Khi bạn đang đọc những dòng này, thì từ vài nơi nào đó trên dải đất hình chữ S, nhiều người trẻ tuổi đang hăm hở trên hành trình “sang Tây”. Cùng lúc ấy, lấp ló trong những túp lều tạm ở thành phố cảng Calais nước pháp, vài nhóm vượt biên đang nín thở tìm cách đột nhập lên các chuyến hàng sang nước Anh.
ảnh minh họa
Khi tôi đang viết những dòng này, thì ở đâu đó bên xứ sở sương mù, trong những căn hầm ẩn sâu dưới lòng đất, ẩm thấp, tối tăm, có những người “rơm” đang trồng “cỏ”… Với hành trang là hy vọng và một khoản nợ lớn, họ chấp nhận đánh đổi tuổi thanh xuân, thậm chí cả sinh mạng chỉ để lấy thân phận “người rơm” – một kiếp sống như rơm rạ, cỏ dại chân tường.
Có câu hát đã đi vào tâm thức người Việt: “Quê hương là chùm khế ngọt…”. Với dân ta, quê nhà là mảnh đất thiêng liêng, là cha mẹ, là nơi chôn rau – cắt rốn. Bởi vậy mới có chuyện, người Việt không gọi ra đi là “di cư”, “di trú”, hay “nhập cư” như cách dân phương Tây vẫn nói, mà họ gọi là “tha hương” – lênh đênh nơi đất khách quê người. Đã bước chân ra đi là chẳng biết bao giờ sẽ trở lại, đi là bỏ quê hương – xứ sở, bỏ tuổi thanh xuân, bỏ lại quyền được sống như một con người…
Vậy mà, vì sao họ vẫn đi, có chết cũng phải đi?
Người Do Thái lang bạt gần 2.000 năm, nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai giấc mơ phục quốc. Đoàn người Tây Tạng theo chân Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong hơn 50 năm, nhưng vẫn nung nấu quyết tâm trở lại quê nhà. Những thuyền nhân của miền Nam Việt Nam ngày ấy ly hương đã hơn 40 năm rồi, nhưng vẫn khắc khoải dõi về cố hương. Vậy còn lớp trẻ của ngày hôm nay, liệu họ có yêu xứ sở này, có đau lòng khi cất bước ra đi? Tôi tin là có.
Vậy mà, vì sao họ vẫn đi, có chết cũng phải đi?
Biết bao người đã dứt áo ra đi, bằng cách này hay cách khác. Cũng có không biết bao người đã thất bại trên hành trình vượt biên, trải qua muôn vàn đắng cay tủi nhục: băng rừng, vượt núi, chui lủi trong rừng sâu, bị cướp bóc, hãm hiếp… Đến cuối cùng giấc mơ không thành, kẻ xấu số phải bỏ mạng nơi đất khách, người may mắn hơn thì bị bắt rồi trục xuất về nước.
Nhưng trở về rồi, vì sao họ vẫn nung nấu quyết tâm ra đi, có chết cũng phải đi?
Cả một lớp thanh niên Việt đang lũ lượt bỏ xứ mà đi, hết lứa này đến lứa khác. Họ ra đi giữa thời bình, không tiếng súng, không bom rơi đạn lạc, không bạo loạn chính trị. Họ ra đi mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa hôm nay điêu tàn và ngày mai vô định. Và để có thể ra đi, họ chấp nhận đặt cược số phận vào canh bạc cuộc đời: Hoặc là chết và chấm hết, hoặc là cực khổ nhưng chí ít còn le lói tương lai.
Vì sao họ quyết ra đi, đến mức “chết cũng đi”? Nếu họ đã phải đánh đổi cả tính mạng thì chắc hẳn câu trả lời không thuần túy vì tiền, hám lợi, hay ảo ảnh trời Tây. Người bình thường sẽ khó mà lìa xa gia đình và quê hương. Người ta chỉ ra đi khi mảnh đất này không còn niềm tin và sự an toàn, các cánh cửa đều đã khép lại, chẳng còn hy vọng vào tương lai, không còn gì để mất.
Không chỉ khóc cho 39 thân phận xấu số trong chiếc container tử thần, khóc cho lứa thanh niên phải liều mạng rời bỏ quê hương, tôi cũng khóc cho những người còn ở lại, thương cho “rừng vàng, biển bạc”, lo cho đất cho nước non mình…
Tôi khóc cho những “Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” đang chết bởi các dự án sân golf, khu công nghiệp, resort, bởi vấn nạn đầu độc – phá rừng, săn bắn thú hiếm… khiến nông dân đất nước tôi không còn nơi canh tác, phải sống chung với lũ lụt và đất đai cằn cỗi.
Tôi khóc cho biển đang chết vì đánh bắt tận diệt, vì xả thải công nghiệp, vì tôm cá đìu hiu, vì ngư trường kiệt quệ và vì lũ cướp biển cứ trống rong cờ mở ra vào hải phận của ta như nơi vô chủ… Những cái vì ấy làm ngư dân nước tôi không còn kế sinh nhai, phải tha hương cầu thực.
Tôi khóc cho những công trình, nhà hát, tượng đài… tiêu tốn hàng nghìn tỷ nhưng không giúp gì cho người nghèo, khiến họ phải dắt díu nhau, gạt nước mắt lên đường. khóc cho bầu trời đang chết – nào là bụi mịn, thuỷ ngân, nào là khí độc… khiến người dân đất nước tôi, dù ở trong container hay giữa thanh thiên bạch nhật, đều “không thở được”.
Tôi khóc cho niềm tin đang chết, cho những người sống mà nơm nớp lo về ngày mai, lo giáo dục gian lận ở mọi ngóc ngách cấp độ, lo vì ngành y ngập trong thuốc giả – xét nghiệm gian dối, lo đến cả con cá, lạng thịt, mớ rau ngoài chợ bị dịch bệnh, nhiễm độc…
Tôi khóc vì nỗi lo nhiều không tả xiết, vì quê cha đất tổ không cưu mang nổi con dân của mình, khiến họ phải ra đi.
Cả một thế hệ người Việt đang lũ lượt ra đi, cả nghèo lẫn giàu đều đi, cả quyền chức và tham nhũng cũng đi tìm chỗ hạ cánh an toàn… Kẻ thì bay trong khoang hạng nhất, người thì chui vào quan tài sắt mà quá cảnh “thiên đường”…
Tôi khóc thương em gái đã gửi dòng tin nhắn nấc nghẹn cho bố mẹ trong những giây phút cuối của đời mình: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi”… “Con đường đi nước ngoài không thành”… “Con thương bố mẹ nhiều”… “Con chết vì không thở được”.
Em gái Việt ơi, hãy yên nghỉ nhé! Tôi xin lỗi vì đã chẳng thể làm gì để em được sống.