Như đến hẹn, Lê Thư Hương - nữ nghệ sĩ flute (còn gọi là sáo Tây) tài năng, hiện đang theo học chuyên ngành Tiến sĩ biểu diễn ở Mỹ lại tiếp tục về nước để làm nên những mùa hè đặc biệt tại quê hương.
Nghệ sỹ Lê Thư Hương
|
|
Nếu như hai năm trước, Lê Thư Hương về nước cùng với chương trình độc tấu đặc sắc mang tên “Fantasy mùa hè” thì mùa hè năm nay chị sẽ mang đến đêm nhạc “Hương Paris” với một không gian âm nhạc đa hương sắc qua các tác phẩm âm nhạc Pháp kinh điển, từ nhạc phim cho đến Blues/Jazz và nhạc đương đại. Vào ngày 9/6, tại Hà Nội, tiếng sáo tinh tế và đầy màu sắc của chị sẽ kết hợp cùng giọng ca của Giang Trang, nhóm Jazz Trio và các nghệ sĩ tài năng khác đến từ Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam để dành tặng cho khán giả.
Không ngừng học để làm mới mình
Lê Thư Hương sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với bác ruột là nghệ sĩ violin Bùi Công Thành, anh họ là nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Dù đã từng theo học piano nhưng chị lại được gia đình hướng sang học flute - một loại nhạc cụ thường được dùng trong dàn nhạc giao hưởng cổ điển phương Tây và rất kén người học.
Mới 8 tuổi, chị đã được học flute dưới sự dìu dắt của của giảng viên, thạc sĩ Nguyễn Trung Thành. Thời điểm đó ít người học sáo flute vì nhạc cụ này không phổ biến bằng các loại nhạc cụ khác như piano, violin hay guitar. Khó khăn là vậy nhưng Lê Thư Hương vẫn tốt nghiệp thủ khoa đại học tại Nhạc Viện Hà Nội năm 2001 với tấm bằng đại học loại xuất sắc.
Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục theo học tại Nhạc Viện Hoàng Gia Đan Mạch với giáo sư Toke Lund Christiansen và giáo sư Henrik Svitzer trong bốn năm. Bên cạnh đó chị còn tham dự các lớp đào tạo chuyên sâu của nghệ sĩ sáo nổi tiếng thế giới William Bennett tại London (Anh) năm 2003, 2004, 2005 và lớp hòa tấu nâng cao với Ngũ tấu kèn gỗ Fantasia tại Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển năm 2007. Thường xuyên biểu diễn với vai trò của một nghệ sĩ độc tấu, hòa tấu và trong dàn nhạc giao hưởng, chị đã tham dự nhiều liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế tại Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.
Hiện tại, Lê Thư Hương đang làm nghiên cứu sinh về biểu diễn sáo tại trường Đại học Bắc Texas, Mỹ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Terri Sundberg và Giáo sư James Scott. Khi được hỏi tại sao chị vẫn còn không ngừng đầu tư cho việc học, chị bảo rằng: “Trong cuộc sống, học không bao giờ thừa. Đó là cơ hội giúp tôi có thể làm mới mình và trau đồi thêm những kiến thức quý giá phục vụ cho nghề biểu diễn”.
Chị cũng cho biết, chuyên ngành Tiến sĩ biểu diễn mà chị đang theo học là ngành hoàn toàn mới ở nước ngoài và chị muốn là người tiên phong đi học để sau dạy có thể truyền kinh nghiệm cho lớp học trò kế cận ở Việt Nam.
Vẫn say mê giai điệu quê hương
Gắn bó với cây sáo flute đã 30 năm và được coi là một trong những nghệ sĩ flute hàng đầu ở Việt Nam nhưng Lê Thư Hương là người ít xuất hiện trước công chúng. Theo chị, vì là một nghệ sĩ cổ điển nên chị tập trung vào làm nghề một cách nghiêm túc, không cần phô trương và hào nhoáng.
Đặc biệt, chị vẫn say mê thể hiện những tác phẩm Việt bằng nhạc cụ phương Tây và cố gắng tạo màu sắc mới để đến gần hơn với khán giả nước ngoài. Với chị, bản sắc văn hóa và dân tộc của mỗi người rất quan trọng để biết mình đến từ đâu và mình là người như thế nào. Hơn nữa, khi biểu diễn các tác phẩm Việt Nam, chị có thể góp phần nhỏ bé để bạn bè quốc tế hiểu biết về âm nhạc dân gian và đất nước Việt Nam. “Bèo dạt mây trôi” chính là làn điệu dân ca Bắc bộ mà chị rất yêu thích và thường lựa chọn biểu diễn cho bạn bè quốc tế thưởng thức.
Thời gian tới, Lê Thư Hương sẽ kết thúc kỳ học ở Mỹ và trở thành Tiến sĩ biểu diễn flute đầu tiên ở Việt Nam. Chị quan niệm là nghệ sĩ biểu diễn thì việc sống và làm việc ở đâu không quan trọng, chỉ cần được làm nghệ thuật chân chính. Với những gì được học ở môi trường quốc tế, chị mong muốn có thể truyền lại cho các học trò của mình, cũng như đưa cây sáo flute đến gần hơn với nhiều người.
Là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Kèn – Đại học Bắc Texas, Lê Thư Hương vẫn tham gia nhóm Ngũ tấu Kèn gỗ Fantasia và Nhóm hòa tấu Hà Nội. Mỗi lần về nước, niềm vui của chị là được biểu diễn cùng những đồng nghiệp thân thiết của mình.
Chị hy vọng những người yêu nhạc cổ điển sẽ đến đêm nhạc tới để thưởng thức các bài hát quen thuộc của Pháp thập niên 60 cùng các giai điệu swing nhẹ nhàng của jazz bên bạn bè và người thân. Đó sẽ là những khoảnh khắc và không gian đa hương sắc của một Paris qua từng thời kỳ cùng một chút lãng mạn và tươi mát cho đêm hè không còn oi ả.
An Bình/ Báo Thế giới & Việt Nam
|