(HNMO) - Ngày 30-10-2019, Hà Nội đã chính thức ghi danh vào Mạng lưới 246 thành phố sáng tạo UNESCO với lĩnh vực thiết kế. Ngay sau đón nhận tin vui này, Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đơn vị trực tiếp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với đơn vị chủ trì Sở Văn hóa - Thể thao biên soạn, hoàn thiện hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) về quá trình đi tới thành công này cũng như những công việc cần tiếp tục triển khai sắp tới.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, ngày 1-1-2019, trên Báo Hànộimới, chúng ta đã vui mừng chia sẻ những kết quả của cuộc hội thảo lớn nhằm “Kích hoạt tiềm năng, xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo”. Ngày 28-6, đội ngũ các chuyên gia đã hoàn thành hồ sơ trình UNESCO. Và đặc biệt, một ngày cuối tháng 10 này, Hà Nội nhận được tin vui khi chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Có thể gọi tên cảm xúc của bà và các đồng nghiệp trước tin vui này như thế nào?
- Trải qua một chặng đường dài, phải nói là tôi cùng tất cả các bạn (cho phép tôi được gọi các đồng nghiệp của mình là bạn) trong tổ biên soạn hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” đã cùng nhau đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng một cách ngắn gọn, khi nhận được thông báo của UNESCO về việc Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, dường như mắt ai cũng cay, rồi chỉ một tích tắc sau, tự nhiên tất cả như vỡ òa... Khoảnh khắc ấy rất giống khi chúng tôi nhìn ê-kíp bấm nút chính thức chuyển hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” trình UNESCO. Những khoảnh khắc đánh dấu sự nỗ lực của tất cả mọi người vì những điều đẹp đẽ và đầy ý nghĩa đối với thành phố mà chúng tôi luôn yêu quý, gắn bó.
- Vâng, có thể hiểu được sự xúc động của bà và đồng nghiệp. Sự kiện này hẳn cũng có một ý nghĩa to lớn với Hà Nội trong chặng đường sắp tới?
- Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, trải qua hơn 1000 năm lịch sử - Hà Nội như tên gọi ban đầu Thăng Long - đã mang theo khát vọng của một dân tộc luôn vươn lên bằng sự sáng tạo. Phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ thêm một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên - Thăng Long - từ ngàn năm trước. Và sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới 246 thành phố sáng tạo UNESCO thực sự mở ra cơ hội lớn cho thành phố, là minh chứng rõ nét cho khả năng hiện thực hóa khát vọng vươn lên bằng nội lực sáng tạo độc đáo của mình.
Thú thực, bản thân tôi và cả đội từng suy nghĩ, nếu lần này Hà Nội chưa được ghi danh thì tất cả những nỗ lực của cơ quan chủ trì Sở Văn hóa - Thể thao, các đơn vị phối hợp, các chuyên gia, nhà quản lý, nghệ sĩ… nhằm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ này cũng vẫn là việc làm ý nghĩa. Qua đây, chúng tôi hiểu rằng, Hà Nội là thành phố mang trong mình tiềm năng sáng tạo lớn, đặc biệt, có khả năng thích ứng với cái mới cao… Tôi luôn nghĩ thế này, người Hà Nội qua suốt chiều dài lịch sử cho dù có thể ở một thời điểm nào đó, với một cá nhân nào đó nhìn bên ngoài ta tưởng họ thờ ơ, nhưng thực ra bên trong mỗi trái tim họ luôn có một ngọn lửa lặng thầm hoặc bùng cháy của sự sáng tạo. Và để thành phố không ngừng phát triển, không gì hơn là phải khơi dậy nhiều hơn sự bùng cháy của những ngọn lửa đó trong mỗi con người thành phố.
- Trong số 66 thành phố được ghi danh dịp này, Hà Nội là một trong số 9 thành phố lựa chọn thiết kế (design) làm lĩnh vực có tính đột phá. Bà có thể chia sẻ một vài câu chuyện bếp núc trong việc lựa chọn lĩnh vực này, cũng như việc hồ sơ đã đáp ứng các yêu cầu của UNESCO ra sao?
- Trước hết, xin được chia sẻ ngay rằng, lúc đầu chúng tôi đưa ra hai lĩnh vực để thành phố lựa chọn cho hồ sơ là: Một là thủ công và nghệ thuật dân gian và hai là thiết kế. Thú thực, khi thành phố lựa chọn lĩnh vực thiết kế chúng tôi cũng khá hoang mang vì đây là lĩnh vực hấp dẫn nhưng đầy thử thách, lại không phải là lĩnh vực cụ thể, có nền tảng phong phú sẵn như thủ công và nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, chính thử thách đã làm nên chiều sâu và sức thuyết phục cho lĩnh vực mà chúng ta ứng cử cho danh hiệu Thành phố sáng tạo.
Cụ thể, để làm được điều đó, chúng tôi đã xác định Hà Nội là chủ thể của hồ sơ này, tổ biên soạn phải giữ đúng vai trò hỗ trợ hết sức để hồ sơ nói lên đúng tiếng nói, mong muốn, quyết tâm của Hà Nội. Chúng tôi cố gắng đặt ra ngoài mọi áp lực, để có thể nhìn thành phố như một thực thể gắn liền với tiềm năng sáng tạo. Và thiết kế lúc này không chỉ được xem như một tiềm năng của Hà Nội mà phải thực sự là một giải pháp có thể làm thay đổi thành phố, trong đó chủ thể của thiết kế chính là lực lượng sáng tạo, các nhà quản lý, mọi người dân…
UNESCO đã lựa chọn Hà Nội là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế cũng là bởi, hồ sơ được xây dựng trên cơ sở nắm chắc các tiêu chí; cơ quan chủ trì, đơn vị phối hợp đã nỗ lực hết sức để thấu hiểu Hà Nội; thẳng thắn nêu rõ thế mạnh và cả hạn chế, đưa ra các giải pháp thực sự khả thi.
- Để Hà Nội có tên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo, tôi cũng hình dung ra sự hình thành một “mạng lưới” kết nối những tấm lòng vì Hà Nội trong quá trình xây dựng hồ sơ? Bà có nghĩ như vậy?
- Quả thực là như vậy, nhìn lại hành trình ấy tôi vẫn thực sự xúc động vì sự thấu hiểu, sự tôn trọng, tinh thần hỗ trợ hết mình của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, kiến trúc sư, những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, các tình nguyện viên… đối với đội ngũ những người trực tiếp biên soạn hồ sơ. Có thể kể đến các cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các cộng tác viên là nhà nghiên cứu độc lập, chuyên gia trong nước, quốc tế cùng các sinh viên rất trẻ của nhiều trường đại học trên địa bàn Thủ đô và các tình nguyện viên đến từ Mỹ, Anh, Canada. Nói riêng, chỉ việc xử lý, chuẩn hóa một khối tư liệu đồ sộ do các đồng nghiệp thuộc Sở Văn hóa - Thể thao cung cấp thôi đã là một công việc hết sức nặng nhọc rồi. Nhưng các cán bộ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã hóa giải điều đó, giúp chúng tôi làm sáng tỏ, tăng sức thuyết phục cho hồ sơ bằng hệ thống những con số mạch lạc, chính xác. Ngoài ra, việc chuyển ngữ hồ sơ, đáp ứng các tiêu chí cụ thể về ký tự văn bản cũng phải tính toán rất chi tiết, lựa chọn kỹ lưỡng. Tôi nghĩ là tất cả mọi người, ở từng lĩnh vực được phân công trong quá trình thực hiện hồ sơ đều đã làm việc hết mình, và chúng tôi gọi nhau là "đội Don Kihote không biết sợ".
- Sau thành công này, Hà Nội sẽ phải nộp báo cáo đầu tiên về việc thực hiện các giải pháp đề ra trong hồ sơ vào năm 2023. Như vậy, trong 4 năm tới, Hà Nội sẽ tập trung vào những việc gì cho thành phố sáng tạo?
- Tôi có thể nêu ngắn gọn những sáng kiến đề xuất cấp địa phương và quốc tế mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện thời gian tới. Đó là, thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội; dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội… Đây đều là những dự án có tính khả thi cao và hy vọng từ đây chúng ta sẽ cùng nhau đánh thức tiềm năng thiết kế của thành phố để giữ trọn vẹn tinh thần của một Hà Nội sáng tạo và cống hiến.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!