Ngồi sau xe con trai rời khỏi làng Dudchany, đông bắc Kherson, bà Rosalitya Kovalchuk, 72 tuổi, nhìn thấy một chiếc xe quân sự bị phá hủy, cùng thi thể của các binh sĩ Nga gần đó. Cảnh tượng này khiến bà không khỏi ám ảnh trên hành trình rời khỏi Kherson, vùng đất đang trở thành tâm điểm giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga.
Làng Dudchany với khoảng 1.000 dân nằm cạnh sông Dnieper, cách thành phố Kherson, khoảng 124 km về phía tây nam, đang trở thành chiến địa khi quân đội Ukraine áp sát để mở chiến dịch phản công giành lại mục tiêu chiến lược này. Chiếm được Kherson, quân đội Ukraine có thể kiểm soát cửa ngõ chiến lược tới Biển Đen và bán đảo Crimea và có thể tạo bước ngoặt cho chiến sự.
Trong khi các binh sĩ Ukraine áp sát bờ tây sông Dnieper, lực lượng Nga ở Kherson quyết "chiến đấu đến cùng" để bảo vệ thành phố lớn đầu tiên mà họ kiểm soát kể từ khi phát động chiến dịch quân sự.
Trước nguy cơ chiến sự bùng phát dữ dội, chính quyền thân Nga tại tỉnh Kherson ngày 22/10 yêu cầu thường dân sơ tán ngay lập tức khỏi thành phố.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh ban bố thiết quân luật đối với 4 tỉnh sáp nhập tháng trước, trong đó có Kherson, nhằm tăng quyền lực của quân đội và lực lượng hành pháp tại khu vực. Giới chức Nga cũng xác nhận 4 tỉnh này đang được đặt dưới sự bảo vệ của "chiếc ô hạt nhân".
Lực lượng Nga tiến vào làng Dudchany từ tháng 3, biến nhiều ngôi nhà ở đây thành nơi đóng quân và sở chỉ huy. Ngôi làng thường xuyên hứng pháo kích, tiếng gầm rít của chiến đấu cơ bay qua đầu khiến dân làng sợ hãi, trú ẩn trong hầm ngầm.
Những tiếng nổ dần trở nên quen thuộc đối với bà Kovalchuck và người hàng xóm Anna Koval, 72 tuổi, sống tại phố Pushkina trong làng Dudchany. Đến tối 1/10, họ bối rối khi chứng kiến từng đoàn lính Nga và xe thiết giáp hối hả rút lui khỏi làng.
Lực lượng Nga đang dồn quân về thành phố Kherson ở phía tây nam. "Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Họ bỏ lại rất nhiều vũ khí, súng và đạn dược", bà Kovalchuk nhớ lại.
Quân đội Ukraine đến làng vào ngày hôm sau để thu thập khí tài. "Chúng tôi nướng nhiều loại bánh và mang đến cho họ. Thật nhẹ nhõm khi thấy họ", bà Koval kể.
Tuy nhiên, các đợt pháo kích nặng nề nhất sau đó bắt đầu trút xuống Dudcheny, phá hủy hầu hết những ngôi nhà ở rìa làng. Từ ngày 3/10, làng bị mất điện hoàn toàn, không ánh sáng và không nước nóng. Khi một số lính Ukraine chuyển tới đóng quân trong khu nhà ở cuối phố Pushkina, lực lượng Nga lập tức trút đạn pháo xuống đây.
"Họ phát hiện quân Ukraine và bắt đầu oanh tạc khu phố, đạn pháo nổ cách nhà chỉ khoảng 100 mét, khiến chúng tôi quyết định phải sơ tán", bà Kovalchuk nói tại một trường học ở thành phố Kryvyi Rih, phía bắc Kherson, nơi 70 chiếc giường được bố trí cho người tị nạn.
Ngày 11/10, bà Kovalchuk và Koval lên chiếc xe của vợ chồng anh Mykhalo, con trai bà Kovalchuk, rời khỏi tổ ấm mà họ đã xây dựng trong hơn 5 thập kỷ.
"Rất đau đớn", bà Koval nói. "Tôi và chồng đã xây nên ngôi nhà này và chuyển đến ở từ khi mới 17 tuổi. Chỉ có Chúa mới biết liệu tôi có đủ may mắn để trở về hay không".
Nhưng nhiều người vẫn chưa thể rời đi khi giao tranh tại Dudcheny trong vài tuần tới có thể sẽ rất khốc liệt. Tuần trước, lực lượng Ukraine đã tập kích rocket vào một ngôi trường bỏ hoang cạnh làng, được cho là căn cứ của khoảng 100 lính Nga. Mục tiêu chính của các khẩu đội pháo binh Ukraine là tiến vào phạm vi 20 km xung quanh Kherson để có thể tấn công các vị trí Nga trong thành phố.
Koval tỏ ra lo lắng cho những người ở lại. Bà mất liên lạc với cháu gái 31 tuổi từ ngày 3/10. "Trước đó con bé nói có mọi thứ vẫn bình thường, không muốn làm tôi lo lắng", bà Koval nói.
75.000 người, chủ yếu từ Kherson, đã tới Kryvyi Rih tị nạn. Oleksandr Vilkul, lãnh đạo cơ quan quân sự thành phố, cho biết việc sơ tán từ những vùng Nga kiểm soát tới lãnh thổ Ukraine giờ đây đã "gần như bất khả thi".
"Họ phong tỏa các ngả ra vào thành phố từ cách đây 5 tháng, nhưng người dân vẫn có thể men theo đường mòn, vượt sông, băng rừng để thoát ra, vì khi đó tiền tuyến kéo dài hơn 100 km", ông nói. "Có nơi người dân bỏ lại tới 1.000 xe đạp sau khi đến được nơi an toàn. Nhưng khi tiền tuyến dịch chuyển tới sát Kherson như hiện nay, việc thoát ra ngoài như vậy là không thể".
Anatoly Plyska, 70 tuổi, cũng sơ tán tới Kryvyi Rih sau khi lực lượng Ukraine ngày 6/10 tái kiểm soát làng Mykhailivka nơi ông sinh sống. Ông Plyska cho hay trong thời gian kiểm soát làng, lực lượng Nga dựng chốt kiểm soát ở mọi ngả đường ngăn người dân rời đi. Ba thanh niên từng tìm cách thoát khỏi làng qua một khúc sông cạn, nhưng một người giẫm phải mìn và thiệt mạng.
Moskva chưa bình luận về vấn đề này, song đã yêu cầu cư dân trong địa bàn tỉnh sống ở bờ tây sông Dieper sơ tán sang bờ đông, sâu về lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.
Sông Dnieper chia cắt Kherson thành hai phần, trong đó 1/3 ở bờ tây và 2/3 ở bờ đông. Nga đã hoàn toàn kiểm soát 2/3 diện tích Kherson phía bờ đông và phần lớn lãnh thổ bờ tây.
Chính quyền Kherson thân Nga cho biết họ đang tăng cường lực lượng, biến thành phố Kherson thành một "pháo đài". Quyền tỉnh trưởng Kherson Vladimir Saldo nói khoảng 50.000-60.000 dân sẽ được sơ tán đến Nga trong vòng 10 ngày, khi Ukraine tăng áp lực phản công.
Khi giao tranh cận kề, cảnh tượng đẫm máu mà bà Kovalchuk và Koval chứng kiến cách đây hai tuần khi rời khỏi làng Dudchany rất có thể sẽ tái diễn.
"Trái tim tôi đang rỉ máu, chỉ biết ngồi đây và cầu nguyện", bà Koval nói, trên tay là bức tượng Đức mẹ Maria. "Chúng tôi đang sống trong hòa bình, tại sao điều này lại xảy ra?".
Đức Trung (Theo Guardian)
https://vnexpress.net/chay-khoi-chien-dia-kherson-4527084.html