Đặc sản Quỳnh Đôi - Nộm rau Nhót và bún lá Đặc sản Quỳnh Đôi - Nộm rau Nhót và bún lá , Người xứ Nghệ Kiev
Nhắc đến món ăn Làng Quỳnh chắc hẳn ai cũng lựa chọn hai món: canh lằng và bún là đặc sản quê mình.
Bún Làng Quỳnh đã trở thành "thương hiệu" nổi tiếng từ xưa.Sự kỳ công của người làm ra sợi bún thật công phu. Từ khâu ngâm, giã, lọc, vắt... tạo nên sợi tơ của gạo, vừa trắng lại vừa có mùi chua chua bởi gạo được ngâm. Khi vớt ra, sợi bún đang nóng hổi nếu được bỏ vào những chiếc đĩa nhỏ như nhưng chiếc khuôn, sẽ trở thành những là bún độc nhất vô nhị. Nếu một người xa quê trở về, ăn những lá bún chấm với mắm cáy hoặc ruốc vắt chanh, cắt mấy lát ớt cay cũng đủ để nuốt cả nỗi nhớ quê thấm thía vào lòng. Còn nếu được ăn với canh rạm nấu riêu thì hương vị quê hương và kỷ niệm tuổi thơ đã chan chứa trong tâm hồn.
Bún Quỳnh Đôi còn được gọi là bún chua vì nó được làm bởi các bước rất thủ công, chỉ dùng sức người trong các công đoạn. Vì thế bún Quỳnh Đôi bao giờ cũng có mùi đặc trưng của gạo, và sợi bún có màu hơi trắng đục. Đây cũng chính là đặc điểm để nhận biết với bún làm bằng máy. Người Quỳnh Đôi dù ở đâu bao giờ cũng yêu thích món bún quê mình, đặc biệt khi được kết hợp với các món ăn phụ khác trở thành thực đơn chỉ có ở Làng Quỳnh: BÚN + GIÁ + CÁ + RUỐC. Nếu khách phương xa ghé thăm, chủ nhà Làng Quỳnh bao giờ cũng thết khách món này để tỏ lòng mến khách, vừa để giới thiệu đặc sản quê mình.
Ai đã về đất mẹ Quỳnh Đôi
Hãy ghé chân chợ Nồi buổi sớm
Món bún lá, cá trích ve, rau nhót...
Đượm tình quê mát ngọt trong lòng.
Nếu bún chua là "quốc hồn, quốc túy" của Làng Quỳnh thì canh lằng lại được "du nhập" từ làng khác. Những chiếc lá lằng có hình như chiếc chân chim (nên có nơi gọi lá chân chim) được đưa về Làng Quỳnh không biết tự bao giờ, nhưng nó lại trở thành món ăn yêu thích, là món quê của Làng Quỳnh. Có thể nói, đối với canh lằng thì "nhà nhà đều ăn, người người đều thích". Ai xa quê, dù ở nước ngoài hay trong nước cũng đều nhớ, thèm hương vị của nó. Lá lằng được đem về từ những vùng miền núi, người Làng Quỳnh mua về thái thành sợi nhỏ phơi khô và dùng để nấu canh. Phải nói rằng, canh lằng là món canh đơn giản nhất. Nếu đi học hoặc đi làm về muộn, thèm một bát canh, chỉ cần nấu một tô nước sôi thả một nhúm lằng vô nồi hoặc bỏ vào tô rồi đổ nước sôi vào như pha mì tôm, bỏ muối, bỏ mì chính, thế là thành một tô canh - "canh ăn liền" của người Làng Quỳnh. Nhưng ngon nhất là phải nấu với nắm tép khô mà mấy chị, mấy mệ cất rớ ở sông Đồng Nghệ, Quỳnh Thanh.... Ăn bát canh vừa đắng nhưng lại có dư vị ngòn ngọt trong miệng. Nếu ăn với cà muối thì hương vị vừa đắng của lằng, ngọt của tép, chua, mặn của cà hòa quện thành một món ăn tuyệt không thể tả bằng lời. Ngày xưa khi còn nghèo, canh lằng có thể nấu không, hoặc khi mua cá trích nướng, dân mình lấy đầu cá để nấu canh lằng cũng trở thành nồi canh rất ngon. Khi đi học xa, sinh viên quê mình cũng bỏ lằng vào pha mì tôm, thành món mì không giống ai nhưng ai cũng xin ăn thử.
Canh lằng quê ta là thế, nó lên máy bay, tàu, xe... đi khắp nước, khắp hành tinh, nếu nơi đó có người Làng Quỳnh. Bởi người Làng Quỳnh "nghiện" nó, cũng có thể nó mang hồn quê trong đó!...
Bún chua, canh lằng - tử tuổi ấu thơ chúng ta đã ăn nó, cho đến bây giờ nó vẫn chảy trong huyết quản của mỗi người dân Làng Quỳnh. Từ hai món ăn đó, dường như nó đã góp phần là nên tính cách của người Làng Quỳnh? Bún thì chua, canh lằng thì đắng, muốn cảm nhận được vị ngon của nó, chúng ta phải chờ sự lắng lại, sự lắng đọng của dư vị. Muốn thế chúng ta phải biết chờ đợi. Nếu vì mùi chua, màu trắng đục không bắt mắt của bún; vì vị đắng của lằng mà chúng ta không thử, không ăn thì không biết được cái ngon đặc trưng của nó. Cũng như sầu riêng, nếu vì mùi của nó mà ta không ăn thì không thể biết sầu riêng ngon như thế nào!?!
Cho nên, nghiệm về món ăn quê mình, chính hai đặc sản đã góp phần làm nên tính cách người Làng Quỳnh: thích thử thách và biết NHẪN. ???
Người Làng Quỳnh đi xa để tìm kiếm thử thách và cũng để khẳng định mình; người Làng Quỳnh cũng biết NHẪN để gặt hái những thành công. Vì thế người Làng Quỳnh mới nức danh trong thiên hạ:
Đi ra thiên hạ mà coi
Chẳng đâu bằng đất Quỳnh Đôi đâu mà
Trai miệt mài bút nghiên thi cử
Gái chăm nghề dệt lụa vá may.
(Ca dao)
Bài viết của Ngọc Vân Trích từ diễn đàn làng quỳnh