“Cá rô Bàu Nón kho với nước tương Nam Đàn
Gạo tháng mười cơm mới, đánh tràn không biết no.”
Phía Nam dãy Đại Huệ, giữa Nam Anh, Nam Thanh và Nam Xuân (huyện Nam Đàn) có một cái hồ, tên là Hồ Nón, người dân ở đây gọi hồ là bàu, bởi vậy nó có tên là Bàu Nón. Tiếng ngon của cá rô Bàu Nón không đơn thuần là lời đồn thổi trong dân gian, mà được xác minh bằng câu chuyện lịch sử.
Tương truyền ngày xưa, hồ rộng lớn mênh mông hơn bây giờ rất nhiều, mùa lũ, nước từ trên khe núi đổ xuống gây ngập úng cả vùng. Vào một năm có người tên là Nguyễn Văn Mệnh được điều về làm quan cai quản vùng đất này đã huy động nhân dân đào một con kênh nối liền Bàu nón với Sông Lam, từ đó mà hết ngập úng.
Bàu Nón nổi tiếng với giống cá rô rất ngon, ăn béo ngậy và thơm bùi. Nhưng rồi niềm tự hào về sản vật quý của Bàu Nón đã trở thành họa gian nan vất vả cho người dân vùng này. Khi một bà chúa trong phủ Trịnh về ở tại vùng Nộn Liễu dọn bữa cơm trưa cho vua với món cá rô Bàu Nón, vua ăn khen lắm và cho rằng món cá rô Bàu Nón không cao lương mỹ vị nào bằng, nên phán truyền nộp cống tiến cá rô hàng năm vào cung. Đồng thời người nấu món cá rô trong bữa ăn ấy cũng bị đem về cung làm Phạn Ngọ (người nấu bữa cơm trưa).
Nặng tình quê hương, Mụ Ngọ thương người dân quê phải nhọc nhằn trong việc tiến cung con cá rô, đã lập mưu giúp dân thoát khỏi nạn cống tiến. Mụ bày cho dân mang cá rô gầy tiến cung rồi thưa, cá rô gầy mới là cá rô sạch; cá rô béo mụ bày cho dân thả vào vũng trâu đằm, rồi quậy thêm phân trâu vào nữa, sau đó dẫn viên quan của triều đình về chứng kiến dân đánh cá. Khi hai loại cá rô được dọn lên, vua định gắp miếng cá rô béo, Mụ Ngọ liền trình bày thực tình và nói thêm rằng Nộn Hồ mấy năm nay luôn mất mùa, Bàu Nón kém màu mỡ, viên quan cũng xác nhận như vậy. Vua lợm và từ đó bãi bỏ lệ tiến cống cá rô Bàu Nón. Đền thờ Mụ Ngọ được nhân dân xây dựng bên cạnh Hồ Nón, để tưởng nhớ người đã giải thoát nỗi vất vả cho dân.
Nam Đàn cũng là quê hương của vị lãnh tụ dân tộc Hồ chí Minh. Và Bác Hồ cũng là người mê món cá kho tương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một người chiến sĩ nuôi quân, khát khao được một lần làm cơm đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Biết được sở thích mê cá kho tương của Bác, mười lăm ngày phép chị đã lặn lội về Nam Đàn để học kho cá. Nhưng ước mơ của chị không thành vì Bác Hồ đột ngột từ biệt nhân dân đi xa mãi mãi. Nỗi ngậm ngùi được chị viết thành bài thơ có tựa đề “Khóc Bác”, tôi không biết tên thật của chị là gì, vì chị lấy bút danh là Nguyễn Thị Nuôi. Bài thơ của chị được các nhà bình thơ hồi đó đánh giá là bài thơ hay nhất trong chùm thơ khóc Bác.
Đâu ngại đường xa chuyện nắng mưa,
Từng nhen ngọn lửa đứng bên lò
Mười năm cấp dưỡng con hằng ước
Được bữa làm cơm đón Bác Hồ
Biết Bác không quên miếng cà dòn
Quên cơm độn sắn, cá kho tương
Con từng nghỉ phép về quê Bác
Học muối tương cà, kho cá ngon
Cà pháo hôm nay mặn muối rồi,
Cá vàng màu nghệ, bếp đương sôi,
Bỗng tin Bác mất, trời mưa lớn
Đôi đũa con cầm bỗng tụt rơi!
Khóc Bác nhưng đâu dám ngậm ngùi
Dám đâu bếp lạnh lửa tro vùi
Con xin sớm tối cơm thơm dẻo
Ngon miệng anh em chắc Bác vui!
Thơ Nguyễn Thị Nuôi
“Mâm cơm làng Sen” trong hội thi của đội Phlanhoa
12.9.2009, lần thứ hai Phlanhoa tham gia hội thi vượt ra khỏi tầm “hội xóm”.
Cuộc thi lần này quy mô nhỏ hơn lần trước, nhưng đề thi rắc rối hơn. Lần trước có tới gần trăm DN tham gia, trong đó mất khoảng một phần tư là nhà hàng khách sạn, mỗi đội thi chỉ được phép 2 người (một chính, một phụ). Còn lần này chỉ có 17 đội đăng ký và được quyền đưa tới 10 người vào hội thi vì đề thi là một mâm cơm có 5 món, số lượng cho 10 người ăn, thời gian cho phép thực hiện là hai tiếng rưỡi (từ 15:00 đến 17:30). Ban giám khảo không chỉ chấm điểm bàn ăn mà chấm cả nguyên liệu đưa vào hội thi, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bảng điểm được công bố rõ ràng (gồm có điểm chủ đề, điểm thuyết trình, điểm hình thức, điểm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, điểm sáng tạo). Ban giám khảo có lẽ cũng khó chấm hơn vì có các món ăn của người nước ngoài tham gia, đồng thời trong hội thi còn có cả những món ăn mang màu sắc hội nhập, nghĩa là nửa Ta – Tây kết hợp.
Chiếc bánh hữu nghị Việt – Nga của đội Nga
(đồng giải Nhì với Mâm cơm làng Sen)
Khác với những người khác, mục đích của người đi thi là cố gắng giật giải. Nhưng tôi thì mang một tâm sự lớn lao hơn là việc giành giải thưởng cho riêng mình, đó là tôi muốn món ăn Xứ Nghệ được sánh ngang tầm với Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Tôi muốn người dân Xứ Nghệ không còn tự ti mình là “dân chém to kho mặn”. Có thể lời tôi nói bây giờ hơi sớm, mọi người sẽ cho là thiếu khiêm tốn, nhưng tôi vẫn khẳng định chắc chắn, rằng người Xứ Nghệ nếu bỏ qua suy nghĩ tự ti đi và cố gắng lên sẽ làm được điều đó.
Trước lúc đi thi, tôi có nói với chị em trong đội thi, giải cao thì tôi không chắc được, nhưng giải ấn tượng về bản sắc văn hóa và món ăn “không đụng hàng” thì tôi làm được. Chị em cũng nhất trí tư tưởng với tôi sẽ là như vậy. Ấy là khi trong đầu tôi đã có ý tưởng giới thiệu một món ăn Xứ Nghệ có hương vị đậm đà tới hai tầng lịch sử của đất Nam Đàn: “Cá rô Bàu Nón” như câu chuyện tôi đã kể trên. Ngoài ra, cũng là dịp để tôi giới thiệu một vài món ăn khác lạ của vùng quê tôi Nghệ An – Hà Tĩnh.
Thực đơn nhanh chóng được kê như sau:
• Món khai vị: Nộm hến sông La (món đặc sản của con sông quê tôi)
• Món chính: Cơm độn sắn hấp lá sen/ Cá kho tương là hai món theo bài thơ “Khóc Bác” và canh bầu chua cua bể Thạch Hà (món chỉ có ở trong nhân dân vùng Thạch Hà – Hà Tĩnh)
• Món tráng miệng: Chè hạt sen long nhãn (món cung đình)
Tôi cố ý để một món cung đình vào mâm cơm quê, đó là ý đồ gửi gắm rằng, Bác Hồ vừa là dân cũng vừa là Vua, hai tính cách trong một con người vĩ đại. Hơn nữa, hạt sen trong bát chè là hạt sen đưa từ làng Kim Liên vào. Ba ngày trước hội thi, tôi tốn hết nửa chai tương và lưng đọi mật, cùng một số gia vị khác để thử nghiệm pha chế nước kho cho món cá, mỗi lần chỉ một thìa cà phê thôivà làm đi làm lại cả chục lần, đến chừng hết nửa chai tương thì không dám thử nữa vì sợ không còn tương để mà đi thi. Chỉ tiếc là Bàu Nón xa quá, không thể đem cá rô vào được.
Với món nộm hến, hến thì không đắt mà đắt ở công làm. Để thơm ngon như ý, bạn không thể mua loại hến bán sẵn ở chợ mà phải tự tay mình mua con hến sống về ngâm cho hết bùn đất, luộc, đãi hết sức cẩn thận mới hòng công nhận được là ngon. “Giải món ngon sáng tạo”, con hến quả đã không phụ công tôi.
Món “canh bầu chua cua bể Thạch Hà” tạo nên một kỷ niệm khá vui nhộn. Bởi đã có một lần kinh nghiệm, nên tôi biết rõ, món dự thi đã bày lên bàn chờ chấm điểm, thì chít ít mất một vài giờ mới được ăn, lúc đấy đã nguội, làm gì còn ngon được nữa. Vả lại sợ chị em trong đội đói bụng, nên tôi sơ cua hậu cần theo mấy cân bún và thay vì nấu một tô canh để thi, thì tôi nấu những lưng nồi quân dụng. Sau khi BGK chấm xong, có yêu cầu là các món dự thi để nguyên chưa được ăn, mà phải đem ra bàn tiệc lớn bày ở đó. Tôi kêu chị em trong đội bê ngay, giải phóng mặt bàn và bê nồi canh nóng hổi lên, bún & rau sống cũng được mang vào. Đội bạn thấy hấp dẫn đem bát đũa chạy sang, lớp ngoài lớp trong vây quanh nồi canh chua vừa ăn vừa cười hả hê rất chi là “hữu nghị”.
Ý tưởng xây dựng mâm cơm thành hình ảnh một ao sen xất hiện chỉ trước hội thi ba ngày. Ban đầu tôi định để “mộc” chân quê theo lối đọi đất, niêu trách... Nhưng chiều về ngang qua con đường 51B, ao sen làm cho tâm hồn tôi thanh thản, tôi bỗng liên đới nó với chủ đề “mâm cơm làng Sen” của mình. Tôi nghĩ, sao không dọn món trong những bông sen nhỉ? Và thế là hình thức “mâm cơm làng Sen” đã được thay đổi thành một ao sen như bạn thấy trong ảnh.
Kể chuyện đến đây, bỗng nhiên trong đầu tôi lại mơ tưởng về hình ảnh một con thuyền rồng đang quạt mái chèo giữa dòng sông La. Sẽ là một dòng sông xanh biếc, bờ sông thoai thoải cát nâu, tre xanh in bóng... tất cả điều đó sẽ được vẽ nên từ con hến quê hương. Vâng, nếu có một cuộc thi lớn hơn mà tôi được tham dự, tôi sẽ cất công làm điều đó!
Mâm cơm làng Sen – Giải nhì (đồng giải với đội Nga)
Ngoài ra đội Phlanhoa còn nhận thêm giải
“món ngon sáng tạo” cho món “Nộm hến sông La”
Theo vidamdodua.com