"Đó là khởi đầu của 6 tuần địa ngục", Vasiliy, 37 tuổi, thợ sửa xe ở Kharkov, kể với Carlotta Gall, phóng viên kỳ cựu của NY Times. Thời điểm Vasiliy bị bắt hồi mùa xuân, Nga đang kiểm soát một phần tỉnh Kharkov, miền bắc Ukraine, và việc một người đàn ông đang trong độ tuổi nhập ngũ như anh ra đường là vô cùng nguy hiểm.
Bị chuyển qua nhiều nơi giam giữ, bị thẩm vấn và chích điện liên tục, Vasiliy không hiểu mình đang ở đâu và tại sao một dân thường như anh lại bị bắt.
Anh không phải người duy nhất ở Ukraine lâm vào tình cảnh như vậy. Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Ukraine (HRMMU) đã ghi nhận 287 trường hợp dân thường bị lực lượng Nga bắt giam. HRMMU cho hay con số thực tế có thể cao hơn, khoảng vài trăm người.
Hàng trăm dân thường Ukraine, chủ yếu là nam giới, mất tích trong 5 tháng chiến sự. Giống như Vasiliy, họ bị quân đội Nga hoặc lực lượng dân quân ly khai giam trong các tầng hầm, đồn cảnh sát, cơ sở sàng lọc và cuối cùng bị đưa tới Nga, theo dữ liệu mà phóng viên Gall thu thập được.
Vasiliy là một trong số ít người bị giam ở Nga có thể trở về quê nhà. Anh được thả sau khi bị giam khoảng 6 tuần, và tìm đường trở về Ukraine trong hành trình kéo dài ba tháng. Sau khi quay trở lại công việc thường nhật tại một cửa hàng sửa chữa ôtô ở thành phố Kharkov, anh cảm thấy mình thật may mắn vì vẫn còn sống.
"Rất nhục nhã và kinh hoàng, nhưng cuối cùng tôi vẫn sống sót để về nhà", anh nói. "Một số người không may mắn đến thế, họ bị bắn".
Vasiliy cho biết những người thẩm vấn đã tra hỏi anh về các thông tin như vị trí của các đơn vị quân đội Ukraine. Những cú đấm có thể bất ngờ giáng xuống trước khi anh kịp mở miệng trả lời câu hỏi. "Họ không tin bất cứ điều gì bạn nói, kể cả sự thật", Vasiliy kể. "Bạn không thể chứng minh mình vô tội".
Nhiều gia đình Ukraine khác kém may mắn hơn khi vẫn tìm người thân mất tích. Họ bị giằng xé với câu hỏi không biết thân nhân mình đang ở đâu, hoặc có còn sống hay không.
"Tôi đi ngủ trong nước mắt và thức giấc với đôi mắt nhòa lệ", Olha, 64 tuổi, ở làng Vilkhivka, ngoại ô Kharkov, nói. Bà có một cháu trai đang bị giam chờ xét xử trong một cơ sở của Nga, theo thông tin được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cung cấp. Con trai bà cũng từng bị giam và đánh bất tỉnh rồi được thả ba ngày sau đó.
Olha kể rằng trước đó gia đình bà đã vội vã theo chân dân làng đi bộ 8 km băng qua cánh đồng, đến một địa điểm nơi xe tải quân sự Nga sẽ đưa họ đến một đoàn xe bus đang chờ sẵn. Con trai và cháu trai bà không theo kịp, nên chồng bà đã quay lại tìm.
Khi đang ngồi trên xe bus, bà chứng kiến các binh sĩ Nga lôi hai thanh niên đang băng bó, có thể là lính Ukraine bị thương, ra đánh đập trước mặt hành khách, rồi nổ súng bắn họ. "Thi thể hai người bị bỏ lại trong khu rừng", Olha nói. "Tôi chỉ có thể nhắm mắt và khóc".
Bà đã không còn nhìn thấy cháu trai Mykyta, 20 tuổi, kể từ đó.
Nga phủ nhận cáo buộc tra tấn hoặc giết hại dân thường Ukraine, tuyên bố họ chỉ tấn công các mục tiêu quân sự.
Hầu hết dân thường Ukraine bị Nga giam trong vùng chiến sự là nam giới có kinh nghiệm quân sự hoặc trong độ tuổi chiến đấu. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết quan chức địa phương và nhà báo Ukraine là những người có nguy cơ cao bị lực lượng Nga bắt, song nhiều dân thường cũng bị cuốn vào vòng xoáy này.
Vasiliy cho hay anh bị bắt khi có mặt trên con phố ở Tsyrkuny, đăng bắc Kharkov, nơi một nhóm an ninh Nga đang tiến hành cuộc đột kích. Họ yêu cầu vợ anh và một phụ nữ hàng xóm về nhà, còn Vasiliy bị trói tay bằng băng keo và đẩy vào một chiếc xe bus.
Những người lính bịt mặt tiếp tục xông vào một ngôi nhà gần đó và bắn chỉ thiên, bắt thêm 4 người đàn ông khác và đưa lên chiếc xe bus nơi Vasiliy đang ngồi. Trong số này có Vadym, 36 tuổi, người ra ngoài mua tã cho con và không có liên hệ gì với quân đội, theo lời kể của người em gái Darya Shepets.
Những người bị bắt được đưa đến tầng hầm của một ngôi nhà trong làng và bị thẩm vấn. Sau đó, họ bị chuyển đến một ngôi làng khác, giam chung với nhóm khoảng 20 người. Sau ba tuần, Vasiliy cùng 10 người khác bị chuyển đến một cơ sở giam giữ ở biên giới phía bắc Ukraine.
"Thật khó hiểu khi những người này bị bắt giam", anh nói. "Có một người đàn ông bị bắt trong khi đang đạp xe chở một bao ngô, thậm chí có thiếu niên bị bắt khi đang đạp xe đến nhà bà".
Họ bị tách riêng ra để thẩm vấn, bị đánh vào đầu và chích điện. "Như thế toàn bộ cơ thể bị vô số mũi kim châm vào vậy", Vasiliy nói.
"Chúng tôi được cho ăn uống một lần mỗi ngày", anh nhớ lại. "Nhưng đôi khi bị bỏ đói trong hai đến ba ngày. Không có nhà vệ sinh, họ cho chúng tôi chai để sử dụng. Chúng tôi phải ngủ cùng nhau trên lốp ôtô".
Vasiliy cho biết những người thẩm vấn liên tục hỏi họ về các phần tử phát xít, lý do chính mà Nga nêu ra để phát động chiến địch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2. "Họ nói họ đến để giải phóng chúng tôi khỏi chủ nghĩa phát xít, để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn", anh kể. "Tôi nói rằng tôi làm việc cả ngày ở xưởng sửa xe và không thấy thành viên phát xít nào, mọi thứ đều ổn".
"Đừng nói dối, các phần tử phát xít đang ở đây, có hẳn một nhóm phát xít đã được thành lập. Tất cả họ đều có hình xăm", những người thẩm vấn tức giận trả lời.
Bốn người đàn ông bị bắt đi cùng Vadym đã mất tung tích kể từ đó. Vasiliy nghĩ rằng Vadym sắp được thả nên đã dặn anh nói chuyện với vợ mình ở làng, nhắn rằng cô ấy sẽ giúp Vadym lo liệu tã bỉm, thức ăn cho đứa con nhỏ của anh. Nhưng khi trở về nhà hồi cuối tháng 6, Vasiliy sốc nặng khi nhận ra mình là người duy nhất quay trở lại.
Trước khi được thả, Vasiliy tiếp tục bị đưa tới Nga, nơi anh kể rằng các đặc vụ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đề nghị anh làm việc cho họ. Sau khi Vasiliy từ chối, FSB đã để anh đi sau ba ngày.
"Họ nhận ra chúng tôi vô hại", anh nói, thêm rằng đã phải đi vòng qua các nước vùng Baltic và Ba Lan để về Ukraine, trong bộ dạng như một người vô gia cư với bộ râu rậm, đầu tóc bù xù.
Trong khi đó, Shepets, em gái Vadym, vẫn tìm kiếm thông tin về anh trai trong vô vọng. Cô sau đó được một cơ quan chính phủ Ukraine thông báo rằng Vadym đang bị người Nga giam. Một người bạn của Shepets cũng tìm thấy bức ảnh chụp Vadym trong tù, được đăng trên một nhóm chat trên mạng của người Nga.
"Tôi gần như phát điên khi nhìn bộ dạng tiều tụy của anh ấy", Shepets cho biết. "Trong bức ảnh, anh ấy rất gầy, đôi mắt trũng sâu, xương quai xanh nhô lên".
Bức ảnh của Vadym sau đó bị xóa khỏi nhóm chat. "Giờ tôi không biết thông tin gì về anh ấy nữa, không còn một đầu mối nào, chẳng có gì", Shepets vừa nói vừa đưa tay gạt nước mắt.
Đức Trung (Theo NY Times)
https://vnexpress.net/nguoi-ukraine-ke-6-tuan-trong-trai-giam-nga-4500139.html