Ảnh minh họa - Internet
Xắc...xắc...xắc...
Xắc...xắc... xắc...
Về đêm từ trong bụi rậm cứ phát ra tiếng kêu chợt chã ấy làm không gian se hanh đầu đông thêm buồn tẻ.
Bây giờ, hình như tiếng kêu con xắc xắc ở các vùng quê đã cạn kiệt. Phải thôi, cây bụi đã thay thế bằng tường bao bê tông gạch đá cả rồi. Sự đổi thay của nông thôn mới, làm nhiều cái cũ chỉ còn trong ký ức. Cái thời, đi ra mé lũy tre làng là bắt được tôm, được cá. Đói thì hái những nhúm rau má ven đường vệ cỏ, rửa qua nước ao ruộng mà nhai ngấu nghiến, không đau bụng chột dạ gì sất, và chẳng nghe nói độc tố hay ô nhiễm bao giờ.
Tụi trẻ bây giờ nghe tôi kể, chúng cứ thưỡn mặt ra mà hỏi tôi, con xắc xắc là con gì hở bác. Tôi cũng cố tra tìm để giải thích cho tụi trẻ, nhưng cũng chưa tìm thấy. Thế là, đành giải thích và vẽ mô tả cho chúng vậy.
Tiếng kêu của nó là ba tiếng xắc... xắc... xắc... một nhịp, thường về đêm khi có sương mù, từ trong bụi rậm. Nó mảnh khảnh như mấy khúc ngành tre cỡ chừng cái đũa ghép lại, có ba phần đầu thân và đuôi; chân thì lều khều như những cái tăm tre, cũng có cẳng, đùi và bàn móng. Nó tự như nhánh cây giao làm cảnh các cháu thường thấy vậy. Màu nó xám đen. Tụi trẻ chăn trâu thuở đó hay bắt nó chơi trò cơm gạo. Ngày ấy nhiều lắm, giờ trở thành của lạ. Ngay đến con trâu con bò, mà trẻ con xứ phố xá còn ngắm như vật thể lạ nữa là.
Bỗng chạnh lòng buồn vì thời ấy đã xa rồi!
Xắc... xắc... xắc...
xắc... xắc... xắc
Tiếng kêu buồn tẻ của con xắc xắc mùa tháng mười âm lịch. Mùa sương mù trà xuống ven làng, ven đồng, báo hiệu bà con ngư dân được mùa cá thu. Cả vùng nông thì đồn kháo râm ran, được mùa cá thu rồi. Họ bàn tính cách nấu, cách bảo quản thế nào cho đến ngày tết. Ngày tết còn những hơn vài tháng nữa. Sự lo lắng sớm cho ngày tết, như là truyền thống vậy. Họ phải bỏ buổi đồng áng để mà đi chợ mua cá. Thời buổi khó khăn, nghèo túng, con người thường tính kế gom góp lo xa.
Chợ Nồi, cái chợ xứ làng Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu khá nổi danh. Nơi ấy, cái gì cũng có sẵn. Ngày nào cũng là phiên chợ. Chợ họp từ tầm mặt trời lên non cây sào, cho đến trưa. Thế nhưng chiều vẫn có chợ hôm nhóm họp cho bà con trong làng hay khách vãng lai mua bán.
Những gánh cá thu tươi, Những mẹt tre cá thu nướng, những nồi đất nhỏ cá thu kho... nhìn thấy phát thèm. Thèm lắm, đói mà. Đói cả làng, cả vùng, không của riêng ai, trừ mấy nhà cán bộ nhà nước có gạo sổ, có tem, có phiếu còn đỡ.
Tùy túi tiền và công chuyện mà người này mua cả con, người khác mua mấy lát cá thu nướng. Người nghèo hơn thì mua cá thửng (có nơi gọi là cá mối) nướng. Họ đem về kho trong cái nồi trạ bằng đất. Kho với mật mía, ớt chỉ thiên, mấy lát riềng, muối trắng và nước lã. Thời ấy làm chi có cay tiêu, bột ngọt. Kho nhỏ lửa mất đến cả buổi, đến lúc cạn khô là được. Có phải vì công thức dân dã ấy không mà miếng cá nó thơm ngon và dậy mùi đặc trưng riêng của nó. Kho xong, treo cất đậy thật cao, đề phòng mèo ăn vụng và kể cả trộm cắp. Thời ấy từng có vụ án 3 năm tù vì tội ăn cắp nồi cá tết và 2 kg đạm ure. Độ mươi hôm người ta lại cho nước vào, nấu cạn, gọi là hâm. Cứ thế cho đến tết thì miếng cá đã nhừ mục, nhưng hương vị thì thơm đến lạ lùng.
Quãng thời gian ấy, nếu nhà có khách, sẻ "bớt" một miếng cá, tráng mỏng vài quả trứng, ra vườn hái mớ rau là có bữa tiếp chu đáo. Còn thịt thì đừng có mà mơ, một năm vài ba lần, Ủy ban xã mới cho mổ thịt và ngày tết, ngày lễ, mà mỗi khẩu được mấy lạng thôi. Hồi ấy còn phải cúng giỗ, giỗ cả làng theo kỳ thịt heo mà.
Lại nói tiếp về cá kho. Miếng cá trên mâm được chia đều cho mỗi người để dằm ra chấm bánh chưng. Bánh chưng chấm cá kho kỹ ăn thơm ngon, thấm miệng và không bị ngán. Miếng xương cá lúc này vừa mềm, vừa bùi, chỉ dành cho người nhâm nhi với rượu.
Thời nay, không cần phải cất trữ, nhưng nhớ kho thật kỹ, mà phải kho bằng nồi đất, mật mía mới ngon, rồi cất vào tủ lạnh ăn dần. Bánh chưng thì lúc nào mà chả có trong siêu thị. Mùa nào mà chẳng có cá thu. Ngày nào mà chả ăn như tết. Nhưng nói thật, nấu kiểu gì cũng không ngon bằng kiểu nấu truyền thống.
Cái khó ló cái khôn, một món ăn dân dã của một thời nghèo khó. Thế nhưng, bạn hãy thử làm đi, đảm bảo bạn nghiền ngay! Đặc sản đất Quỳnh Lưu Xứ Nghệ đó.
Thạch Cầu
|