Ấn phẩm lưu ý rằng, bằng cách leo thang các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, Điện Kremlin đang cố gắng ngăn chặn các nước phương Tây hỗ trợ Ukraina, đặc biệt là về vũ khí cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào những mục tiêu nằm sâu trong Liên bang Nga.
Ấn phẩm kể lại rằng, vào ngày 19 tháng 9, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraina và cho phép thực hiện các cuộc tấn công như vậy.
Phản ứng của Moskva đối với tài liệu này gay gắt một cách bất thường. Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin lưu ý trên Telegram rằng, nghị quyết này “sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông ta viết thêm rằng, một tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga có thể bay tới Strasbourg, nơi có Nghị viện Châu Âu trong 3 phút 20 giây.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Roberta Metsola, trong một cuộc phỏng vấn với Time, đã gọi tuyên bố của Volodin là “một phản ứng điển hình, mang tính đối đầu”. Trả lời câu hỏi, liệu bà có coi trọng những lời đe dọa như vậy hay không, chính trị gia này nói thêm: “Nếu những lời lẽ như vậy ngày càng gia tăng, thì chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen lưu ý rằng, bà không biết liệu những luận điệu của các quan chức Điện Kremlin là bịp bợm hay là sự thật. Tuy nhiên, theo lời bà, "chúng ta không bao giờ có thể để ai đó không tôn trọng dân chủ, nhân quyền và mọi thứ chúng ta tin tưởng - chúng ta không thể để họ quyết định những gì chúng ta làm."
"Phản ứng có chừng mực phù hợp với xu hướng ngày càng tăng của các quan chức phương Tây. Đối với nhiều người trong số họ, Vladimir Putin đã trở thành cậu bé thường xuyên hét lên về vũ khí hạt nhân, làm giảm bớt tác động của khả năng răn đe hạt nhân của chính mình và cho phép nhiều người châu Âu không còn sợ hãi về nó", tờ báo viết.
Theo bà Frederiksen, “nỗi sợ hãi và vai trò thủ lĩnh không đi đôi với nhau”. Bà nói thêm rằng, thói quen lo lắng của phương Tây về “lằn ranh đỏ” của Putin đã dẫn đến quá nhiều sự chậm trễ trong việc hỗ trợ Ukraina.
Người đứng đầu chính phủ Đan Mạch cho biết: “Lằn ranh đỏ duy nhất mà tôi thấy trong cuộc chiến này đã bị vượt qua là khi họ tấn công Ukraina”.
Ấn phẩm Time lưu ý rằng, nhận thức rõ ràng về việc bỏ qua “lằn ranh đỏ”, Điện Kremlin tiếp tục vẽ ra ngày càng nhiều ranh giới đó. Ấn phẩm nhắc lại rằng, vài ngày sau lời đe dọa của Volodin đối với Strasbourg, Putin nói rằng, Nga cần hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà độc tài cho rằng, để trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn sử dụng vũ khí thông thường như tên lửa hoặc thậm chí là máy bay không người lái, Nga có thể đáp trả bằng bom nguyên tử.
"Sự thay đổi chính thức này trong học thuyết hạt nhân, vốn trước đây chỉ quy định phản ứng hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa hiện hữu đối với Nga, đã xuất hiện trên các tiêu đề bài báo và gây ra một vòng tranh luận mới ở các thủ đô phương Tây. Nhưng điều này không tạo ra sự thay đổi giọng điệu đáng chú ý từ phía Ukraina hoặc các đồng minh thân cận nhất của nước này" - ấn phẩm viết.
* Mối đe dọa hạt nhân của Điện Kremlin.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện, giới chức Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraina và thậm chí cả các nước NATO vì đã hỗ trợ quân sự cho Kiev. Nhưng những luận điệu như vậy không khiến các nhà lãnh đạo phương Tây lo sợ nhiều.
Sau hàng loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Lực lượng Vũ trang Ukraina vào kho vũ khí trên lãnh thổ Liên bang Nga, ngày 25 tháng 9, Putin đã đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân và mở rộng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo cách tiếp cận mới, hành động gây hấn chống lại Nga của bất kỳ cường quốc phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân, được đề xuất coi là cuộc tấn công chung của họ vào Liên bang Nga. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân cũng có thể được sử dụng trong trường hợp có một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái hoặc máy bay.
Bộ Ngoại giao Mỹ gọi những lời đe dọa như vậy từ Putin là “vô trách nhiệm”.
BTV "NGƯỜI VIỆT KIEV" biên dịch