08/06/2018
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Việt tại Ucraina nói riêng, “Thi đua ái quốc” là tinh thần hướng về quê hương thân yêu…
Tác giả tình nguyện dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.
|
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Đó là khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt và trong bối cảnh đất nước ta vô cùng khó khăn, Lời kêu gọi của Bác nhằm phát huy sức mạnh toàn dân cống hiến cho cách mạng Việt Nam.
70 năm đã đi qua nhưng lời kêu gọi của Bác vẫn mang trọn vẹn tính thiết thực. Với lối viết hàm súc, ngắn gọn và giản dị, dễ hiểu, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã khơi dậy tinh thần và trách nhiệm công dân Việt Nam yêu nước. 414 từ trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” như một luồng gió tràn đầy sinh lực thổi vào phong trào “Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát”.
Cho đến nay, vẫn còn đó ở nhiều nơi trên đất nước ta những mảnh đất nghèo xơ xác, em thơ không đủ cơm ăn áo mặc, hàng ngày phải vượt thác lũ, sông suối để đến trường; các thầy cô vượt khó chăm lo cho đàn em; các gia đình chắt chiu để con mình được học cái chữ, tiếp cận kiến thức bao la của nhân loại. Trong bối cảnh đó, tinh thần “Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát” vẫn cần được tiếp tục phát huy. “Diệt giặc ngoại xâm” ngày nay là chống lại những âm mưu thôn tính của kẻ thù, những hành động phá hoại của những thế lực thù địch, là tinh thần “xuống đường vì chủ quyền biển đảo” của người Việt trên toàn thế giới trước vận mệnh dân tộc.
Với “Cách làm là dựa vào:/ Lực lượng của dân/ Tinh thần của dân, để gây:/ Hạnh phúc cho dân” gắn với “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”– Đó là cuộc vận động sức mạnh toàn dân kết đoàn trong cuộc kháng chiến với tinh thần “Làm cho mau/ Làm cho tốt/ Làm cho nhiều”. Người cũng chỉ ra phương thức hành động thi đua, “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa.
Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến/ Toàn diện kháng chiến/ Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta/ vừa kháng chiến/ vừa kiến quốc. Để chúng ta đi tới đích “Toàn dân đủ ăn đủ mặc/ Toàn dân sẽ biết đọc biết viết/ Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm/ Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn/ Thế là chúng ta thực hiện:/ Dân tộc độc lập/ Dân quyền tự do/ Dân sinh hạnh phúc”.
Với sức mạnh toàn dân thấm nhuần tư tưởng và phương châm hành động cụ thể mà Bác chỉ ra, chúng ta đã giành được độc lập, tự do và thống nhất. Công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, vươn tầm thế giới. Trong từng bước đi của lịch sử, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đều mang giá trị lớn lao.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Việt tại Ucraina nói riêng, “Thi đua ái quốc” là tinh thần hướng về quê hương thân yêu, với sự sẻ chia sâu sắc mỗi khi “nước lũ trắng xóa, cuồn cuộn dâng ngập mái nhà, bao gia đình tang tóc, mất mát đau thương”; là “Xuống đường vì Biển Đông”, ủng hộ cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ vùng trời vùng biển của Tổ quốc; trao quà cho các cháu học sinh nghèo học giỏi, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn; hưởng ứng phong trào “góp đá xây Trường Sa”; giới thiệu tới bạn bè quốc tế về nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam qua các Lễ hội ẩm thực, giao lưu văn hóa, đưa ngôn ngữ Việt Nam đến với thế giới; truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng và chuyển giao tinh thần ấy cho thế hệ kế tiếp…
Cá nhân tôi, dù xa quê hương đã 30 năm nhưng Việt Nam luôn ở trong tim tôi, trong mỗi vần thơ khắc khoải luôn đậm hình ảnh lũy tre thân thương với cây đa, bến nước, dòng sông và con đò mộc mạc. Là thao thức vầng trăng quê, khao khát tiếng sáo diều bay bổng chở những giấc mơ tôi. Giấc mơ ấy luôn có cha, mẹ, gia đình, thầy cô và bạn bè thương mến.
Có tiếng Việt ngọt ngào nuôi dưỡng tình yêu quê hương, văn học nghệ thuật. “Ái quốc” với tôi đó là hành động cụ thể khi những bài viết, bài thơ Ucraina dịch ra tiếng Việt được giới thiệu trên các trang báo uy tín nhất của Ucraina. Là những vần thơ đầy cảm xúc rưng rưng được tôi chuyển tải qua ngữ điệu du dương của tiếng Việt yêu thương trong hai lần tham dự Festival văn học nghệ thuật quốc tế. Là những ca khúc phổ thơ tôi chan chứa tình yêu đất nước. Và hiện nay, là sự tự nguyện truyền bá tiếng Việt cho con em trong cộng đồng nhỏ bé nơi đây. “Ái quốc” là tâm huyết được cống hiến khả năng và những hiểu biết của mình vào việc xây dựng một cộng đồng chung ngày một hoàn thiện và phát triển. Đó chính là ý chí “Tiến lên” như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đỗ Thị Hoa Lý (Ucraina)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/huong-ve-que-huong-la-thi-dua-ai-quoc-20180608164440933.htm
|