Hình ảnh quà đặc sản xứ Nghệ trong thơ ca
Trong văn hoá ẩm thực, quà đặc sản chính là một nét đặc sắc thể hiện sự khác biệt rõ nét giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước. Đặc sản được sản sinh ra do được sự ưu đãi của môi trường sinh thái và sự sáng tạo của con người nên nó thể hiện đặc trưng riêng biệt của từng vùng, miền, địa phương khác nhau. Xứ Nghệ từ lâu đã nổi tiếng với những món quà đặc sản như: bưởi Phúc Trạch, cam xứ Nghệ, kẹo cu đơ, cháo lươn Vinh, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, nước mắm Nghệ, rượu Can Lộc, nước chè xanh… Bài viết này tập trung nhận diện giá trị của quà đặc sản xứ Nghệ dưới góc nhìn văn học qua một số bài thơ các tác giả người Nghệ. Qua đó, thấy được sự gắn bó, tự hào về quê hương đất nước của nh
Trong văn hoá ẩm thực, quà đặc sản chính là một nét đặc sắc thể hiện sự khác biệt rõ nét giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước. Đặc sản được sản sinh ra do được sự ưu đãi của môi trường sinh thái và sự sáng tạo của con người nên nó thể hiện đặc trưng riêng biệt của từng vùng, miền, địa phương khác nhau. Xứ Nghệ từ lâu đã nổi tiếng với những món quà đặc sản như: bưởi Phúc Trạch, cam xứ Nghệ, kẹo cu đơ, cháo lươn Vinh, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, nước mắm Nghệ, rượu Can Lộc, nước chè xanh… Bài viết này tập trung nhận diện giá trị của quà đặc sản xứ Nghệ dưới góc nhìn văn học qua một số bài thơ các tác giả người Nghệ. Qua đó, thấy được sự gắn bó, tự hào về quê hương đất nước của những người đang ngày ngày góp phần xây dựng quê hương và cả những người Nghệ sống xa quê.
Quà đặc sản xứ Nghệ không phải là những món ăn cao sang, sơn hào hải vị mà chỉ là những nhút, cà, tương, mắm nhưng đã đi vào tâm thức của con người xứ Nghệ. Quà đặc sản mang hương vị của quê hương, để mỗi người con trong mọi trạng huống khi ở nhà cũng như khi xa quê được thưởng thức những món ăn ấy liền nhớ quê hương:
“Ôi xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất cổ nước non nhà
Đã trăm, nghìn thế hệ
Vẫn ưa nhút, ưa cà”.
(Gửi bạn người Nghệ Tĩnh - Huy Cận)
Quà đặc sản xứ Nghệ gắn bó với mỗi người dân từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Vì vậy, nếu phải rời quê lập nghiệp, mưu sinh, cái mà người đi xa nhớ nhất chính là những món ăn, thức uống hằn sâu vào tiềm thức của họ để mỗi khi được chạm đến, trong tiềm thức họ trỗi dậy tình yêu thương, nhớ nhung da diết:
“…Ôi! Quê mẹ bao thăng trầm chìm nổi
Cả cuộc đời mẹ lặn lội nuôi con
Bán từng mớ khế, trầu non
Cam bù mẹ hái thuở còn đang xanh
Quýt ngon chen lá trên cành
Mẹ cười để bán nên đành phải thôi”.
(Nhớ mẹ - Phùng Bá Thanh)
Mảnh đất xứ Nghệ không có nhiều thuận lợi cho con người mưu sinh, phát triển và làm giàu. Bởi thế từ xưa, những thế hệ học trò người Nghệ đã phải “học gạo”, học để có cái ăn, cái mặc, để vượt ra khỏi thực tại khó khăn. Cái nghèo, cái đói không làm nản chí những con người nơi đây, họ ăn “cá gỗ” để mong đậu đạt làm quan giúp dân, giúp nước. Học trò Nghệ trước đây ra Kinh kỳ để tỏa sáng tài năng thì ngày nay cũng vươn xa ra thủ đô và các thành phố lớn để xây dựng cơ đồ. Hành trang họ mang theo là cái chữ, là trí óc, là sự sáng tạo và trong tiềm thức của họ là những nhút, những cà, những khoai, những mắm… Đó cũng là niềm yêu mến nhớ về quê hương của những con người đã thành đạt khi hướng về quê hương. Nguyễn Minh Châu trong bài “Quê tôi” cũng đồng điệu với cảm xúc đó khi nhớ về đặc sản xứ Nghệ:
“… Đã bao đời truyền miệng “nhút Thanh Chương”
Bởi mặn nhút nên tình đời thêm đậm
Người quê tôi có đi xa ngàn dặm
Trong ngọt ngào không quên nhút quê nhà…”
Bác Hồ cũng là một người con xứ Nghệ. Bác thường dành lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ. Đó cũng là tình cảm của Người hướng về quê hương. Người nuôi quân đã viết bài thơ “Khóc Bác” để nói lên tình cảm của mình đối với Bác và tình yêu của Người đối với quê hương xứ Nghệ:
“Biết Bác không quên miếng cà giòn
Quên cơm độn sắn, cá kho tương
Con từng nghỉ phép về quê Bác
Học muối tương cà, kho cá ngon.
Cà pháo hôm nay mặn muối rồi
Cá vàng màu nghệ, bếp đương sôi,
Bỗng tin Bác mất, trời mưa lớn
Đôi đũa con cầm bỗng tụt rơi!…”
Trong kháng chiến chống Mỹ, thông qua món quà đặc sản là bưởi Phúc Trạch, nhà thơ Xuân Diệu liên tưởng đến:
“Bưởi ngon Phúc Trạch vỏ còn the
Nợ máu mi vay phải trả về
Cả nước nắm đầu quân giặc Mỹ
Bắt đền em nhỏ ở Hương Khê”
(Em nhỏ Hương Khê - Xuân Diệu)
Với tác giả Phạm Đình Tô (viết năm 2000), cam Xã Đoài chính là hình ảnh của quê hương Chân Lạc:
“...Chuyện cam Xã Đoài nổi tiếng khắp vùng
Hương thơm, vị ngọt lẫy lừng bốn phương!
Chuyện trong một nhà mà giáo lẫn lương
Người cầu nguyện, người thắp hương cúng tổ
Và Chân Lạc, một miền quê nho nhỏ
Tiếng chuông nhà thờ vẫn đổ ngân vang….
(Chân Lạc quê tôi - Phạm Đình Tô)
Hình ảnh cam Xã Đoài đã đi vào thơ văn xứ Nghệ như một biểu tượng cho tinh thần, khí phách kiên cường của người dân trên mảnh đất Chân Lạc. Hương vị thơm ngon của cam Xã Đoài cùng với các đặc sản của các vùng quê khác cũng được nhà thơ Huy Cận khắc họa:
“Ai ơi, cà xứ Nghệ
Càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ
Càng chát lại càng ngon
Khoai lang vàng xứ Nghệ
Càng nhai kĩ càng bùi
Cam Xã Đoài xứ Nghệ
Càng chín lại càng tươi”
(Gửi bạn người Nghệ Tĩnh - Huy Cận)
Cam Xã Đoài đã trở thành một hình tượng đẹp để các nhà thơ, nhà văn dùng làm biểu tượng để ca ngợi quê hương, đất nước, con người.
“Quê tôi cam ngọt Xã Đoài
Cá thơm Cửa Hội, lạc bùi chợ Sơn”
Hoài Thương. <ngheandost.gov.vn>.
|