Chiến tranh Israel-Hamas Mỹ hiếm hoi điều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đến Trung Đông, răn đe đối thủ trong khu vực Chiến tranh Israel-Hamas Mỹ hiếm hoi điều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đến Trung Đông, răn đe đối thủ trong khu vực , Người xứ Nghệ Kiev
PV (Theo CNN) Thứ hai, ngày 06/11/2023
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ xuất hiện ở Trung Đông, gửi thông điệp răn đe tới các đối thủ trong khu vực.
Trong một thông báo hiếm hoi, quân đội Mỹ cho biết một tàu ngầm tên lửa đạn đạo đã đến Trung Đông, gửi đi thông điệp răn đe rõ ràng nhắm vào các đối thủ trong khu vực khi Mỹ cố gắng tránh một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đã đưa ra thông báo ngày 5/11 bằng một bài đăng trên mạng xã hội, trong đó có một bức ảnh cho thấy tàu ngầm lớp Ohio ở Kênh đào Suez, đi qua dưới Cầu Al Salam ở phía đông bắc Cairo.
Quân đội Mỹ hiếm khi công bố các chuyển động hoặc hoạt động của hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Thay vào đó, các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động gần như hoàn toàn bí mật như một phần của bộ ba hạt nhân của Mỹ, cùng với các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay ném bom chiến lược.
Thông báo công khai về tàu ngầm ở Trung Đông là một thông điệp rõ ràng về sự răn đe nhắm vào Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trong khu vực. Chiếc tàu ngầm, chưa được nêu tên, tham gia cùng một số khí tài khác của Hải quân Mỹ đã có mặt trong khu vực, bao gồm hai nhóm tấn công tàu sân bay và một nhóm sẵn sàng đổ bộ.
Lần cuối cùng Mỹ công khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ở Trung Đông là cách đây 1 năm, khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, Tướng Michael "Erik" Kurilla lên tàu USS West Virginia. Vào thời điểm đó, CENTCOM cho biết chuyến thăm tàu ngầm của Kurilla diễn ra tại một "địa điểm không được tiết lộ trên biển thuộc vùng biển quốc tế".
Thông báo về việc triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo trong khu vực được đưa ra khi Ngoại trưởng Antony Blinken tổ chức một loạt cuộc gặp với các đối tác của Mỹ ở Trung Đông. Trong một chuyến đi ngắn ngủi, Blinken đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Israel, Bờ Tây, Jordan và Síp.