Trong bài viết đăng trên báo New York Times ngày 31/5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết rằng ngoại giao sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng Mỹ vẫn phải cung cấp vũ khí và đạn dược để Kiev có được vị thế cao hơn trên bàn đàm phán.
"Chúng ta phải nhanh chóng gửi một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược cho Ukraine để họ chiến đấu và ở vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán.
Đó là lý do tại sao tôi quyết định sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến để giúp họ tấn công chính xác các mục tiêu quan trọng trên chiến trường”, ông Biden cho biết.
Reuters dẫn nguồn tin quan chức Mỹ xác nhận Washington sẽ gửi pháo HIMARS M142 có tầm bắn đến 80km cho Kiev như những thông tin đồn đoán trước đó. "Những hệ thống pháo này sẽ được Ukraine dùng để đánh bật sự tiến công của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ không được sử dụng với các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", quan chức này cho biết.
Các hệ thống pháo này được cho là nằm trong gói hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trị giá 700 triệu USD mà Mỹ dự kiến công bố trong ngày 1/6. Những vũ khí trong gói hỗ trợ bao gồm đạn dược, radar phản lực, radar giám sát, tên lửa chống tăng Javelin cũng như vũ khí chống giáp.
Ukraine thời gian qua kêu gọi Mỹ và các đồng minh cung cấp tên lửa tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu cách hàng trăm kilômet để xoay chuyển tình thế trên chiến trường. Trong khi đó, Mỹ đang “đi trên dây” giữa việc giúp Ukraine mà không làm leo thang cuộc chiến.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lo lắng Ukraine có thể sử dụng vũ khí mới để tấn công vào Nga, theo CNN. Nếu loại vũ khí này đặt gần biên giới và có thể bắn sâu vào lãnh thổ Nga, Washington cho rằng đây sẽ là hành động khiêu khích quá mức với Điện Kremlin.
Các nguồn tin còn cho biết, mối quan tâm lớn khác trong chính quyền ông Biden là liệu Mỹ có đủ khả năng để cho đi nhiều vũ khí cao cấp được lấy từ kho dự trữ của quân đội của nước này hay không. Mỗi khoản viện trợ sẽ dẫn đến sự sụt giảm vũ khí trong kho dự trữ của Mỹ, đặt ra câu hỏi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này. Mối lo gia tăng đáng kể khi Mỹ không có nguồn cung lớn các hệ thống vũ khí hiện đại và đắt đỏ.
Và ngày 31/5 vừa qua, ông Biden cho biết, Washington sẽ không gửi cho Kiev các vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ông Biden khẳng định, Mỹ không muốn xảy ra chiến tranh giữa Nga và các nước tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như Washington sẽ không tham gia xung đột trừ khi đồng minh bị tấn công.