ quan đại diện người Việt tại Nga cũng chung tay góp sức giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn nơi đất khách. Các nhóm dịch thuật ra đời là vì bà con tiểu thương ở chợ vốn ngoại ngữ có hạn, hiểu biết về cách thức đối phó dịch bệnh với nhà chức trách cũng hạn chế, lại thêm sự rụt rè, e ngại, lo lắng…nên rất cần sự quan tâm của cộng đồng.
Hiện nay, có một số bà con có nhu cầu trở về nước do hoàn cảnh khó khăn và nỗi lo dịch bệnh. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đang sắp xếp bố trí theo hình thức ưu tiên cho những bà con có nhu cầu khẩn thiết như người già, trẻ em. Đợt về nước đầu tiên sẽ vào ngày 12/5 tới.
Một hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt tại Nga được dư luận người dân địa phương, truyền thông Nga khen ngợi là các nhóm tự nguyện may hàng trăm chiếc khẩu trang làm quà tặng cho người dân Nga đặt ở những nơi công cộng hay mang đến từng khu chung cư.
Không chỉ tặng hàng ngàn chiếc khẩu trang tự may, bà con người Việt còn phát tặng những túi quà thực phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày nho nhỏ cho người dân địa phương.
Mặc dù cộng đồng người Việt tại Nga đang gặp muôn vàn khó khăn do đại dịch nhưng hoạt động may khẩu trang phát tặng vẫn đang được nhân rộng trong cộng đồng.