01/09/2019
TGVN. Những người chiến thắng Cuộc thi Thách thức giới hạn của sự kiện “Vòng tay nước Mỹ 2019” đã chia sẻ câu chuyện thú vị về hành trình chinh phục và hòa nhập nước Mỹ của họ.
|
Đặng Thanh Hằng. |
Đặng Thanh Hằng đến từ trường San Diego Miramar College tại California kể mọi người hay bảo cô rằng thời đại này làm gì còn chỗ cho giấc mơ, rằng cánh cửa đến giấc mơ Mỹ đã khép lại từ lâu. Riêng cô vẫn có niềm tin mãnh liệt giấc mơ Mỹ vẫn còn và cô đang trên đường thực hiện giấc mơ của riêng mình.
Cần có niềm tin
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Hà Nội, sau khi ra trường, cuộc sống của Hằng có lẽ sẽ cứ trôi đi bình lặng nếu như bạn trai cô lúc đó (ông xã bây giờ) không nhận được học bổng tiến sĩ ở Áo. Lãng mạn và liều lĩnh, cô quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim, bước chân ra khỏi mảnh đất Hà Nội thân thương.
Gần 5 năm dài ở châu Âu, Thanh Hằng được nghe về Giấc mơ Mỹ và luôn khao khát khao thực hiện nó. Khi ông xã xin được việc sau tiến sĩ tại California, cô lại mang bầu và bận rộn khoảng thời gian dành cho việc làm mẹ. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, ở tuổi 34, cô quyết định gửi con đi trẻ, trở lại trường đại học, bắt đầu từ con số không với ngành công nghệ sinh học. Và cuối cùng, tất cả những cố gắng ấy đã được đền đáp.
Hai năm trôi qua, Đặng Thanh Hằng đạt điểm A cho tất cả các lớp và nhận được học bổng khoa học dành cho phụ nữ của trường San Diego Miramar College vào tháng 4/2019. Với GPA tối đa 4.0, cô đã tốt nghiệp xuất sắc ngành công nghệ sinh học vào tháng 5/2019. Từ một bà nội trợ , cô đã trở thành quản lý quan hệ cộng đồng cho Câu lạc bộ Hoá học và sắp tới sẽ trở thành Chủ tịch sáng lập Câu lạc bộ Sinh học tại San Diego Miramar College.
“Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng tôi được tái sinh tại Mỹ - nơi tôi được tạo cơ hội để ước mơ và cố gắng hết sức cho ước mơ của mình. Ông bà con trai tôi hay nhìn tôi xót xa: “Sao vất vả quá thế hả con? Hay về đi!”. “Vâng, con sẽ về chứ! Về để xây dựng quê hương, khi con hoàn thành Giấc mơ Mỹ của mình!”, Đặng Thanh Hằng nói.
|
Hoàng Kim. |
Thoát khỏi “hộp an toàn”
Cô gái Hoàng Kim đang học Thạc sĩ ngành Quản lý Dự án, trường Northeastern University tại Boston từng sống trong “một cái hộp an toàn” tại Đà Nẵng trong suốt 23 năm. Đi làm quẩn quanh trong thành phố nhỏ có bạn bè và người thân bao bọc, cô chẳng thể nghĩ một ngày sẽ quyết định đặt chân đến nước Mỹ với giấc mơ làm nên chuyện về marketing và truyền thông.
Phấn khích, tò mò, nhưng lạc lõng, từ một người sống trong sự chăm chút của ba mẹ giờ cô phải tự lo mọi thứ và đối diện cơn ác mộng lớn nhất mà cô không thể ngờ tới là “cú sốc văn hóa”. Từ một người hướng ngoại, cô sinh viên ấy ngồi chết dí ở các góc lớp, từ chối tham gia các sự kiện ngoại khóa, ít nói, sợ hãi khi phải va chạm với người lạ, liên tục khóc lóc gọi điện cho người thân và bạn bè ở Đà Nẵng.
Thế rồi, vào một ngày mẹ cô bỗng buông một câu nhẹ nhàng: “Nếu con mệt mỏi quá, thì về nhà đi”. Và cô nhận ra bản thân không muốn về nhà vì còn rất nhiều kế hoạch phải thực hiện và bao nhiêu trải nghiệm ở phía trước.
Hoàng Kim bắt đầu thay đổi bằng cách dần tìm hiểu thêm các hội sinh viên và giao tiếp nhiều hơn với các bạn từ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc..., tham gia làm tình nguyện viên của Hội Sinh viên Boston cũng như trở thành đồng sáng lập của một câu lạc bộ tại trường đại học. Cô sống cởi mở như trước đây, dành nhiều thời gian khám phá các văn hoá khác nhau. Hai năm trôi qua ở Mỹ, cô chợt nhận ra mình đã lớn lên thế nào, đã tạo ra được một bầu trời mới, những người bạn tuyệt vời mới và những bài học giá trị để có thể dần biến ước mơ thành hiện thực.
|
Nguyễn Anh Hào. (Nguồn: Hội Thanh viên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ) |
Không ngừng khám phá
Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Mỹ, không ít người đã dọa Nguyễn Anh Hào – sinh viên chuyên ngành hóa học, trường Texas A&M University tại Texas rằng ở đây mà không biết lái xe hơi thì sẽ chẳng đi được đâu. Và bây giờ, cậu đang ở Oklahoma - tiểu bang thứ 12 có dấu chân của cậu trong chưa đầy ba năm sống tại Mỹ khi không có một tấm bằng lái nào. Được trời phú cho đôi chân không bao giờ chịu đứng im và bộ não chứa đầy sự tò mò đã đưa chàng trai của miền nông thôn Tây Nam Bộ đến những vùng đất kì vĩ mà cậu từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ đi đến được.
Cùng với việc học, Anh Hào còn đảm nhận bốn công việc cùng một lúc là làm phụ đạo toán, dạy đàn piano, làm đại sứ cho học sinh quốc tế tại trường và gia sư văn. Gần một năm thách thức bản thân với bốn việc làm và phải duy trì điểm số tốt đã khiến cậu nhận ra được khả năng thực sự của bản thân.
“Nếu không thử tôi sẽ không bao giờ biết được mình có thể làm được những gì. Và nếu không đi thì tôi cũng sẽ không bao giờ biết được mình có thể đi đến đâu. Tôi cũng luôn tin rằng những cuộc hành trình trong tương lai sẽ còn mang đến nhiều điều thú vị mà tôi không thể ngờ trước”, Anh Hào chia sẻ.
|
Du học sinh Việt tại Mỹ với hành trình “truyền lửa”
Bốn dự án lớn dành cho mùa Hè năm nay vừa được các tình nguyện viên của Tổ chức VietAbroader giới thiệu trong buổi gặp ...
|
|
Cơ hội tuyển dụng dành cho du học sinh Việt Nam
Với mục tiêu kết nối các nhà tuyển dụng uy tín và những ứng viên tài năng, Hội đồng Anh và Hiệp hội Cựu du ...
|
|
Du học sinh Việt Nam và rào cản ngoại ngữ
Trong những lần làm việc với Apollo, Language Link, Cleverlearn… những đơn vị nước ngoài hiện dạy ngoại ngữ và hoạt động về du ...
|
Nguồn Thế giới & Việt Nam
|