Bí ẩn vụ tàu lặn chở nhiều tỷ phú đi ngắm xác Titanic đột ngột mất tích dưới đáy biển Bí ẩn vụ tàu lặn chở nhiều tỷ phú đi ngắm xác Titanic đột ngột mất tích dưới đáy biển , Người xứ Nghệ Kiev
Phương Đăng (theo CNN)
Vụ tàu lặn Titan chở nhiều tỷ phú, CEO giàu có để ngắm xác tàu Titanic mất tích ở Bắc Đại Tây Dương hôm 18/6 đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu, người ta vẫn chưa tìm thấy tàu lặn Titan giữa đại dương mênh mông.
Thảm kịch gây sốc
Theo CNN, tính đến thứ Năm, đội cứu hộ đa quốc gia vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm con tàu lặn và các hành khách mất tích vào ngày 18/6 ở Bắc Đại Tây Dương trong tour ngắm xác tàu Titanic nhưng khả năng sống sót của các nạn nhân được cho là gần như bằng 0.
4 nạn nhân đầu tiên được xác nhận có mặt trong tàu lặn đều là những người giàu có, thành đạt bao gồm: Doanh nhân người Anh Hamish Harding, thợ lặn người Pháp Paul-Henri Nargeolet, tỷ phú người Pakistan Shahzada Dawood và con trai ông Suleman Dawood. Người thứ 5 vừa được xác nhận là Giám đốc điều hành và người sáng lập OceanGate, Stockton Rush, theo một nguồn tin am hiểu về kế hoạch của tàu lặn Titan.
Cả Mỹ, Canada cùng nhiều quốc gia khác đã đồng loạt triển khai nhiều tàu cứu hộ đến khu vực tìm kiếm rộng lớn trên đại dương - rộng gần gấp đôi bang Connecticut của Mỹ và sâu hơn 3.200 mét - với hy vọng tìm thấy tàu Titan dài 6,4 mét.
Một robot do Pháp sản xuất có khả năng hoạt động ở độ sâu nơi xác tàu Titanic đắm cũng đã được triển khai. Robot này đã đến điểm xác tàu Titanic đắm vào tối thứ Tư (21/6, theo giờ Mỹ).
Tuy nhiên, việc tìm kiếm "một tàu ngầm nhỏ mất tích trong vùng đại dương lớn, nước cực sâu và cách xa bờ biển hàng trăm km", đã khiến nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn tàu lặn Titan trở nên vô cùng khó khăn.
Tàu lặn Titan được làm bằng sợi carbon và titan, mỗi chuyến đi được bơm đủ oxy cho 96 giờ ở dưới nước. Điều này đã khiến đội cứu hộ đa quốc gia phải chạy đua tìm kiếm con tàu và hành khách bên trong vào sáng thứ Năm bởi thời gian của họ đã gần như cạn kiệt.
Tàu lặn – không giống như tàu ngầm – có nguồn dự trữ năng lượng hạn chế và cần một tàu hỗ trợ trên mặt nước để phóng và thu hồi nó. Titan thường dành khoảng 10 đến 11 giờ trong mỗi chuyến thăm xác tàu Titanic dưới đáy Bắc Đại Tây Dương, trong khi tàu ngầm có thể ở dưới nước trong nhiều tháng.
Đại úy Hải quân Mỹ David Marquet, cựu thuyền trưởng tàu ngầm nói với CNN hôm thứ Tư 21/6 rằng ông cho rằng, 5 hành khách bên trong tàu lặn nếu còn sống thì họ đang phải chịu đựng cơn khát và đói, thiếu ôxy dẫn đến bức bối cực kỳ khó chịu.
Vụ mất tích đầy bí ẩn
Phóng viên David Pogue của CBS, người từng ngồi tàu Titan ngắm xác tàu Titanic năm ngoái cho biết, không gian tàu Titan khá chật chội cho 5 hành khách.
Chỉ có một nhà vệ sinh và không có chỗ ngồi; tối đa 5 hành khách phải ngồi khoanh chân trên sàn. Không có cửa sổ nào ngoại trừ ô cửa sổ mà qua đó hành khách có thể quan sát con tàu Titanic.
Rush, Giám đốc điều hành của OceanGate chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 rằng, hành khách phải cởi giày khi ở trong tàu.
Không có tín hiệu GPS dưới nước, Titan liên lạc với tàu mẹ của nó bằng tin nhắn văn bản và tàu lặn được yêu cầu liên lạc sau mỗi 15 phút, theo trang web lưu trữ của OceanGate Expeditions. Lần liên lạc cuối cùng giữa tàu lặn và tàu mẹ Polar Prince diễn ra lúc 11h47 sáng Chủ nhật theo giờ Mỹ.
“Tất cả những thứ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay – GPS, Wi-Fi, liên kết vô tuyến – không hoạt động dưới đại dương”, cựu sĩ quan tàu ngầm của Hải quân Mỹ, Đại úy J. Van Gurley nói với CNN.
Các bộ phận của Titan rõ ràng là công nghệ thấp. Theo Aaron Newman, một nhà đầu tư của OceanGate, người đã ngồi tàu lặn Titan vào năm 2021 cho biết, bộ điều khiển tàu Titan từ xa là dạng không dây. Nếu điều khiển từ xa bị hỏng, các cánh quạt có thể được điều khiển thông qua hệ thống dây cứng bên trong.
Ông Newman cho biết thêm rằng, tàu lặn hoạt động theo mệnh lệnh nghiêm ngặt là phải giữ khoảng cách với xác tàu Titanic để tránh bị vướng hoặc mắc kẹt trong đống đổ nát của con tàu Titanic.
Titan được giữ dưới đáy biển bằng chấn lưu – trọng lượng nặng giúp tàu ổn định – được chế tạo để tự động nhả ra sau 24 giờ nhằm giúp tàu nổi lên mặt nước.
“Nó được thiết kế để nổi lên", ông Newman nói với CNN.
Newman cho biết, người lái tàu và các hành khách sẽ được thông báo rằng họ có thể giải phóng chấn lưu bằng cách lắc con tàu hoặc sử dụng máy bơm khí nén để loại bỏ các quả nặng. Nếu việc này vẫn thất bại để giải phóng chấn lưu, các đường dây bảo vệ chấn lưu được thiết kế để tự tháo rời sau 24 giờ để tự động đưa tàu trở lại bề mặt đại dương.
Newman cho biết các động cơ đẩy của Titan được cung cấp bởi một hệ thống điện bên ngoài, trong khi một hệ thống bên trong cung cấp năng lượng cho thông tin liên lạc và lò sưởi.
Sau khi lên tàu Titan, nhiệt độ bên trong tàu nóng lên nhanh chóng trước khi bắt đầu lạnh hơn khi nó đi xuống đáy đại dương. Nhiệt độ trong đại dương sâu thẳm chỉ cao hơn mức đóng băng một chút.
Ông Newman thừa nhận, thăm xác tàu Titanic là một điều cực kỳ nguy hiểm.
“Các khu vực này rất chật chội – nhiệt độ nóng gần mặt nước và gần như đóng băng khi lặn xuống sâu”, ông Newman nói đồng thời cho biết thêm rằng các hành khách có thể ngồi trên một gờ thấp bên trong tàu để nhìn qua cửa sổ.
“Có một máy sưởi trong (Titan), vì vậy nó có thể ấm một chút, nhưng rõ ràng là điều đó sẽ không kéo dài mãi. Và rõ ràng, nếu trời tối, sẽ rất khó khăn để điều chỉnh trạng thái tinh thần của bạn", ông Newman nhấn mạnh.
David Gallo, cố vấn cấp cao của Sáng kiến Chiến lược, RMS Titanic, cho biết nếu tàu lặn ở vùng nước sâu quá lâu, tình trạng hạ thân nhiệt có thể xảy ra.
“Nó giống như một chuyến viếng thăm đến một hành tinh khác, nó không như mọi người nghĩ. Đó là một môi trường không có ánh nắng mặt trời, mãi mãi lạnh giá – áp suất cao", ông Gallo tuyên bố.