Du học sinh Việt quyết định “Ở yên khi Tổ quốc cần“ và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tâm từ Hội sinh viên, cộng đồng người Việt tại Úc khi đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao và các nguy cơ dịch bệnh.
Ảnh minh họa.
Giá cả tăng cao và các mối nguy cơ
Nguyễn Yến Nhi - sinh viên năm nhất ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học La Trobe (Sydney, Úc) cho biết trường học của cô mới chỉ quyết định chuyển sang hình thức học online từ tuần trước. Do vậy, để theo chương trình học, Yến Nhi vẫn đang ở Sydney.
Ngoài thời gian học online, ngôi trường này vẫn tổ chức các kỳ kiểm tra kiến thức. sinh viên phải tới trường để làm bài kiểm tra.
Nguyễn Yến Nhi (du học sinh Đại học La Trobe) cho hay cô ổn vì đã chuẩn bị tốt cho sự bùng phát của Covid-19 ở Úc nhưng vẫn còn đó các nguy cơ.
"Chỉ cần ai đó trong lớp ho hay là hắt hơi là tất cả mọi người đều e ngại. Đến trường đông người không an toàn trong thời điểm dịch bệnh nhưng đó là việc sinh viên phải làm", Yến Nhi nói.
Hàng ngày, Nhi hầu như chỉ ở trong nhà, tự cách ly xã hội để bảo vệ mình. Cô dành 1 lần/tuần vào mỗi Chủ nhật để tới siêu thị, mua thêm nhu yếu phẩm.
"Nhìn chung người dân Úc ít sử dụng khẩu trang. Chỉ bộ phận người Châu Á, trong đó đa phần là người Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Cho tới tận ngày 5/4, nhiều người dân Úc vẫn đi tắm biển và chính quyền đã phải đóng cửa bãi biển để hạn chế tụ tập đông người", Yến Nhi cho biết.
Nữ sinh này cũng như rất nhiều sinh viên khác cho tới nay đang phải gánh thêm chi phí sinh hoạt tăng cao hàng tháng do giá cả hàng hóa tăng cao.
"Mọi thứ đều lên giá, từ thực phẩm tươi cho tới đồ đóng hộp. Đặc biệt là giấy vệ sinh. Nếu như trước đây, chỉ 2-3 đô la Úc có thể mua được một dây giấy vệ sinh thì nay số tiền đó chỉ mua được 1 cuộn", du học sinh này cho hay.
Yến Nhi chia sẻ hình ảnh kệ hàng thực phẩn gần như trống cô thường xuyên gặp phải những ngày gần đây.
Điều tồi tệ khi dịch bệnh bùng nổ là rất nhiều người mất việc, không có thu nhập. Văn phòng hỗ trợ thất nghiệp ở Sydney luôn có một hàng người dài xếp hàng cả kilomet.
Còn anh Nguyễn Duy Duy - nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Sydney và bạn bè của anh đã nhận được một email của chủ nhà cho thuê cách đây 1 tuần với nội dung khá gay gắt muốn những người thuê trọ không được quịt/chậm tiền nhà vào giai đoạn này; đồng thời khẳng định sẽ không giảm giá cho bất kỳ ai.
Chủ nhà nơi anh Duy Duy thuê trọ gửi email nói người nhập cư mất việc vì Covid-19 nên nhanh chóng lên máy bay hồi hương. Chủ nhà cho rằng nếu ở lại chờ đợi cơ hội sẽ là vô trách nhiệm.
Đáng buồn là trong bức thư, chủ nhà phân chia ra 4 dạng người thuê nhà.
Người Úc nếu vẫn có công việc vẫn có thể trả tiền nhà thì không có gì thay đổi. Người Úc nếu mất việc được giới thiệu các trang web tìm việc và được khuyên chuyển sang trạng thái “sinh tồn”.
Người nước ngoài vẫn có thể trả tiền được cũng sẽ không có bất cứ điều gì thay đổi. Cuối cùng, người nước ngoài nếu như vừa bị mất việc và không trả được tiền nhà thì bức thư thẳng thắn bảo rằng những người này nên về nước ngay.
Nội dung này được in đậm và in hoa để chỉ rõ thái độ của người gửi.
"Cùng khu nhà mình thuê có một bạn gái người Đức làm trong ngành phim ảnh, hiện tại cũng mất việc và số tiền tiết kiệm chỉ đủ cho một vài tuần tới. Cô ấy đã khóc khi đọc bức thư này và kể rằng những lời lẽ của người viết như cứa sâu vào da thịt của bạn ấy", anh Duy chia sẻ.
dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát
Ở một góc nhìn tổng thể, anh Nguyễn Duy Duy cho rằng chính quyền đang kiểm soát dịch bệnh bằng nhiều biện pháp có hiệu quả.
"Từ những ngày đầu có dịch, đã có hiện tượng mua hàng ào ạt ở siêu thị, các mặt hàng như giấy vệ sinh, đồ khô, mì, gạo, đều gặp tình trạng cung không đủ cầu và bay sạch trên kệ cả tháng qua.
Sau đó, dựa vào số ca và tốc độ phát triển của virus, Chính phủ bắt đầu ra các luật cách ly tại nhà, cách ly tập trung, tuyên truyền mạnh mẽ hơn và rồi đóng cửa toàn bộ biên giới.
Hiện tại, Úc đang áp dụng cách ly xã hội. Úc phạt rất nặng, có thể lên tới 11.000 AUD cho một cá nhân nếu vi phạm. Cảnh sát và quân đội tuần tra rất rộng nên phần lớn người dân đang chấp hành. Đường xá vắng vẻ, hầu hết mọi người đều ở trong nhà", Anh Duy nói.
Đến ngày hôm nay, Úc có gần 6.000 ca mắc Covid-19, 48 người chết, tuy nhiên chỉ có hơn 200 ca phải nằm viện và một số nhỏ trong đó phải dùng máy thở, hơn 310.000 người đã được xét nghiệm.
"Mình không quá lo lắng với tình hình trước mặt. Từ ngày áp dụng biện pháp cách ly xã hội, số ca nhiễm của Úc đã theo đà đi xuống với số ca mới hằng ngày giảm rõ rệt.
Một số mô hình dự đoán rằng nếu mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát như hiện tại, có thể dịch ở Úc sẽ được khống chế trong vòng 3 tháng nữa.
Biểu đồ dịch bệnh đang được giãn ra, đường cong đang được làm phẳng dần dần. Có nghĩa là nó sẽ kết thúc, sớm hay muộn", anh Duy tin tưởng.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Duy Duy chia sẻ hình ảnh đường phố Sydney vắng tanh giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ. Đa số thời gian anh làm việc online, thỉnh thoảng lên phòng thí nghiệm.
Anh Duy tiến hành công việc việc giảng dạy qua hệ thống online.
Ngoài nghiên cứu, anh Duy cũng làm công việc giảng dạy tại trường. Công việc của anh cũng đã được chuyển toàn bộ qua trực tuyến. Các nhân viên ĐH Sydney đều được khuyên là làm việc ở nhà nếu có thể. Nhóm nghiên cứu của anh cũng là một trong những người tham gia vào việc cải tạo hệ thống của trường để chuyển qua dạy và học trực tuyến.
"Chỉ có một tuần để chuyển đổi mọi thứ qua online, với một số lượng công việc khổng lồ. Nếu bình thường không dưới áp lực của Covid-19, có lẽ những công việc như thế này sẽ làm trong nhiều tháng", anh Duy lấy ví dụ cho thấy sức ép của dịch bệnh buộc mọi người phải thay đổi.
Ngoài làm việc, anh Duy tìm cách để giảm sự cô đơn và lo lắng vì ở trong nhà nhiều bằng cách học thêm các khoá học mới, tập thể dục, chơi đàn, đọc sách và vẽ. Ngoài ra, anh cũng gọi điện về cho gia đình ở Việt Nam thường xuyên hơn.
Anh Duy cũng nhắn nhủ thêm rằng, ngoài những điều tệ giữa dịch bệnh cũng có vô vàn điều tốt. Hàng xóm của anh Duy là chủ nhà hàng ăn uống phải đóng cửa vì lệnh cấm nhưng vẫn quyết định đặt bàn với các suất ăn miễn phí để trước cửa nhà cho những người khó khăn trong thời gian này có thế đến lấy mang về.
Các siêu thị có giờ mua sắm riêng dành cho người già và nhân viên y tế để những thành phần “dễ tổn thương” này có thể vượt qua được dịch.
Tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn của người Việt
Vấn đề được tất cả người Việt đang sinh sống tại Úc quan tâm nhất hiện nay là chính sách của Úc dành cho người nhập cư trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo anh Nguyễn Duy Duy, chính sách này có thể nói ngắn gọn rằng nếu không phải công dân Úc hay có giấy tờ thường trú thì phải tự lo lấy tài chính của bản thân, nếu không thể làm điều đó thì nên tìm cách về nước, Chính phủ Úc sẽ không hỗ trợ tài chính. Anh Duy có công việc ổn định nên không bị ảnh hưởng bởi chính sách mới này.
Còn với các sinh viên như Yến Nhi, các bạn đều đã đóng bảo hiểm bắt buộc dành cho sinh viên và sẽ được hỗ trợ y tế trong tình huống nhiễm bệnh.
Đó chính là lí do cô quyết định ở lại, giảm thiểu nguy cơ cho chính mình và cộng đồng. "Em ổn và không muốn trở thành gánh nặng cho đất nước", Nhi nói.
Trong bối cảnh này, cộng đồng du học sinh và cộng đồng người Việt tại Úc đang thắt chặt tình đoàn kết. Rất nhiều hoạt động tích cực từ chia sẻ thông tin hữu ích cho tới giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần đang diễn ra trong cộng đồng này.
Cộng đồng người Việt tại Úc chia sẻ nhu yếu phầm, sẵn sàng dang tay giúp đỡ du học sinh và người thất nghiệp.
Tinh thần đoàn kết, "bầu ơi thương lấy bí cùng" của người Việt tại Úc.
"Hội sinh viên Việt Nam và Hội người Việt tại Úc, các diễn đàn đang giúp đỡ nhiều người Việt mất việc làm và du học sinh. Có một số cửa tiệm của người Việt tặng đồ ăn, gạo miễn phí cho những người thật sự cần", Yến Nhi cho biết.
Anh Huỳnh Tấn Đạt đang được đào tạo chương trình Thạc sỹ ngành Kinh tế học và phân tích kinh doanh tại ĐH Sydney. Anh là Phó Chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales, Úc.
Ban chấp hành Hội sinh viên này có 25 thành viên, quan tâm và giúp đỡ trong học tập và đời sống cho hàng trăm sinh viên Việt Nam đang học tập tại 5 trường đại học lớn của Úc.
"Trong thời gian này Hội sinh viên Việt Nam tại New South Wales hỗ trợ các bạn sinh viên chủ yếu qua truyền thông, cập nhật liên tục cho các bạn về tình hình dịch bệnh tại Úc từ nguồn thông tin chính thống của chính phủ Úc và Việt Nam.
Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra những lời khuyên về những việc các bạn có thể làm trong mùa dịch như là phát triển kỹ năng mềm, cách sử dụng thời gian hợp lý", anh Đạt nói.
Anh Tấn Đạt nhìn nhận tâm trạng của các bạn sinh viên có phần hụt hẫng trước thông tin "du học sinh và người nước ngoài không được ưu tiên hỗ trợ tài chính", nhưng với tinh thần "Ở yên vì Tổ quốc", Hội sinh viên động viên du học sinh an tâm ở lại.
Phó Chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (Úc) - Huỳnh Tiến Đạt hứa rằng du học sinh sẽ luôn tìm được sự giúp đỡ từ Hội.
"Có bất cứ vấn đề gì các bạn có thể liên hệ với Hội sinh viên để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất", thay mặt Hội, anh Đạt hứa.
Theo ghi nhận của Hội sinh viên, cho đến hiện tại vẫn chưa có trường hợp du học sinh Việt nào bị lây nhiễm, tuy nhiên, nếu có, du học sinh vẫn có thể sử dụng bảo hiểm để nhận được hỗ trợ y tế.
Anh Đạt cho rằng tình hình kiểm soát dịch ở Úc đang khá hơn với một nửa số ca nhiễm ở Úc đã hồi phục.