Cuộc sống cơ cực của những lao động mất việc bị "mắc kẹt" và muốn rời TPHCM Cuộc sống cơ cực của những lao động mất việc bị "mắc kẹt" và muốn rời TPHCM , Người xứ Nghệ Kiev
Cuộc sống cơ cực của những lao động mất việc bị "mắc kẹt" và muốn rời TPHCM
Thực hiện: Nguyễn Quang20/08/2021
(Dân trí) - Mất việc, hết tiền thuê trọ, Tuấn liều chạy xe máy chở vợ và con nhỏ vượt nghìn km về Hà Tĩnh nhưng bị chặn ở cửa ngõ. Trở lại TPHCM, gia đình Tuấn sống tạm bằng thực phẩm cứu trợ, chờ ngày về quê.
Hơn 2 tháng mất việc, không còn khả năng bám trụ lại Sài Gòn, Đinh Văn Tuấn (26 tuổi, quê huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đánh liều chạy xe máy chở vợ và con nhỏ 10 tháng tuổi với ý định vượt quãng đường nghìn cây số từ TPHCM về quê ở Hà Tĩnh tránh dịch cũng là tránh đói.
Tuy nhiên ngày 15/8, chuyến hồi hương bất thành khi đoàn người bị lực lượng chức năng chặn lại ở cửa ngõ phía Đông, yêu cầu quay trở lại TPHCM. Cả gia đình Tuấn bị kẹt lại ở Bến xe miền Đông từ sáng sớm đến chiều muộn, cuối cùng phải gác lại chuyện về quê để trở lại thành phố, thực hiện biện pháp "ai ở đâu, ở yên đấy".
"Trước khi về, em đã cho hết đồ đạc chỉ còn chừa lại ít quần áo đóng gói trong balo để thay dọc đường. Nhà trọ cũng đã trả, nên sau khi quay lại thành người vô gia cư. May mắn, ngày hôm sau có người thấy hình ảnh của gia đình em đăng trên mạng nên cho ở tạm tại ở một quán ăn đã đóng cửa gần cầu vượt Linh Xuân mấy hôm nay", Tuấn cho biết.
Cô con gái 10 tháng tuổi bị sốt do ở cả ngày ngoài đường, lại thêm chỗ ở lạ nên khóc suốt ngày, lúc nào cũng bắt bố mẹ bế trên tay.
Hơn 4 tháng trước, Tuấn vào TPHCM làm công nhân gia công thìa dĩa với thu nhập 8 triệu đồng/tháng để nuôi vợ con. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội nên Tuấn thất nghiệp. Tiền lương hàng tháng cũng chỉ đủ để trả tiền trọ, mua tã sữa cho con gái và tiền ăn của 2 vợ chồng mỗi ngày mà không có dư. Từ khi thất nghiệp, Tuấn vay mượn của người thân nhưng cũng chỉ cầm cự được đến hết tháng 7.
Sau khi quay lại TPHCM, mỗi ngày vợ chồng Tuấn chỉ ăn mì gói để tiết kiệm, thỉnh thoảng đổi mì khô, mì nước để thay đổi khẩu vị. "Lâu lắm rồi con gái em không được uống sữa, chỉ có cháo gói ăn liền, nhiều bữa nó không chịu ăn cháo thì vợ em cho con ăn mì cùng bố mẹ", chàng trai trẻ tâm sự.
"Vợ em người dân tộc Ê Đê quê ở Đắk Lắk, 2 vợ chồng ngày xưa làm chung công ty nên quen và cưới nhau được gần 2 năm. Mình là chồng là cha mà giờ không lo nổi cho vợ con, nhiều lúc buồn lắm nhưng chỉ biết cố gắng tới đâu hay tới đó", Tuấn tâm sự.
"Ở đây rộng hơn nhà trọ của vợ chồng em nhưng ở tạm vài ba hôm thì được, chứ cứ ở kiểu này dài thì mệt lắm anh ạ. Căn nhà này lâu rồi không có người ở nên muỗi nhiều lắm, nó cắn con em sưng hết mặt lên rồi, em nhìn con mà xót lòng quá", Tuấn trầm ngâm.
Tuấn trải tấm chiếu dưới nền gạch làm chỗ ngủ cho cả gia đình. Khi vợ con đã ngủ, chàng trai 26 tuổi vẫn trằn trọc mãi vì suy nghĩ đến cuộc sống của cả gia đình ngày mai, ngày kia và xa hơn nữa sẽ như thế nào, "Em không mong được giúp đỡ tiền bạc, em chỉ cầu xin có một chuyến xe để đưa gia đình em về quê, vợ con em khổ quá rồi".
Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Đinh Thị Nga (28 tuổi, quê huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, chị gái ruột của Tuấn) cũng đã thất nghiệp mấy tháng nay. Sau khoảng thời gian chờ đợi khá lâu ngay chốt kiểm soát để được về quê hôm 15/8, gia đình nghỉ tạm dưới bãi cỏ trước bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức).
Sau chuyến về quê bất thành, cả gia đình chị Nga đành phải quay lại xin bà chủ phòng trọ tiếp tục cho thuê để ở tạm.
"Chồng tôi bị bệnh phổi mấy năm nay, đã đi bệnh viện từ Bắc vào Nam nhưng vẫn không thuyên giảm, cứ duy trì uống thuốc mỗi ngày. Bây giờ chỉ mong cả gia đình được về, chứ ở đây tiền ăn không có nói gì tới tiền thuốc thang cho chồng, sức chịu đựng của chúng tôi cũng cạn rồi", người phụ nữ than thở.
Tương tự gia đình chị Nga, Tuấn... chị Đinh Thị Ngân (30 tuổi, quê huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) làm công nhân ở khu công nghiệp Linh Trung (TP Thủ Đức). Hơn 2 tháng nay chị Ngân mất việc, trong khi chồng phải đi cách ly tập trung vì công ty có ca F0.
"Tôi bàn với chồng để mình đưa con về trước cho nó đi học, cũng đã đăng ký mọi cách mà không được nên hôm trước xin đi ké mấy người trong đoàn đi xe máy để về quê nhưng rồi lại phải quay về phòng trọ", chị Ngân nói.
"Mấy tuần nay tôi toàn đi xin gạo, xin mì về nấu ăn cho 2 mẹ con. Ở quê tôi còn 2 đứa con, một đứa học lớp 4, một đứa 4 tuổi nữa, tháng nào cũng phải dành dụm gửi về cho ông bà ngoại mua sách vở, lo ăn uống cho con. Gần 2 tháng mất việc rồi nên chưa gửi được đồng nào về cho ông bà", người phụ nữ tâm sự.
Chị Châu Ngọc Quyên (39 tuổi, quê An Giang) sống một mình trong dãy trọ trên đường số 4, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức. Đang mang bầu tháng thứ 8, gần đến ngày sinh nhưng chị vẫn mắc kẹt ở TPHCM không thể về quê.
"Từ ngày biết tôi có bầu, ba đứa bé không còn liên lạc hỏi thăm nữa. Tôi đã mất việc từ tháng 7, cũng muốn về quê sinh vì có ông bà ngoại và người thân nhưng gọi điện khắp nơi vẫn không có chuyến xe nào để về. Giờ ở phòng trọ một mình, chỉ biết cậy nhờ mấy người hàng xóm, nhưng đến khi sinh không biết phải làm thế nào đây", chị Quyên nói.
Theo chị Quyên, từ lúc nghe TPHCM phải giãn cách thêm một tháng, chị cũng chưa chuẩn bị gì cho ngày sinh cả, đến đâu tính tới đó. Có hôm chị khăn gối quần áo, ra đường xem có ai cho đi nhờ về quê không nhưng vừa bước chưa xuống hết cầu thang thì cả người đứng không vững, suýt té may có mấy người ở trọ dìu quay lại phòng.
"Về phòng nằm khóc một lúc nhưng nhớ là đang mang bầu khóc ảnh hưởng đến con sau này, tự trấn an bản thân, rồi mọi chuyện sẽ qua. Bây giờ chỉ mong sao được về quê, có phải bán hết đồ đạc hay ai yêu cầu làm cái gì cũng được, chỉ cần cho mẹ con tôi về quê", chị Quyên rơm rớm nước mắt.
Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, ngày 19/8, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH đã trực tiếp đi khảo sát tại các khu nhà trọ ở Quận Bình Tân, Gò Vấp, TP Thủ Đức và chuyển lời thăm hỏi động viên, chia sẻ của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đến từng người dân, người lao động, lao động tự do đang gặp khó khăn, đồng thời gửi những "Túi an sinh" tới người dân, người lao động thất nghiệp trên địa bàn TPHCM.
"Trong thời gian qua, đường dây nóng của Bộ LĐ-TB&XH nhận được rất nhiều cuộc gọi của bà con ở khu vực TPHCM, đặc biệt là ở những khu trọ phản ánh về cuộc sống khó khăn. Chúng tôi xuống tìm hiểu cuộc sống của bà con, trao những phần quà thiết thực trong chương trình một triệu "Túi an sinh" để bà con yên tâm phòng chống dịch. Chúng tôi mong muốn tất cả người dân cũng như anh em lao động mất việc không nên suy nghĩ chuyện về quê lúc này vì vừa nguy hiểm cho bản thân vừa mang nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho địa phương mình", ông Thắng cho biết.
Mỗi phần quà gồm sữa, bánh chưng, nước suối, khẩu trang và kèm theo những phong bì tiền hỗ trợ gửi đến những phận đời khó khăn, vô gia cư trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã làm ấm lòng người nhận.
Tại buổi khảo sát, sau khi lắng nghe những chia sẻ của người dân, những lao động thất nghiệp vì dịch Covid-19, ông Phạm Anh Thắng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên những lao động thất nghiệp. Sau buổi khảo sát thực tế, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam sẽ có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo UBND TPHCM để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời, đồng thời sẽ tiếp tục đi trao những phần quà "Túi an sinh" đến người dân khó khăn, người lao động mất việc.