Cái chết của Zawahiri mở đường cho sự chuyển đổi lần thứ hai người lãnh đạo tối cao trong lịch sử bốn thập kỷ của al-Qaeda. Câu hỏi được đặt ra là cái chết của Zawahiri sẽ tác động như thế nào đối với al-Qaeda và phong trào thánh chiến Salafi toàn cầu, đối với chính phủ Taliban và đối với tương lai của các hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan.
Lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda sẽ thay đổi như thế nào?
Bất chấp lịch sử của Al-Qaeda, cái chết của Zawahiri sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi lần thứ hai của nhóm. Trước đây Zawahiri được chỉ định ngay từ đầu là người sẽ kế nhiệm Osama bin Laden chiểu theo các điều khoản của việc hợp nhất năm 2001 giữa nhóm này và tổ chức Hồi giáo Thánh chiến Ai Cập của Zawahiri. Hiện nay, Al-Qaeda không có kế hoạch kế vị tương tự được thiết lập trước để tạo điều kiện cho một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự. Thay vào đó, Ban lãnh đạo Al-Qaeda sẽ phải tham gia vào một quá trình đàm phán quyền lực nội bộ phức tạp với sự tham gia của các thủ lĩnh Al-Qaeda thuộc các chi nhánh trên khắp thế giới.
Quá trình chuyển đổi này diễn ra vào thời điểm mong manh đối với Al-Qaeda. Việc Taliban tiếp quản Afghanistan đã giúp cho nhóm này có thời gian nghỉ ngơi và tập trung vào việc huy động các nguồn lực cần thiết để tuyển mộ các chiến binh mới và khôi phục khả năng hoạt động ở nước ngoài. Việc nhiều lãnh đạo kỳ cựu của Al-Qaeda bị tiêu diệt trong những năm gần đây đã làm suy yếu rõ rệt bộ não chiến lược của Al-Qaeda và mối quan hệ gắn kết trước đây giữa các lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda.
Ứng cử viên khả dĩ nhất để thay thế Zawahiri là Saif al-Adel, một cựu chiến binh quốc tịch Ai Cập. Trong một thời gian dài, Adel đã nắm giữ các cương vị lãnh đạo quan trọng trong Al-Qaeda. Ông ta điều hành các trại huấn luyện của Al-Qaeda ở Afghanistan từ cuối những năm 1980 đến giữa những năm 1990, trực tiếp huấn luyện Ramzi Yousef, kẻ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới vào năm 1993, tiếp sau đó Adel chuyển đến Sudan để tiếp tục đào tạo các chiến binh về chất nổ. Sau khi Al-Qaeda bị trục xuất khỏi Sudan, Adel được cho là tiếp tục các hoạt động huấn luyện quân sự của mình ở Afghanistan trước khi tị nạn ở Iran sau cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan năm 2001. Việc Adel có thể cư trú lâu dài ở Iran cho thấy nguy cơ các cựu chiến binh Al-Qaeda có thể dễ dàng bước ra khỏi “an toàn khu”của Iran để nhanh chóng gia nhập các hoạt động khủng bố.
Abd al-Rahman al-Maghrebi, quốc tịch Maroc, con rể của Zawahiri cũng là một ứng cử viên cho vị trí tiểu vương của Al-Qaeda. Maghrebi, giống như Adel, được cho là đang sống ở Iran và là người đứng đầu Al-Sahab – bộ máy tuyên truyền của Al-Qaeda. Tuy nhiên, việc Adel và Maghrebi cư trú lâu dài ở Iran đã làm suy giảm mức độ ảnh hưởng của họ đối với các thủ lĩnh cấp cao khác của Al-Qaeda, vì thế vai trò thực sự của họ trong việc bầu chọn thủ lĩnh mới của Al-Qaeda vẫn còn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Các quan chức cấp cao trong Ủy ban Hittin của Al-Qaeda, cơ quan lãnh đạo quản lý và điều phối hoạt động toàn cầu của nhóm, cuối cùng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Mặc dù Adel và Maghrebi là hai thành viên cấp cao nhất của ủy ban, nhóm này cũng bao gồm các đại diện từ các chi nhánh toàn cầu của Al-Qaeda, họ cũng sẽ là những ứng cử viên tiềm năng để kế nhiệm Zawahiri. Có thể kể đến Abu Ubaydah Yusuf al-Anabi, thủ lĩnh hiện tại của Al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo và Ahmed Diriye, thủ lĩnh của Al Shabaab.
Asim Umar (phải), Ahmad Farooq (trái) , Tiểu vương và phó Tiểu vương sáng lập AQIS, một chi nhánh của ai-Qaeda đang hoạt động rất mạnh tại tiểu lục địa Ấn Độ. Cả hai đã bị hạ sát vào năm 2019.
Cái chết của Zawahiri tác động gì đến Al-Qaeda toàn cầu và các chi nhánh trong khu vực?
Cái chết của Zawahiri mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Al-Qaeda. Các phương tiện truyền thông xã hội và các kênh nhắn tin ủng hộ Al-Qaeda đã nhanh chóng tìm cách miêu tả cái chết của Zawahiri như một lợi ích cho cuộc thánh chiến toàn cầu và sẽ làm hồi sinh Al-Qaeda. Các nhóm thánh chiến và phương tiện truyền thông Al-Qaeda cũng có thể sẽ sử dụng cái chết của Zawahiri như một lời kêu gọi tập hợp lực lượng để tấn công trả đũa vào Mỹ và các mục tiêu phương Tây khác, giống như cách chúng đã làm sau cuộc đột kích năm 2011 giết chết trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Từ trước đến nay, hoạt động của các chi nhánh khu vực của Al-Qaeda thường bị giới hạn trong một phạm vi nhất định. Một khi một tiểu vương Al-Qaeda mới được chọn, các chi nhánh trong khu vực có khả năng sẽ thề “bay’ah” (lời thề trung thành) với thủ lĩnh mới, giống như cách họ đã làm với Zawahiri sau cái chết của Osama Bin Laden. Nhiều chi nhánh của Al-Qaeda, đặc biệt là ở châu Phi, đã áp dụng thuật ngữ “thánh chiến toàn cầu” trong khi vẫn chủ yếu tập trung nỗ lực vào các xung đột và nổi dậy tại địa phương. Tuy nhiên, người kế nhiệm Zawahiri, với tư cách là người lãnh đạo một phong trào toàn cầu, sẽ có ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với tương lai của tổ chức.
Trong hai thập kỷ qua, Al-Qaeda đã trở nên phi tập trung hóa, một khuynh hướng tăng tầm quan trọng của các "chi nhánh" của Al-Qaeda so với thành phần "cốt lõi" của nó. Kết quả là hiện nay có rất nhiều chi nhánh của Al-Qaeda ở châu Phi cận Sahara, Nam Á và những nơi khác. Chúng đang thực hiện các cuộc tấn công khủng bố và tiến hành các cuộc nổi dậy độc lập với lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda. Ví dụ, nhóm Jama’at Nasr al-Islam wal Muslimin (JNIM) ở châu Phi tham gia rất sâu vào cuộc xung đột của địa phương, chúng đủ quyền tự chủ và khả năng tự cung tự cấp để mở rộng cuộc nổi dậy của mình.
Các chi nhánh khác của Al-Qaeda thì có mối liên hệ chặt chẽ hơn với ban lãnh đạo toàn cầu của Al-Qaeda và do đó có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy Al-Qaeda tiến lên. Ví dụ, Al Shabaab được Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) đánh giá là "chi nhánh của Al-Qaeda lớn nhất, giàu có nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới."
Al Shabaab cũng trực tiếp cung cấp hỗ trợ tài chính cho ban lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda từ ngân quỹ của mình và đã chứng tỏ khả năng và ý định của mình trong việc tổ chức các âm mưu chống lại Mỹ. Tuy nhiên, những bất đồng về việc chọn lựa để nhấn mạnh mục tiêu “địa phương” hay mục tiêu “toàn cầu” là một phần không thể thiếu trong lịch sử của Al Shabaab, và quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới của Al Qaeda có thể khơi dậy những cuộc tranh luận này.
Các tay súng của Al Shabaab Châu Phi.
ISS phản ứng như thế nào trước cái chết của thủ lĩnh Al-Qaeda?
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISS) không giấu sự khinh thường của họ đối với Zawahiri và Taliban. Tuyên truyền của ISS thường cáo buộc Taliban và các thủ lĩnh hiện tại của Al-Qaeda đã đi chệch khỏi tầm nhìn của Osama Bin Laden. ISS có những nhận xét đặc biệt thù địch với quyết định của Taliban trong đàm phán hòa bình tại Doha với Mỹ, điều mà họ cáo buộc là sự phản bội. Ngay sau cái chết của Zawahiri, những người ủng hộ ISS đã đăng các thông điệp ăn mừng với tiêu đề như "Chú hề đã chết" và "Con chó đã bỏ mạng".
Thế nhưng sau cái chết của Zawahiri, dường như “vận may” của Al-Qaeda đang tăng lên. Sự hiện diện của nhóm ở Afghanistan dưới chế độ Taliban là tương đối an toàn. Theo ý kiến của người đứng đầu nhóm giám sát các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, Al-Qaeda đang ở vào thời kỳ "kiềm chế chiến lược" kể từ khi chính phủ cũ của Afghanistan sụp đổ. Trong hai năm qua, Al-Qaeda đã củng cố lại cách truyền thông của mình, một nỗ lực thách thức mưu toan của ISS muốn thay thế Al-Qaeda trở thành thủ lĩnh được công nhận của phong trào Salafi-jihadi toàn cầu.
Đóng góp lớn đầu tiên của Zawahiri cho nỗ lực truyền thông của Al-Qaeda sau khi chính phủ Afghanistan sụp đổ là một cuốn sách 852 trang về “tham nhũng chính trị và những ảnh hưởng của nó đối với lịch sử Hồi giáo ”. Trước khi chết ông ta cũng vừa mới hoàn thành tập thứ sáu của chuỗi bài giảng mơ hồ và rắm rối có tựa đề "Thương vụ thế kỷ hay cuộc Thập tự chinh của thế kỷ".
Taliban có chứa chấp Zawahiri không?
Ngay sau cuộc tấn công giết chết Zawahiri, các quan chức Mỹ đã lên tiếng cáo buộc các phần tử Haqqani Taliban chứa chấp Zawahiri và thực hiện các bước để nhanh chóng xóa đi các bằng chứng về việc này. Ngôi nhà nơi Zawahiri bị giết được cho là của một quan chức cấp cao của Sirajuddin Haqqani. Việc Al-Qaeda liên kết trực tiếp đến mạng lưới Haqqani làm tăng thêm những lo ngại lâu nay về vai trò của Sirajuddin Haqqani với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ trên thực tế của Afghanistan, một trong những quan chức quyền lực nhất của Kabul.
Al-Qaeda, Haqqanis và Taliban chia sẻ một mối quan hệ sâu sắc đã được thử thách và phát triển qua nhiều thập kỷ. Mạng lưới Haqqani từ lâu đã được xác định là đầu mối liên lạc chính giữa Taliban và Al-Qaeda. Vào tháng 2/2020, Zawahiri đã gặp các thành viên của mạng lưới Haqqani, những người đến xin ý kiến tư vấn của thủ lĩnh Al-Qaeda về các điều khoản của thỏa thuận Doha với Mỹ ( theo một báo cáo của Liên hợp quốc).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Taliban vi phạm thỏa thuận Doha, theo thỏa thuận này Taliban cam kết rằng Afghanistan sẽ không được sử dụng làm nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố quốc tế. Gần đây nhất là ngày 6/10/2022, thủ lĩnh tối cao của Taliban đã tái khẳng định lời đảm bảo rằng họ "sẽ không cho phép bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ của chúng tôi để đe dọa an ninh của các quốc gia khác". Sirajuddin Haqqani cũng đã từng đưa ra cam kết tương tự vào tháng 1/2022. Đối chiếu với thực tế, những tuyên bố này không gì khác hơn là những lời dối trá mỉa mai khi mà trong suốt năm 2022 (cho tới ngày 31/7) Al-Qaeda liên tục tung ra các video dài có sự hiện diện của Zawahiri trên đất Afganistan.
Trong một video, ông ta trích dẫn tuyên bố của người đồng sáng lập Hamas, Abdel Aziz al-Rantisi rằng: "Chúng ta phải bao vây nước Mỹ bằng khủng bố", và lời thề của Osama bin Laden rằng: "Nước Mỹ sẽ không bao giờ được phép mơ về hòa bình" cho đến khi chúng ta biết đến một nền hòa bình thật sự ở Palestine và cho đến khi tất cả những kẻ thù của chúng ta phải rời khỏi vùng đất của Muhammad ”.