(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng chuyển giao thêm tàu tuần duyên cho Việt Nam.
Tại cuộc họp báo vào chiều 20/4, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về vấn đề hỗ trợ an ninh hàng hải, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết Mỹ cam kết hợp tác nhằm tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và nâng cao nhận thức hàng hải.
"Một phần trong những nỗ lực này của chúng tôi là trong vài năm qua, Mỹ đã cung cấp 2 tàu tuần duyên cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Đây là minh chứng rõ ràng cho mối quan tâm của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải", Đại sứ Knapper nói.
Đại sứ Knapper cho biết Mỹ đã "sẵn sàng để chuyển giao tàu tuần duyên thứ 3 cho Việt Nam". Về vấn đề này, ông Knapper nói rằng phía Mỹ vẫn đang trong quá trình thảo luận với chính phủ Việt Nam.
Hợp tác ứng phó Covid-19
Về hợp tác trong vấn đề ứng phó với đại dịch Covid-19, Đại sứ Knapper cho biết thông qua mối quan hệ hợp tác y tế giữa Mỹ và Việt Nam nói chung, có thể thấy quỹ đạo hợp tác đã bắt đầu từ 15-16 năm trước và đây là quỹ đạo đang đi lên.
Theo ông Knapper, hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc ứng phó Covid-19 là sự phát triển tự nhiên từ hoạt động hợp tác y tế giữa hai nước trong nhiều năm qua. Sự hợp tác này được xây dựng dựa trên sự tin tưởng cũng như sự chia sẻ về chuyên môn giữa 2 nước từ 2 thập niên trước.
"Chúng tôi rất tự hào vì chúng tôi đã cung cấp cho Việt Nam gần 40 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19. Chúng tôi cũng rất tự hào khi làm việc này với tư cách một người bạn của Việt Nam. Con số 40 triệu liều vaccine này đã phản ánh rõ mối quan tâm của Mỹ với sức khỏe của người dân Việt Nam. Nếu có một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tiếp theo, Mỹ sẽ luôn sẵn sàng để phối hợp với Việt Nam trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng đó", ông Knapper nhấn mạnh.
Hợp tác nhiều mặt
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi tới Việt Nam nhậm chức, Đại sứ Knapper cho biết so với thời điểm cách đây 15 năm khi ông rời Việt Nam, trong lần trở lại này, ông đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ tại Việt Nam và Hà Nội.
Theo Đại sứ Knapper, sự thay đổi mà ông nhận thấy đó là sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội cũng như sự tăng trưởng trên khắp Việt Nam. Ông còn nhìn thấy sự thay đổi ở việc Việt Nam đóng vai trò ngày càng nổi bật trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Một sự thay đổi nữa là số du khách Mỹ thăm Việt Nam, cũng như là số du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng mạnh.
"Tuy nhiên, điều mà tôi nhận thấy không hề thay đổi, đó là sự ấm áp cũng như sự hiếu khách của người dân Việt Nam, sự thân thiện mà tôi và vợ tôi đã nhận được từ người dân Việt Nam kể từ khi chúng tôi quay trở lại đây", ông Knapper chia sẻ.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, 2 nước đã mở rộng và phát triển mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực: thương mại, đầu tư, năng lượng, y tế, an ninh hàng hải, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa. Đại sứ Knapper nói rằng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam phát triển theo cách mà bản thân ông cũng không thể hình dung được vào thời điểm 15 năm trước đây.
Đại sứ Knapper nói rằng, một trong số nền tảng mà hai nước phát triển mối quan hệ song phương là hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh, bao gồm việc xử lý những điểm nóng về dioxin, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm những người bị mất tích trong chiến tranh cả từ phía Việt Nam và phía Mỹ.
"Mối quan hệ mà hai nước chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ vào sự tận tụy, cần mẫn và thiện chí của hàng trăm nghìn người từ cả 2 nước trong suốt 3 thập niên qua. Họ đã rất nỗ lực để có thể xây dựng lòng tin giữa 2 bên", ông Knapper cho biết.
Đại sứ Knapper tuyên bố ông sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam cũng như lòng tin giữa hai nước. Đây là một công việc mà ông rất coi trọng.
Ưu tiên nâng cấp quan hệ song phương
Đại sứ Knapper cho biết một trong những ưu tiên của Mỹ hiện nay là nâng cấp mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từ quan hệ Đối tác Toàn diện lên quan hệ Đối tác Chiến lược.
Đại sứ Knapper nói rằng việc nâng cấp quan hệ Việt Nam và Mỹ không chỉ là ưu tiên của cá nhân ông mà còn là ưu tiên của chính phủ Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris khi đến thăm Việt Nam năm 2021 đã nhấn mạnh ý muốn của Mỹ về việc tăng cường quan hệ 2 nước.
"Đã đến lúc nâng cấp quan hệ 2 nước, đã gần 10 năm kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược không chỉ thể hiện chính xác mối quan hệ giữa 2 nước hiện nay, mà còn mở ra cơ hội làm sâu sắc hơn mối quan hệ này, đồng thời mở rộng hợp tác giữa 2 bên", ông Knapper nói.
Theo Đại sứ Knapper, 2 nước có một số điều kiện thuận lợi để nâng cấp quan hệ.
"Hai nước chúng ta đã làm được rất nhiều việc cùng nhau, kể cả ở cấp độ chính phủ lẫn cấp độ nhân dân. Cả Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ những mục tiêu và lợi ích chung về mặt an ninh, thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng cường khả năng chống chịu trước thách thức. Đây là những khía cạnh mà cả 2 quốc gia đang hợp tác cùng nhau để có thể tạo nên nền tảng cho sự thịnh vượng chung của cả 2 nước. Nếu đó không phải là sự hợp tác chiến lược, tôi không biết gọi đó là gì", ông Knapper chia sẻ thêm.
Hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao
Đại sứ Knapper cho biết ông rất mong chờ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN được tổ chức tại Mỹ vào tháng 5 tới.
"Đây là cơ hội tuyệt vời để chào đón các lãnh đạo khu vực, trong đó có lãnh đạo Việt Nam, đến Washington. Tôi hy vọng chương trình chuyến thăm của Việt Nam sẽ hiệu quả. Về phía Mỹ, chúng tôi háo hức đón chào các vị khách từ Việt Nam", ông Knapper nói.
Theo Đại sứ Knapper, từ thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, tất cả Tổng thống Mỹ trước đây đều thăm Việt Nam. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng thăm Việt Nam."Tất cả chuyến thăm này đều là cơ hội tuyệt vời để làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước, tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ đón tổng thống của chúng tôi thăm Việt Nam", ông Knapper cho biết.
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-san-sang-chuyen-giao-tau-tuan-duyen-thu-3-cho-viet-nam-20220420183813037.htm