Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
|
Thứ trưởng Sơn cho biết: phía Anh hiện mới làm được 4 trường hợp trong tổng số 39 nạn nhân tử vong. Cũng chưa phải là xác định danh tính những nạn nhân này mà họ mới gửi hồ sơ sang để chắp nối các thông tin xác định. Họ sẽ còn làm rất kỹ vì phía Anh không chấp nhận nhận diện mà chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm ADN.
Hồ sơ được hai bên trao đổi và phối hợp với nhau. Nghĩa là, họ cũng có nghi ngờ nên phải xác minh. Mỗi ngày họ chỉ làm được 5-6 trường hợp, bắt đầu từ ngày thứ hai. Hôm nay, Bộ Công an sẽ gặp Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. Chúng tôi cũng chưa được cầm 4 hồ sơ đó - Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nói.
Về công tác bảo hộ công dân, Thứ trưởng cho biết: Bộ Ngoại giao đã xây dựng kịch bản cụ thể cho các trường hợp, tức là, nếu có người bị nạn là công dân việt Nam thì sẽ cần thực hiện các bước thế nào. Nhưng, hiện nay phải chờ các bước đàm phán và làm việc cụ thể.
Về vấn đề liên quan, trao đổi với các phóng viên, Bí thư tỉnh ủy Nghệ Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết: tất cả công dân có nhu cầu tìm hiểu thông tin đều được chính quyền các cấp tiếp nhận. Sở Ngoại vụ sẽ là cơ quan cung cấp thông tin cần thiết cho bên Anh xác định.
Cơ quan công an cũng đang rà soát, xác minh lại các thông tin. “Hiện nay Sở Ngoại vụ, chính quyền các cấp được giao nhiệm vụ hỗ trợ kịp thời công dân khi nhận được tin báo và cung cấp cho Bộ Ngoại giao để chuyển cho phía Anh. Bộ Ngoại giao cũng cho hay, khi nhận được thông tin từ phía Anh sẽ cung cấp trở lại cho chính quyền địa phương. Tinh thần sẽ là hỗ trợ công dân hết sức”, ông Vinh nói.
Bí thư tỉnh ủy Nghệ An cũng đánh giá: Đây là sự việc hết sức đáng tiếc và hiện chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động, có rất nhiều công ăn việc làm theo con đường chính thống nên chúng tôi mong muốn công dân nên đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống, được Nhà nước bảo trợ, được chính quyền các nước sở tại hỗ trợ, bảo trợ.
Thiếu tướng, Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội thì cho rằng: Một số doanh nghiệp lách luật bằng nhiều hình thức, đặc biệt đi bằng hình thức dọc biên giới, bằng các đường tiểu ngạch qua các nước láng giềng. Hiện nay, số lượng đó khá lớn, đã có hậu quả và dẫn đến hậu quả buôn người.
Nói về vụ việc 39 người tử nạn tại Anh, ông Nghĩa cho rằng, “đã có dấu hiệu là có người Việt Nam trong số 39 nạn nhân đi từ Pháp sang Anh, con đường đi như vậy rõ ràng là con đường tội phạm, là bất hợp pháp nên mới bỏ trong xe container. Về vấn đề này cơ quan chức năng Bộ Công an và các cơ quan đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, cùng với phía Anh sớm kết luận vụ này.
“Có lẽ trong điều kiện hiện nay thì các cơ quan chủ quản, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Bộ Công an kết hợp với biên phòng chúng ta phải quản lý chặt chẽ hơn nữa.”, ông Nghĩa nói.
Trả lời về việc liệu có một đường dây đưa người di cư bất hợp pháp hay không?, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh nhận định: Theo tôi nghĩ, kể cả buôn bán người mà bằng con đường qua biên giới, bằng tàu biển hay hình thức khác thì phải có đường dây, không phải tự nhiên mà đi được. Chúng ta phải tăng cường quản lý chặt hơn nữa.
Chúng ta phải có bảo hộ và khuyến cáo đối với công dân Việt Nam trong nước, khi đi ra nước ngoài nhiều khi người ta ngộ nhận, đi ra là được cuộc sống như này, được quyền lợi kinh tế như này, đi bằng con đường chui thì sang mất hết các quyền công dân, không được ra ngoài xã hội, chủ yếu làm trong các công xưởng, khó có điều kiện quay trở lại.
Đặc biệt là phải khuyến cáo cho người dân chúng ta ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa nơi mà các nhóm người lợi dụng sơ hở để tổ chức người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp.
(Theo baoquocte.vn)