Cuộc phản công hôm 29/5 vào Kherson, thành phố ở miền nam, diễn ra giữa lúc lực lượng Ukraine đang căng mình ngăn đà tiến của Nga ở các thành phố, thị trấn tỉnh Lugansk tại miền đông.
"Kherson cố lên, chúng tôi đang đến!", quân đội Ukraine viết trên Twitter, thông báo về cuộc phản công. Động thái này cho thấy Kiev đang cố gắng khai thác lỗ hổng chiến lược của đối phương, báo hiệu một chương mới trong xung đột Ukraine - Nga, theo Andrew E. Kramer và Jason Horowitz, hai nhà phân tích của NY Times.
Kherson nằm ở phía bắc bán đảo Crimea, là thành phố lớn đầu tiên bị lực lượng Nga kiểm soát cách đây hơn 3 tháng. Lực lượng Nga sau đó đã củng cố hiện diện, sử dụng thành phố như bàn đạp cho các hoạt động quân sự trên khắp miền nam Ukraine.
Quân đội Ukraine cho biết trong đòn phản kích ngày 29/5, họ đã phá vỡ tuyến phòng thủ của đối phương, đẩy lực lượng Nga vào khu vực địa hình kém thuận lợi gần các làng Andruyivka, Lozove và Belihorka. Họ cũng tìm cách đe dọa các tuyến tiếp tế của Nga trên những cây cầu qua sông Dnipro.
Lực lượng Nga gần đây dường như cũng nhận ra điểm yếu này tại khu vực miền nam, khi họ dồn lực lượng tấn công các mục tiêu ở Donbass. Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã nỗ lực xây dựng nhiều công sự phòng thủ ở Kherson, nhưng không rõ họ có chuẩn bị sẵn sàng trước cuộc phản công của Ukraine hay không.
Ukraine đã phát tín hiệu sẽ mở cuộc phản công trước nhiều ngày, dù nói rằng nỗ lực này sẽ cần tới các hệ thống pháo hạng nặng mà Mỹ và các đồng minh phương Tây cam kết cung cấp. Hiện chưa rõ Ukraine đã sử dụng loại pháo nào trong cuộc phản công hôm 29/5.
Trong một cuộc chiến ngày càng trở thành cuộc chạy đua vũ trang, những khẩu lựu pháo uy lực do Mỹ sản xuất đã được triển khai cho lực lượng Ukraine đầu tháng này và tên lửa hành trình chống hạm Harpoon từ Đan Mạch cũng đã được cung cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói chúng sẽ được sử dụng để phá vòng phong tỏa của Nga ở Biển Đen và bảo vệ thành phố cảng Odessa.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt cung cấp hệ thống pháo phản lực tầm xa cho Ukraine, có thể hỗ trợ hỏa lực đáng kể cho quân đội Ukraine.
Chiến dịch phản công của Ukraine hôm 29/5 dường như gửi thông điệp tới Nga rằng họ sẽ không chỉ đơn thuần bị động phòng thủ trên chiến trường mà Nga lựa chọn. Thay vào đó, Kiev dường như đang vẽ lại bản đồ tác chiến, khoét sâu vào những nơi mỏng nhất của lực lượng Nga.
Trong khi đó, lực lượng Nga cũng tìm cách tăng sức ép tại chiến tuyến hơn 120 km ở khu vực Donbass. Họ đã huy động phần lớn lực lượng để tiến công vào miền đông nhằm kiểm soát Severodonetsk, pháo đài cuối cùng của Ukraine ở tỉnh Lugansk.
Để động viên tinh thần binh lính trong nỗ lực ngăn đà tiến của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29/5 bất ngờ tới thăm Kharkov, dù nơi này thường xuyên hứng chịu pháo kích của Nga.
Tổng thống Zelensky mô tả tình hình ở Severodonetsk cuối tuần qua là "khó khăn không thể tả". Người Ukraine gọi tuyến đường vào thành phố từ phía tây là "con đường sống", bởi đây là tuyến tiếp tế duy nhất cho binh lính bảo vệ Severodonetsk.
Nga đã tìm cách cắt đứt con đường này, liên tục pháo kích và tổ chức các mũi tiến công bằng xe tăng, xe bọc thép, nhưng dường như chưa thể thành công trước sức kháng cự của lực lượng Ukraine.
Quan chức quân đội Ukraine đêm 29/5 thông báo trên Facebook rằng Nga đang "cố giành chỗ đứng ở vùng ngoại ô phía đông bắc thành phố Severodonetsk, tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng vào trung tâm thành phố".
Nga đã sử dụng pháo tầm xa và vũ khí nhiệt áp để công kích các thị trấn mục tiêu trước khi bao vây. Họ cũng tuyên bố phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon từ Biển Barents vào mục tiêu cách xa gần 1.000 km.
Dù vũ khí, chiến thuật và mục tiêu của cuộc xung đột thay đổi, thiệt hại về con người là điều không đổi. Lực lượng Ukraine hôm 29/5 nói rằng Moskva đã yêu cầu các bệnh viện ở bán đảo Crimea ngừng điều trị cho dân thường để chăm sóc binh lính bị thương. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Trong bối cảnh thiệt hại về người và của trong cuộc xung đột tiếp tục tăng, các lãnh đạo châu Âu lần nữa kêu gọi ngừng bắn. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông sẵn sàng "nối lại đối thoại với Kiev".
Tuyên bố của Điện Kremlin cũng cho biết về nội dung cuộc điện đàm của ông với các lãnh đạo Pháp và Đức hôm 28/5. Theo đó, ông Putin nói việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể dẫn tới "tình hình bất ổn hơn nữa", đồng thời nhắc lại yêu cầu phương Tây bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột đều phải thông qua đàm phán giữa Moskva và Kiev với "sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine", theo thông cáo từ văn phòng Tổng thống Pháp.
Nhưng Mykhaylo Podolyak, trợ lý Tổng thống Ukraine và là đặc phái viên đàm phán hòa bình, cho biết trong một bài đăng trên Telegram cuối tuần qua rằng Nga đơn giản là "không đáng tin".
"Bất kỳ thỏa thuận nào với Nga đều không đáng giá một xu", ông Podolyak viết, thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành "trên chiến trường" cho tới khi Nga rút quân khỏi Ukraine.
Thanh Tâm (Theo NY Times)