Đại sứ Mỹ: "Tôi tự hào khi Mỹ và Việt Nam là các đối tác mạnh mẽ" Đại sứ Mỹ: "Tôi tự hào khi Mỹ và Việt Nam là các đối tác mạnh mẽ" , Người xứ Nghệ Kiev
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí nhân dịp ông có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị mới đây.
Đại sứ vừa có chuyến thăm đáng chú ý tới tỉnh Quảng Trị. Qua chuyến thăm này, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới người dân Việt Nam cũng như người dân Mỹ?
Công việc tuyệt vời của tôi, với tư cách là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã cho phép tôi đến thăm nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước, gặp gỡ những con người tuyệt vời đang làm công việc tuyệt vời để xây những cây cầu kết nối hai đất nước Việt Nam và Mỹ.
Tại tỉnh Quảng Trị, Đại sứ quán Mỹ đánh giá rất cao sự hợp tác chặt chẽ giữa chúng tôi và chính quyền tỉnh cũng như các tổ chức phi chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Các nhóm rà phá bom mìn chưa nổ (UXO) đã phối hợp rà soát gần 160 triệu m2 kể từ khi các hoạt động rà phá bắt đầu được thực hiện vào năm 1995 và cho tới nay đã phá hủy hơn 700.000 thiết bị nổ và những vật liệu nổ khác còn sót lại sau chiến tranh.
Chúng tôi nhận thấy sự phối hợp giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ là ví dụ điển hình cho sự phối hợp rà phá bom mìn. Chúng tôi rất trân trọng mối quan hệ đối tác quan trọng này trong nỗ lực chung của chúng ta nhằm đưa tỉnh không còn chịu ảnh hưởng của vật liệu chưa nổ vào năm 2025.
Hướng tới tương lai, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để đảm bảo hòa bình và thịnh thượng của người dân hai nước.
Mỹ đã phối hợp với Việt Nam để giải quyết các hậu quả hậu chiến tranh, như vấn đề bom mìn chưa nổ và dioxin, ra sao?
Giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh là khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta.
Mỹ tự hào là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong việc loại bỏ bom mìn chưa nổ. Kể từ năm 1993, Mỹ đã đóng góp hơn 105 triệu USD cho các nỗ lực nhằm rà phá vật liệu chưa nổ, phát triển đào tạo và cung cấp các nguồn lực cho các nhóm rà phá bom mìn, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình họ, cũng như huấn luyện về nguy cơ bom mìn chưa nổ tại các khu vực nguy cơ cao.
Năm nay, Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp ít nhất 12,5 triệu USD, và chúng tôi mong đợi sẽ tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cũng như các đối tác quốc tế và địa phương nhằm giúp Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi UXO.
Tỉnh Quảng Trị, nơi chúng tôi hiện tập trung các nỗ lực rà phá bom mìn, dự kiến sẽ được tuyên bố không còn bị ảnh hưởng bởi UXO vào năm 2025 và sẽ trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đạt được mục tiêu này.
Giờ đây, chúng ta vẫn đang tìm kiếm và phát hiện thêm các vật liệu chưa nổ. Qua đó, chúng ta có thể ngăn chặn các tai nạn chết người.
Về vấn đề ô nhiễm dioxin, vào tháng 11/2018, tôi đã tham gia một hội nghị công bố hoàn thành tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng. Đây là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Tổng chi phí ước tính để hoàn thành việc tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng có thể lên tới gần 110 triệu USD.
Vào tháng 4/2019, tôi cũng tham gia lễ khởi động dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, một điểm nóng về dioxin tại Việt Nam. Để khởi động dự án này trong 5 năm qua, Tổ chức phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã ký một thỏa thuận hỗ trợ trị giá 183 triệu USD vào tháng 5/2018 với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Cho tới nay, USDAID đã cấp 58 triệu USD cho dự án tẩy độc tại sân bay.
Theo ông, hai nước chúng ta đã đạt được những gì và cần nỗ lực như thế nào để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt - Mỹ?
Vào năm tới, năm 2020, Mỹ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Quá trình dài nhằm xây dựng niềm tin và mục tiêu chung đã cho phép hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Để nhìn về phía trước, chúng ta trước hết phải nhìn lại quá khứ, đối mặt với các di sản chiến tranh và phối hợp với các cựu chiến binh, các gia đình và những người bị ảnh hưởng bởi quá khứ để xây dựng nền tảng cho mối quan hệ đối tác mà chúng ta nhìn thấy hôm nay.
Chúng ta nên nhìn lại những gì đã đạt được. Trong khi tiếp tục giải quyết các di sản của quá khứ, ngày nay Mỹ và Việt Nam đã có mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị thực sự dựa trên có sở đôi bên cùng có lợi và cam kết chung về hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân hai nước.
Mối quan hệ tiến triển của chúng ta thật là phi thường. Chúng ta đã cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ quốc phòng tới thương mại, y tế và quan hệ nhân dân.
Sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua được thể hiện rất rõ thông qua một loạt các chuyến thăm cấp cao, các chương trình giao lưu nhân dân, sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế quan trọng và sự tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước.
Những lĩnh vực nào trong mối quan hệ song phương mà ông nhìn thấy có tiềm năng hơn nữa để hai nước thúc đẩy trong tương lai?
Tôi rất lạc quan về tương lai của chúng ta, đặc biệt là khi nhìn lại chặng đường mà chúng ta đã đi qua.
Ưu tiên cơ bản của Mỹ là trở thành đối tác quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đóng góp cho an ninh quốc tế, tăng cường thương mại tự do, công bằng và tích cực, tôn trọng pháp quyền.
Mỗi ngày, hai nước chúng ta vẫn đang phối hợp cùng nhau vì một mục đích chung, vì lợi ích chung của hai nước. Điều này cho phép mối quan hệ toàn diện được thúc đẩy trên một loạt các lĩnh vực từ quốc phòng, thương mại, y tế tới giao lưu nhân dân.
Cùng tiến về phía trước với tư cách là các đối tác, chúng ta sẽ đạt được sự thịnh vượng và thành công cho cả người dân hai nước.
Theo ông, mối quan hệ Việt - Mỹ có vai trò gì trong môi trường chính trị thế giới hiện nay?
Mỹ cam kết về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, cùng các đối tác vững mạnh và độc lập, như Việt Nam.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói: “Khi nước Mỹ đi xa hơn, chúng tôi tìm kiếm quan hệ đối tác, chứ không phải sự thống trị”. Chúng tôi muốn xây dựng các mối quan hệ đa phương và song phương, đặc biệt thông qua ASEAN, với các quốc gia trong khắp khu vực nhằm đảo bảo một khu vực ổn định và hòa bình, trong đó các quốc gia tuân thủ trật tự dựa trên các quy định, mở cửa các tuyến đường biển và hàng không, và các tranh chấp được giải quyết mà không được ép buộc. Tôi tự hào rằng, ngày nay Mỹ và Việt Nam là các đối tác mạnh mẽ, cùng hợp tác để thúc đẩy các lợi ích chung trong hòa bình và sự thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.