Nghệ An nổi tiếng với những đặc sản bình dị, dân dã nhưng gây ấn tượng bởi hương vị khó quên, khiến du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi về sau.
Cháo lươn
Nhắc đến đặc sản Nghệ An, bạn không thể không kể đến cháo lươn Vinh – một món ăn trứ danh xứ Nghệ.Khác với nhiều loại cháo, cháo lươn Nghệ An mang một hương vị đậm đà khó quên. Cháo được nấu từ gạo tẻ chọn lọc và ninh không quá nhừ, ăn cùng những miếng lươn béo ngậy, vàng óng. Lươn phải được chọn từ những con sạch nhất, chế biến khéo léo sao cho giữ được độ mềm và dai vừa phải. Bát cháo lươn sánh đều cùng mùi thơm của thịt lươn tạo thành một trong những món ăn mà du khách nhất định phải thử khi đến đây.
Bánh bèo
Bánh bèo là món ăn nổi tiếng của miền Trung, tuy nhiên ở mỗi tỉnh thành, bánh bèo lại được làm từ những nguyên liệu khác nhau. Khác với bánh bèo Huế được làm từ bột gạo, bánh bèo Nghệ An sử dụng bột lọc để nặn bánh. Bột bánh phải được nhồi khi nước còn nóng và nhanh tay để tạo được một mẻ bánh ngon. Sau đó phi thơm tôm với hành mỡ, nêm nếm gia vị đậm đà để hoàn thiện phần nhân bánh hấp dẫn. Món bánh bèo đặc sản Nghệ An này được ăn kèm với nước chấm cay nồng và rau thơm giải ngán.
Cháo canh
Món ăn tưởng chừng như dân dã này lại trở thành một trong những món ăn mà du khách nên thử khi có dịp đến Nghệ An. Thoạt nghe đến tên món ăn, nhiều người sẽ nghĩ đây là cháo kết hợp với canh. Nhưng thực chất món này có cách chế biến vô cùng độc đáo. Cháo canh sử dụng bột mỳ làm nguyên liệu chính, sau khi nhào nhuyễn sẽ cán bột thành những sợi nhỏ, tròn, chan cùng nước hầm xương ngọt thanh.
Tương Nam Đàn
Đặc sản Nghệ An không thể bỏ qua cái tên tương Nam Đàn. Để có được một mẻ tương thơm ngon, các nguyên liệu chuẩn bị như đậu nành, nếp... cũng phải được lựa chọn kỹ càng. Hạt đậu nành phải là những hạt đều, chắc mẩy. Sau khi rang đậu chín sẽ để nguội và xay vỡ đôi, vỡ ba chứ không được xay nát. Tiếp tục xảy đậu để bỏ vỏ, cho vào nồi nấu hơn 24h rồi ủ trong chum.
Tương Nam Đàn là đặc sản Nghệ An được nhiều du khách lựa chọn làm quà cho người thân.
Khoảng một tuần sau khi ủ, tương sẽ có mùi thơm ngọt và màu vàng rơm. Lúc này, tương được đưa ra bóp vụn, đem phơi nắng rồi cho vào túi bóng giữ kín chờ ngày ngạ tương. Hàng ngày vào buổi sáng người làm tương sẽ khuấy đều chum, vớt bọt, tạp chất nổi lên. Sau khoảng 7 ngày ủ, tương được làm bằng cách đem mốc, muối trắng cho vào chum nước tương theo tỷ lệ mốc 7 kg/chum 100 lít, muối 17-18kg/chum 100 lít. Ngạ tương để khoảng 45 ngày, bạn sẽ cho một chum tương Nam Đàn thơm ngon với màu sắc vàng óng.
Nhút Thanh Chương
Cùng với tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương là một trong những đặc sản Nghệ An nổi bật. ’’Ai về ăn nhút Thanh Chương, dừng chân nếm thử vị tương Nam Đàn’’ là câu nói đã lưu truyền bao đời nay, minh chứng cho sự nổi tiếng của hai món ăn bình dị này. Món nhút Thanh Chương thường được làm từ quả mít non gọt vỏ, sau khi đem muối ít ngày với ớt, lá gừng, củ sả tùy khẩu vị mỗi người sẽ ra được thành quả là hạt nhút trắng nõn, mang đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt. Nhút có thể được vắt khô chấm ăn hoặc làm nộm, xào với thịt ba chỉ, nấu canh chua… và ăn với cơm.
Ốc xào
Ở một số tỉnh thành, món ốc xào được người dân chế biến bằng cách để nguyên con ốc và thêm nước sốt đậm đà. Còn với Nghệ An, người dân tỉ mỉ chặt đít ốc và rửa sạch để gia vị được thấm đẫm vào từng con ốc. Sau đó, ốc được đem đi xào với sả, ớt, lá chanh cùng tóp mỡ béo ngậy. Món này được ăn cùng bánh đa và dưa chuột, rau thơm, là lựa chọn thích hợp cho những bữa ăn chiều của du khách khi có dịp đến Nghệ An.